Theo Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, các cơ sở y tế ghi nhận số ca cấp cứu, tử vong do TNGT giảm đáng kể so với năm trước. Cụ thể, từ ngày 25-1 đến 2-2, tổng số ca khám và cấp cứu do TNGT là 24.122 trường hợp, trong đó 160 ca tử vong. So với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, số ca cấp cứu do TNGT giảm 11%, số ca tử vong giảm 28,9%. Theo ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện 198 (Bộ Công an), từ ngày 29-1 đến 1-2, chỉ có 7 người nhập viện vì TNGT. Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Liên, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 198 cho biết: “So với dịp Tết những năm trước, số lượng bệnh nhân vào viện do TNGT giảm nhiều. Tôi làm ở Khoa Cấp cứu nên thấy rõ nhất nỗi đau do TNGT để lại đối với mỗi gia đình nạn nhân, nhất là vào dịp Tết đến, xuân về. Số vụ TNGT giảm mạnh khiến niềm vui đón Tết trong từng nếp nhà đã trọn vẹn hơn”.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Lạng Giang (Bắc Giang) kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Bên cạnh việc TNGT đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) thì tình hình trật tự, an toàn giao thông cũng được cải thiện. Đáng chú ý, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn và vi phạm tốc độ giảm mạnh so với năm trước. Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước đã xử lý 17.149 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (cùng kỳ năm trước là hơn 37.000 trường hợp). Tương tự, vi phạm tốc độ cũng giảm mạnh khi xảy ra hơn 13.000 trường hợp, so với hơn 24.000 trường hợp trong dịp Tết năm 2024.
Kết quả tích cực này là do nhiều yếu tố, nhiều giải pháp, từ sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng đến các chiến dịch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông... Trong đó, việc thực thi nghiêm túc Nghị định số 168/2024/NĐ-CP góp phần quan trọng vào kết quả trên. Thực tế cho thấy, không chỉ trong dịp Tết mà ngay từ những ngày đầu nghị định có hiệu lực, ý thức tham gia giao thông của nhiều người dân, từ nông thôn đến thành thị đã có những chuyển biến tích cực. Các hành vi vi phạm phổ biến, gây bức xúc trong dư luận như vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, lấn làn, đi ngược chiều... đã giảm đáng kể. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết: “Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vẫn còn nhiều thách thức. Thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây TNGT”.
Năm An toàn giao thông 2025 đặt ra 3 mục tiêu lớn đó là: Kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí; tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; khắc phục tình trạng ùn tắc, ô nhiễm từ các hoạt động giao thông, không để xảy ra ùn tắc kéo dài tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị lớn trên cả nước, trục giao thông chính và đầu mối giao thông trọng điểm. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, để đạt được những mục tiêu trên cần tiếp tục duy trì, thực hiện nghiêm Nghị định số 168/2024/NĐ-CP. Không chỉ tập trung vào các dịp cao điểm như lễ, Tết mà nội dung này phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm không chỉ nhằm răn đe mà quan trọng hơn, đó là giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và bảo đảm trật tự xã hội.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG