Hiệu quả mô hình cải cách 'Ngày thứ 6 tại chỗ' ở thị trấn Gôi

Hiệu quả mô hình cải cách 'Ngày thứ 6 tại chỗ' ở thị trấn Gôi
20 giờ trướcBài gốc
Cải cách hành chính (CCHC) đang trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại thị trấn Gôi (Vụ Bản). Với sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng những sáng kiến thực tiễn, công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã có những bước tiến mạnh mẽ. Trong đó, mô hình “Ngày thứ 6 tại chỗ” - sáng kiến của chị Trần Thu Hằng, công chức Văn phòng - Thống kê đã phát huy hiệu quả tích cực tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thực hiện CCHC, giúp người dân địa phương tiếp cận nhanh chóng với các dịch vụ công trực tuyến và khai thác tối đa tiện ích số.
Tư vấn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa thị trấn Gôi (Vụ Bản).
Những năm qua, công tác CCHC được đảng ủy, chính quyền thị trấn Gôi quan tâm, chú trọng chấn chỉnh việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi công vụ, nhiệm vụ tại địa phương và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên một thách thức lớn vẫn tồn tại: người dân có thói quen giao dịch trực tiếp, e ngại dịch vụ công trực tuyến. Nhiều người chưa chủ động giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, trong khi công tác tuyên truyền chưa thực sự thẩm thấu đến từng hộ gia đình, doanh nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, thị trấn Gôi đã áp dụng mô hình “Ngày thứ 6 tại chỗ” để tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ lợi ích của việc giao dịch trực tuyến; khai thác tiện ích của phần mềm VNeiD và hỗ trợ người dân giải quyết tất cả các TTHC nói chung đặc biệt là nhóm các dịch vụ liên quan đến giải quyết trực tuyến toàn trình như: “Xác nhận tình trạng hôn nhân”; “Cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam”; “Cấp bản sao trích lục hộ tịch”; “Đổi giấy phép lái xe” và “Cấp hộ chiếu phổ thông” ngay tại UBND thị trấn. Những thủ tục này thuộc thẩm quyền tiếp nhận, xử lý của các sở, ngành, đơn vị khác nhau: Tư pháp, Công an, Trung tâm Phục vụ hành chính công, Kiểm soát TTHC và Xúc tiến đầu tư tỉnh; Bộ phận một cửa Trung tâm huyện. Trước đây nếu muốn thực hiện các giao dịch này, người dân phải lần lượt đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của từng cơ quan, đơn vị để được hỗ trợ. Nhờ mô hình “Ngày thứ 6 tại chỗ” đã khắc phục các giới hạn về không gian, tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí đi lại cho người dân, giúp người dân khai thác tối đa các tiện ích của VNeiD.
Để thực hiện tốt mô hình này, vào ngày thứ 6 hàng tuần, UBND thị trấn đã tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, trang thông tin điện tử thị trấn và trang facebook, zalo của bộ phận “một cửa” về CCHC, mô hình “Ngày thứ 6 tại chỗ” để người dân biết thực hiện; bố trí công chức Văn phòng - Thống kê và công chức Tư pháp - Hộ tịch trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải quyết TTHC; hỗ trợ công dân chứng thực điện tử để hoàn thiện hồ sơ. Với cách làm này, đến hết năm 2024, sau 8 tháng triển khai áp dụng, bộ phận “một cửa” thị trấn đã hỗ trợ 27 yêu cầu thực hiện các giao dịch hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh; Bộ phận “một cửa” Trung tâm huyện. Trong đó có 11 hồ sơ “Cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam”; 2 hồ sơ “Xác nhận tình trạng hôn nhân” của công dân tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Lai Châu; 2 hồ sơ “Cấp bản sao trích lục hộ tịch”; 8 hồ sơ “Đổi giấy phép lái xe” và 4 hồ sơ “Cấp hộ chiếu phổ thông”. Ngoài những kết quả đạt được, bộ phận “một cửa” của thị trấn còn hỗ trợ trực tuyến (online) cho nhiều công dân sống ở các tỉnh, thành trên toàn quốc. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền đa phương tiện cũng đã giúp người dân các xã lân cận biết thông tin, tìm đến thị trấn để được hỗ trợ giải quyết. Bà Trần Thị Hằng, xã Tam Thanh (Vụ Bản) cần làm thủ tục “xác nhận tình trạng hôn nhân” cho con gái bà đang sinh sống trong miền Nam để hoàn tất hợp đồng mua bán nhà đất. Bà hồ hởi cho biết: “Được người dân trong xã nói về mô hình “Ngày thứ 6 tại chỗ” nên tôi tranh thủ mang giấy tờ sang thị trấn Gôi để được hướng dẫn giải quyết. Tôi rất mừng với cách làm này vì không còn phải mang hồ sơ ra tận Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh để làm. Tôi đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ Bộ phận một cửa thị trấn Gôi”.
Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, thị trấn Gôi đang xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, hướng tới xây dựng cơ quan Nhà nước “không giấy tờ”, “không địa giới hành chính”, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế phát triển, thu hút doanh nghiệp về đầu tư tại địa bàn. Hết năm 2024, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chiếm trên 90% cơ cấu kinh tế địa phương. Trong đó, Công ty TNHH Geulim giải quyết việc làm cho 1.500 lao động địa phương; 45 doanh nghiệp và hơn 700 cơ sở sản xuất kinh doanh.
Những thành công đã đạt được cho thấy mô hình “Ngày thứ 6 tại chỗ” ở thị trấn Gôi góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, lấy sự thuận tiện của người dân làm thước đo hiệu quả, cần được nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Nguồn Nam Định : https://baonamdinh.vn/tieu-diem/202504/hieu-qua-mo-hinh-cai-cachngay-thu-6-tai-cho-o-thi-tran-goi-00a170f/