Hiệu quả trồng mướp đắng theo hướng canh tác tự nhiên ở xã Hải Dương

Hiệu quả trồng mướp đắng theo hướng canh tác tự nhiên ở xã Hải Dương
7 giờ trướcBài gốc
Kiểm tra các mô hình dự án trồng mướp đắng theo hướng canh tác tự nhiên tại xã Hải Dương -Ảnh: M.T
Hiện nay, thực phẩm sạch được người dân quan tâm, nhất là đối với sản phẩm rau sạch. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật đã ảnh hưởng lâu dài tới môi trường, nguồn nước ngầm và đất đai. Nền nông nghiệp đang đứng trước những thách thức không nhỏ đó là: vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, bùng phát sâu bệnh do sự phá hủy hệ sinh thái xuất phát từ việc lạm dụng hóa chất trong sản xuất ... Bên cạnh đó, việc không có hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm nên thị trường sản phẩm nông nghiệp sạch bấp bênh. Do đó, sản xuất nông nghiệp chưa bền vững.
Nhằm giúp nhóm cộng đồng cải thiện một phần sinh kế khi tham gia quản lý và bảo vệ rừng của địa phương, Dự án FMCR đã hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng gói sinh kế cho người dân, qua đó để nâng cao thu nhập và khai thác lợi thế vùng cát. Nhận thấy cây mướp rất phù hợp với đất đai và khí hậu ở vùng cát, năm 2023, nhóm cộng đồng gồm 70 thành viên sống trên địa bàn xã Hải Dương đã đăng ký thực hiện 10 ha trồng mướp đắng bằng hình thức canh tác tự nhiên tại thôn Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng.
Nguyên tắc của phương pháp canh tác tự nhiên là sản xuất dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội. Cốt lõi của phương pháp canh tác tự nhiên là tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ đất đai, nguồn nước, làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm làm ra cũng đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Được dự án FMCR đầu tư thực hiện mô hình, nhóm trồng mướp đắng canh tác tự nhiên được trang bị về kiến thức khoa học kỹthuật trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, được hỗ trợ tìm kiếm thịtrường vàxây dựng chuỗi liên kết tiêu thụnông sản.
Điểm đổi mới của mô hình trồng mướp theo canh tác tự nhiên so với các mô hình sản xuất thông thường là sử dụng phân bón compost và sử dụng chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc lên men để cung cấp trong suốt quá trình sinh trưởng của cây mướp. Nếu như việc sử dụng phân vô cơ nhiều năm sẽ đem lại tác hại như: làm gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh, diệt các tập đoàn vi sinh vật có lợi, làm cho nhiều diện tích đất trồng trọt bị suy giảm độ phì nhiêu, mất cân đối dinh dưỡng trong đất, đất chai cứng, năng suất cây trồng giảm và tăng các chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người... thì việc áp dụng quy trình trồng canh tác tự nhiên sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, có tác dụng cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất bị suy thoái. Về lâu dài sẽ giúp khả năng chống chịu sâu bệnh của mướp tốt hơn, giúp cho trái chắc, thịt dày.
Khi trồng mướp theo canh tác tự nhiên không còn tình trạng vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật hóa học vứt bỏ tràn lan trên đồng ruộng mà thay vào đó là ý thức chấp hành quy trình trồng mướp bằng phân compost, phun chế phẩm dinh dưỡng, chế phẩm thảo mộc vi sinh giúp cây mướp sinh trưởng phát triển tốt, cải tạo đất và bảo vệ sức khỏe người nông dân.
Theo một số người dân cho biết, so với các vụ trước giai đoạn từ khi cây con đến thu hoạch bà con thường sử dụng các loại thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh hại, làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và môi trường. Mùa vụ năm nay khi sử dụng các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc người dân an tâm hơn trong suốt quá trình chăm sóc, thu hoạch mướp, không còn cảm thấy lo sợ ảnh hưởng của thuốc hóa học. Đồng thời, cây mướp sinh trưởng, phát triển đồng đều, ít sâu bệnh hơn, không còn hiện tượng rụi lá ở phần gốc. Định hướng các vụ sau bà con vẫn tiếp tục triển khai, mở rộng mô hình canh tác tự nhiên.
Ngoài ra, sản phẩm mướp đắng hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, an toàn hơn cho người tiêu dùng. Điều này góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của nông sản địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương Võ Trung Hiếu cho biết: “Năm 2023, vụ đầu tiên trồng mướp đắng theo hướng canh tác tự nhiên năng suất thấp hơn so với canh tác thông thường tại địa phương, nhưng thu nhập cao hơn từ 20-21 triệu đồng/ha và giảm chi phí đầu tư hơn so với canh tác thông thường.
Ngoài ra, sản xuất canh tác tự nhiên đã cải tạo môi trường tốt về đất đai, chống được sa mạc hóa vùng cát, đất trống do không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ. Bảo vệ môi trường sống cho sinh vật biển ven bờ. Duy trì tính đa dạng sinh học vùng ven biển, góp phần điều hòa khí hậu, làm sạch môi trường. Đồng thời, trồng mướp canh tác tự nhiên góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thông qua việc thuê khoán lao động trồng, chăm sóc, thu hoạch”.
Minh Trí
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/hieu-qua-trong-muop-dang-theo-huong-canh-tac-tu-nhien-o-xa-hai-duong-192779.htm