Hiệu quả mô hình trồng ớt xanh liên kết theo chuỗi giá trị

Hiệu quả mô hình trồng ớt xanh liên kết theo chuỗi giá trị
7 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo xã Thanh Yên tham quan vườn trồng ớt J xanh.
Trồng quả cay mang về vị ngọt
Năm 2024, mô hình liên kết trồng cây ớt J xanh theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai tại các xã: Mường Nhé, Mường Ảng, Mường Luân và Thanh Yên với tổng diện tích 20ha. Tham gia mô hình liên kết, người dân được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng... Đặc biệt, người dân được cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo đơn giá thỏa thuận.
Là năm đầu trồng cây ớt J xanh thuộc dự án với diện tích gần 3ha, 9 hộ tham gia. Bà Trần Thị Lê, thôn A1, xã Thanh Yên chia sẻ: Trước đây gia đình chủ yếu trồng các loại rau bắp cải, đỗ và ngô. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, trồng rau màu vất vả, mất rất nhiều thời gian chăm bón, thu hái. Năm 2024, được sự vận động, tuyên truyền của HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống và Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC, gia đình tôi trồng thử nghiệm 800m² cây ớt J xanh. Nhờ được hỗ trợ cây giống, vật tư và tập huấn kỹ thuật nên quá trình trồng khá thuận lợi, quả ớt to. Sau hai tháng trồng và chăm sóc, gia đình tôi đã được hái lứa quả đầu tiên, với mức giá 5.800 đồng/kg theo thỏa thuận, tôi thu về hơn 29 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Xuân Huy, Chủ tịch HTX Nông nghiệp tổng hợp Noong Luống, là năm đầu xã Thanh Yên triển khai trồng thử nghiệm gần 3ha cây ớt J xanh. Qua quá trình theo dõi và đánh giá, anh nhận thấy cây ớt J xanh thích hợp nhất với đất ruộng và đất vườn. Quy trình trồng và chăm sóc cây ớt tương đối đơn giản, sau hơn 1 tháng trồng, cây thường gặp một số bệnh như tuyến trùng hoặc héo xanh. Với sự hướng dẫn tận tình, chi tiết về phòng bệnh từ các kỹ sư của Công ty - đơn vị cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm, vườn ớt của các hộ dân đều sinh trưởng, phát triển tốt. Theo anh Huy, nếu được chăm sóc tốt, cây ớt J xanh sẽ cho thu hoạch sau 55 - 60 ngày và thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ 4 đến 6 tháng tùy thuộc kỹ thuật chăm bón. Cụ thể, với diện tích 3ha cây ớt J xanh của thôn A1, xã Thanh Yên thu được trên 154 tấn quả. Theo mức giá, đối với loại 1 ớt xanh là 5.800 đồng/kg; loại 2 ớt xanh 2.900 đồng/kg, ớt chín đỏ 6.600 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi 1.000m² trồng ớt J xanh đem lại lợi nhuận từ 20 - 23 triệu đồng.
Người dân xã Mường Luân thu hoạch và đóng bao ớt J xanh.
Bước đầu triển khai đã có kết quả nhất định, theo ông Nguyễn Gia Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Yên: Để mô hình trồng ớt J xanh phát triển bền vững và mở rộng diện tích, thời gian tới, từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền xã tiếp tục có chính sách hỗ trợ, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển mô hình.
"Muốn nhân rộng cần có vốn, kỹ thuật và đầu tư ổn định. Hiện nay, nhiều người dân muốn làm theo nhưng còn e ngại vì chưa có kinh nghiệm và thiếu nguồn lực. Nếu được hỗ trợ, chắc chắn mô hình này sẽ giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương", ông Tuấn chia sẻ thêm.
Cán bộ xã và người dân xã Mường Luân thăm nhà máy chế biến ớt J xanh tại Phú Thọ.
Kế hoạch phát triển vùng trồng
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Phát triển vùng - Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu GOC cho biết: Ớt J xanh là giống ớt lai cao sản, giống cây khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Điện Biên. Trong chiến lược phát triển bền vững của công ty, việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao đóng vai trò then chốt. Trong kế hoạch 2024 - 2029, công ty dự kiến mở rộng vùng trồng tại Điện Biên từ 20ha lên 200ha trong năm 2025 và phấn đấu đạt quy mô 2.000ha trong 5 năm tới, tạo ra chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Quản lý bền vững, trồng theo tiêu chuẩn GAP, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị nông sản.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Phát triển vùng đối thoại với người dân xã Thanh Yên.
Chiến lược mở rộng vùng trồng tại Điện Biên cho thấy rõ tiềm năng lớn của cây ớt J xanh trong việc nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Việc phát triển vùng nguyên liệu tại Điện Biên không chỉ giúp giảm rủi ro về thị trường, còn góp phần tạo ra một mô hình nông nghiệp phát triển bền vững.
Việc trồng ớt theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, từ đó nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Quang Hùng
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/kinh-te/hieu-qua-mo-hinh-trong-ot-xanh-lien-ket-theo-chuoi-gia-tri