Hội LHPN xã hiện có 1.274 hội viên sinh hoạt tại 9 chi hội (8 chi hội nông nghiệp và 1 chi hội nhà trường). Trên địa bàn xã, HVPN phát triển kinh tế gia đình chủ yếu qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, may mặc, thương mại dịch vụ; chất lượng cuộc sống của HVPN từng bước được cải thiện tích cực. Tuy nhiên, trên địa bàn xã vẫn còn một số HVPN có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa... Từ thực tế đó, năm 2018, Hội LHPN xã Thanh Thủy đã triển khai xây dựng mô hình “Nuôi lợn đất, hũ gạo tiết kiệm”, vận động cán bộ, hội viên tham gia và đã đem lại hiệu quả cao. Theo phương châm “Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp ít”, mỗi tháng, cán bộ, HVPN trong xã đóng góp gạo, tiền tùy theo khả năng của mình để duy trì mô hình.
Tại buổi sinh hoạt thường kỳ mới đây của Chi hội Phụ nữ thôn Trung Thành, cán bộ, HVPN trong chi hội đã cùng nhau tổng kết số gạo, tiền đã tiết kiệm được trong tháng qua việc thực hiện mô hình “Nuôi lợn đất, hũ gạo tiết kiệm”. Chị Trần Thị Lan, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Trung Thành cho biết: Khi Hội LHPN xã phát động xây dựng mô hình “Nuôi lợn đất, hũ gạo tiết kiệm”, tôi đã chủ động gom góp những đồng tiền lẻ có được để dành vào quỹ chung của chi hội. Cùng với đó, đều đặn hằng ngày, tôi thường cất một bát gạo nhỏ vào trong hũ riêng để dành tặng cho các HVPN khó khăn trong chi hội. Trung bình mỗi tháng tôi tiết tiệm được khoảng 100 - 150 nghìn đồng, cùng 3 - 4kg gạo để ủng hộ. Tôi luôn tự nhủ, mỗi bát gạo tiết kiệm được, tôi có thể giúp những gia đình không may mắn có thêm những bữa cơm đầy đủ hơn. Tôi hy vọng có thể góp một phần nhỏ bé giúp đỡ các HVPN có hoàn cảnh sống khó khăn.
Các hội viên của Chi hội Phụ nữ thôn Trung Thành (xã Thanh Thủy, Thanh Liêm) hăng hái tham gia mô hình.
Như đã thành thông lệ, vào ngày sinh hoạt chi hội hằng tháng, cán bộ, HVPN các chi hội phụ nữ trong xã lại mang những khoản tiền tiết kiệm cùng những phần gạo đến góp vào hũ tiết kiệm chung của mô hình “Nuôi lợn đất, hũ gạo tiết kiệm”. Qua đó, đã phát huy được tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” trong cán bộ, HVPN cùng chung tay hỗ trợ, giúp các hội viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống... Thực hiện việc hỗ trợ, các chi hội đã rà soát và lập danh sách những gia đình HVPN có hoàn cảnh khó khăn. Bình quân, mỗi hội viên sẽ được nhận khoảng 5kg gạo, trường hợp đặc biệt khó khăn được nhận từ 10 – 15 kg gạo. Nhân dịp ngày 8/3 hằng năm, Hội LHPN xã Thanh Thủy phối hợp cùng các chi hội tổ chức “mổ lợn” tiết kiệm, kiểm đếm công khai số tiền tiết kiệm được. Toàn bộ số tiền này sẽ dành vào việc thăm hỏi, động viên hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ hội viên vay vốn không lấy lãi nhằm phát triển kinh tế... Bà Phạm Thị Ngọc, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Trung Thành, tuổi cao sức yếu, có hoàn cảnh khó khăn đã được chi hội phụ nữ thôn đều đặn hỗ trợ 5 kg gạo/tháng. Bên cạnh đó, vào mỗi dịp lễ, Tết, gia đình bà đều được nhận những phần quà nhỏ từ Hội LHPN xã và chi hội thôn. Với bà Ngọc, những món quà và sự hỗ trợ của các cấp hội chính là nguồn động viên thiết thực, giúp bà vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.
Bà Bùi Thị Đức, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Thủy cho biết: Mô hình “Nuôi lợn đất, hũ gạo tiết kiệm” được Hội LHPN xã triển khai đã đạt được hiệu quả tích cực khi đã thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, HVPN trong việc đóng góp vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ yếu thế, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ mồ côi. Những năm qua, việc thực hiện mô hình đã trở thành việc làm thường xuyên ở tất cả các chi hội trong xã. Đến nay, đã có 8/9 chi hội xây dựng được quỹ từ mô hình “Nuôi lợn đất, hũ gạo tiết kiệm” và hoạt động hiệu quả, giúp được nhiều phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng năm 2024 vừa qua, thông qua mô hình đã tiết kiệm được 41 triệu đồng cùng 400kg gạo. Trong năm, các chi hội đã rà soát, hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi, trao quà, tặng gạo cho 15 lượt hội viên phụ nữ yếu thế, phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo và trẻ em mồ côi trong toàn xã. Các chi hội phụ nữ thôn Trung Thành, thôn Trung Thứ, thôn Đồng Ao, thôn Đình Hậu, thôn Ô Cách, thôn Lường Phượng... là những đơn vị đi đầu trong xây dựng và duy trì mô hình.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, thời gian qua, Hội LHPN xã Thanh Thủy đã khẳng định được vai trò, vị trí, góp phần không nhỏ vào việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Để mô hình thực sự được lan tỏa sâu rộng, trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chi hội tiếp tục duy trì mô hình một cách có hiệu quả để giúp được nhiều phụ nữ, trẻ em mồ côi ổn định cuộc sống.
Bùi Linh