Hiệu quả của việc xả lũ lấy phù sa ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long

Hiệu quả của việc xả lũ lấy phù sa ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long
6 giờ trướcBài gốc
Hiện nay bà con nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Thu Đông, đang cho máy xới xuống ruộng vùi gốc rạ và tiến hành mở cống xả lũ ngâm đồng lấy phù sa. Theo kinh nghiệm của nhà nông năm nào có xả lũ thì năng suất lúa đều tăng lên khoảng 1 tấn/ha, lúa ít sâu bệnh dịch hại, giảm số lần bón phân và phun thuốc.
Một lợi ích khác của việc xả lũ đón phù sa là bà con nông dân đánh bắt thủy sản tự nhiên trên đồng
Anh Lê Văn Oanh, một nông dân ở xã Nguyễn Văn Thảnh cho biết, năm nào anh cũng thực hiện việc xả lũ lấy phù sa sản xuất lúa rất hiệu quả: "Mình thả nước lũ vào để ngâm khoảng 1 tháng và 2 tháng khi nước xuống mới xả lại. Sau thời gian ngâm đất cải tạo đất có phù sa làm có năng suất".
Theo kế hoạch, diện tích đất nông nghiệp ở huyện Bình Tân đủ điều kiện xả lũ đón phù sa năm nay trên 2.750 ha tại 8/10 xã, thị trấn (trừ 02 xã Tân An Thạnh và Thị trấn Tân Quới). Những diện tích này tập trung nhiều ở 2 xã Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh và 1 phần diện tích của các xã còn lại có đê bao khép kín nên nông dân tập trung trồng rau màu trong mùa lũ. Thời gian bắt đầu xả lũ vào đầu tháng 9 đến giữa tháng 10 âm lịch, diện tích sau khi được xả lũ sẽ được người dân xử lý đất và tiến hành xuống giống vụ Đông Xuân 2024-2025, theo lịch thời vụ được ngành nông nghiệp huyện đề ra.
Hiện nay bà con nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đã cơ bản thu hoạch xong vụ lúa Thu Đông, đang cho máy xới xuống ruộng vùi gốc rạ và tiến hành mở cống xả lũ ngâm đồng lấy phù sa
Bà Đinh Thị Tuyết Hạnh, Phó phòng NN&PTNT huyện Bình Tân cho biết thêm: "Thực hiện xả lũ sẽ mang lại lợi ích cho đồng ruộng như có lượng phù sa lớn cho đồng ruộng để tạo màu mỡ cho đất, phân hủy được lượng rơm rạ cũng như và bã thực vật sau khi thu hoạch, tạo nguồn phân hữu cơ cho đất, đồng thời tiêu diệt được mầm bệnh có trong đất. Năm nay nếu lũ về muộn,lũ thấp huyện sẽ khuyến cáo người dân xuống giống theo lịch thời vụ theo lịch xuống giống của Sở NN&PTNT đưa ra".
Hiệu quả của việc xả lũ là giúp bồi bổ dinh dưỡng cho đất canh tác sau quá trình thâm canh tăng vụ làm cho đất bạc màu, là dịp để rửa chua phèn, vệ sinh đồng ruộng sau mùa vụ. Và càng có ý nghĩa hơn đối với những khu ruộng, vườn vừa bị nhiễm mặn, lũ giúp rửa trôi độ mặn, hồi sinh cho những vùng đất bị nhiễm phèn.
Khi nước lũ lên, bà con nông dân cho nước vào đồng để ngâm ruộng
Một lợi ích khác của xả lũ đón phù sa bà con nông dân tích cực áp dụng các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản tự nhiên trên đồng, trên sông rạch và phát triển một số mô hình canh tác cây thủy sản như sen, súng… Hoạt động này của bà con diễn ra khá sôi động trong mùa nước nổi, qua đây giúp tạo thêm việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho người dân ở Bình Tân.
Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/hieu-qua-cua-viec-xa-lu-lay-phu-sa-o-huyen-binh-tan-tinh-vinh-long-post1122941.vov