Tại xã Đăk Krong, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, không khí mùa thu hoạch cà phê đang rộn ràng khắp cả vùng. Những vườn cà phê xanh mướt, được trồng theo mô hình cảnh quan bền vững nặng trĩu quả chín đỏ, báo hiệu một năm bội thu.
Mô hình cà phê cảnh quan tại Đăk Krong được triển khai thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong, đã tạo dấu ấn rõ nét trong phát triển nông nghiệp bền vững. Với sự đồng hành tham gia của 121 hộ người Kinh và 64 hộ người Bahnar trên diện tích 320 ha, mô hình này tập trung canh tác theo hướng hữu cơ, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí về môi trường và đảm bảo tỷ lệ quả chín thu hoạch đạt 90 - 95%.
Nhờ áp dụng phương pháp canh tác tiên bộ, năng suất các vườn cà phê tại xã Đăk Krong đã vượt xa mức trung bình. Anh Thuần, một nông dân người dân tộc thiểu số Bahnar chia sẻ, đất đai ở đây tốt, nước đầy đủ nên cây trồng phát triển rất thuận lợi. Vườn cà phê 7 ha của gia đình năm nay dự kiến cho thu hoạch khoảng 4 tấn nhân/ha. Năng suất vượt trội cùng với giá cà phê đang tăng nên ai cũng phấn khởi.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mô hình cà phê cảnh quan còn là một phần trong sáng kiến của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN
Ông Trịnh Khắc Dương - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Đăk Krong cho biết, các hộ dân tham gia mô hình cà phê cảnh quan có năng suất vượt trội hơn so với các khu vực khác. Sự kết hợp giữa điều kiện tự nhiên thuận lợi và kỹ thuật canh tác tiên tiến đã giúp năng suất tăng hơn 20% so với năm ngoái. Đây là thành quả của việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mô hình cà phê cảnh quan còn là một phần trong sáng kiến của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống người dân. Thành công của mô hình này không thể thiếu sự hỗ trợ tích cực từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cấp chính quyền địa phương.
Ông Hà Văn Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Krong chia sẻ, ngoài hỗ trợ kinh phí 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 5 km đường giao thông, dự án còn hỗ trợ cho các hộ dân tham gia mô hình, bao gồm cả tập huấn kỹ thuật. Điều này tạo động lực rất lớn cho người dân địa phương, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự tin tham gia. Qua khảo sát các vườn cà phê trên địa bàn cho thấy, sản lượng cà phê năm nay sẽ tăng đáng kể.
Mùa thu hoạch cà phê năm nay trên địa bàn xã Đăk Krong không chỉ là thời điểm gặt hái thành quả lao động mà còn là minh chứng hiệu quả của mô hình phát triển nông nghiệp bền vững của ngành cà phê Gia Lai. Sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm truyền thống và đổi mới kỹ thuật đã giúp những vườn cà phê cảnh quan tại xã Đăk Krong nâng cao cả về năng suất lẫn chất lượng sản phẩm. Hiệu quả của mô hình này này đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân địa phương, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững – hiện đại – thân thiện với thiên nhiên và con người.
Hoài Nam – Xuân Huy/TTXVN