Bà Trịnh Thị Tú, Phó Giám đốc Quỹ WDF tỉnh cho biết: Dự án CSSP tỉnh triển khai các hoạt động liên kết tương trợ lẫn nhau; xây dựng năng lực cho Quỹ WDF; thành lập mới các nhóm tiết kiệm và tín dụng phụ nữ (SCG); chuyển đổi mạng lưới SCG thành tổ chức vi mô (MFI) hoạt động bền vững tại thời điểm kết thúc dự án theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Quỹ WDF được thành lập vì sự phát triển cộng đồng, giúp các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn tại địa phương, trong đó, chủ yếu là phụ nữ được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập được triển khai tại địa bàn 7 huyện, Thành phố gồm các huyện: Thạch An, Nguyên Bình, Hà Quảng.
Đến nay, Quỹ WDF quản lý 541 nhóm SCG, trong đó có 359 nhóm SCG vay vốn với hơn 2.000 khách hàng vay tổng dư nợ 39,6 tỷ đồng, thời hạn vay tối đa 24, 30, 60 tháng, lãi suất trung bình 0,62%. Tỷ lệ thu gốc, lãi đạt 100%, không có nợ quá hạn. Để triển khai hiệu quả nguồn Quỹ WDF, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức 25 lớp tập huấn về tài chính vi mô, thành lập và vận hành nhóm SCG, quản lý điều hành nhóm, quản lý vận hành cho ban lãnh đạo nhóm với 802 học viên tại 3 huyện tham gia. Hỗ trợ in ấn 2.000 quyển tài liệu giới thiệu về Quỹ WDF; thiết kế phần mềm quản lý tín dụng.
Thông qua nguồn quỹ, hỗ trợ phụ nữ thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng, thành lập 311 nhóm SCG với 3.770 thành viên. Hiện, giải ngân trên 29,8 tỷ đồng hỗ trợ cho 51% hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình, với mức vay trung bình 16,4 triệu đồng/thành viên. Nguồn quỹ phát huy hiệu quả vai trò đồng hành, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao vị thế của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới…
Từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, chị em phụ nữ xã Thành Công (Nguyên Bình) tập trung sản xuất miến dong.
Với hình thức cho vay theo món nhỏ (tối đa không vượt quá 30 triệu đồng/hộ), thu dần gốc và lãi hằng tháng, rất phù hợp với mức đầu tư của các hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc trả gốc, lãi; các thành viên vay vốn không phải chịu áp lực trả gốc vào cuối kỳ. Nguồn vốn vay được hỗ trợ kịp thời đáp ứng nhu cầu của hộ gia đình đang thiếu vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là giảm thiểu được nạn tín dụng đen. Việc thành lập các tổ tiết kiệm vay vốn giúp thành viên có trách nhiệm chia sẻ, giúp đỡ, kiểm tra, đôn đốc lẫn nhau, tạo sự đoàn kết gắn bó và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Tại Hội Phụ nữ xã Đức Long (Thạch An), từ khi thành lập nhóm được Hội Phun nữ xã và Quỹ WDF tập huấn hướng dẫn ghi chép sổ sách, hỗ trợ các thành viên xây dựng quy chế hoạt động, tư vấn hỗ trợ lập kế hoạch kinh doanh, lựa chọn hình thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Từ cách làm này, hầu hết các nhóm đã thu hút thêm nhiều người dân trong thôn, xóm (chưa vay vốn) cùng tham gia sinh hoạt, tăng thêm sự gắn kết của các thành viên, chất lượng công tác tuyên truyền cũng được nâng lên rõ rệt. Người dân được tiếp thu kịp thời, đầy đủ các quy định của Quỹ WDF, đối tượng vay vốn, quy định về mức vay, lãi suất cho vay, thời hạn được vay, quy định trả nợ, trả lãi... Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đang quản lý 10 nhóm SCG với 110 thành viên, dư nợ 1,2 tỷ đồng, số dư tiết kiệm là 12 triệu đồng. Hằng tháng các chị em đều có ý thức nộp gốc, lãi đầy đủ và thực hiện gửi tiết kiệm theo quy đinh của nhóm; đặc biệt các thành viên hiểu, nhận thức rất rõ về lợi ích của việc tham gia gửi tiền tiết kiệm là một hoạt động rất thiết thực tạo thói quen cho chị em biết tiết kiệm hằng ngày, hằng tuần để giải quyết công việc những lúc khó khăn. Các thành viên nhóm SCG đang vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả
Để thực hiện hiệu quả Quỹ phụ nữ phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thành lập các nhóm SCG, duy trì và hỗ trợ các nhóm đã thành lập ở các huyện dự án để chuẩn bị tiếp cận các dự án mới; tăng cường kiểm tra, giám sát giảm thiểu rủi ro về vốn; sử dụng hiệu quả nguồn vốn tiết kiệm tín dụng phụ nữ…
Tiến Mạnh