Hiệu quả từ các cầu vượt bộ hành

Hiệu quả từ các cầu vượt bộ hành
4 giờ trướcBài gốc
Theo nhiều chuyên gia giao thông, vấn đề chính hiện nay của giao thông Hà Nội là sự gia tăng phương tiện cá nhân và tăng dân số cơ học, trong khi hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế. Điều này dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn và tai nạn giao thông nhiều hơn. Để giải quyết vấn đề này cần hướng tới thiết kế những tuyến đường đa phương thức, đáp ứng nhu cầu của nhiều người, trong đó, cần đặc biệt ưu tiên cho người đi bộ.
Bởi thực tế cho thấy, đi bộ là một trong những nhu cầu cơ bản của người dân. Đi bộ cũng là yếu tố cấu thành của vận tải công cộng, nếu không gian đi bộ không liên tục, thuận tiện, an toàn thì vận tải hành khách công cộng sẽ rất khó phát triển. Vì vậy, việc quy hoạch phát triển không gian đi bộ cho các đô thị ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội cần được ưu tiên.
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 70 cầu vượt bộ hành ở các nút, các tuyến giao thông có mật độ lưu thông lớn và tại các khu vực gần bệnh viện, trường học.
Số liệu thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 70 cầu vượt bộ hành ở các nút, các tuyến giao thông có mật độ lưu thông lớn và tại các khu vực gần bệnh viện, trường học. Cầu vượt bộ hành, hầm đi bộ được xây dựng nhằm giúp cải thiện tình hình giao thông, giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là người đi bộ khi qua đường.
Qua thực tiễn quản lý, khai thác cũng như đánh giá của người dân, các cầu vượt bộ hành đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thực hiện mục tiêu từng bước kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là các cầu trên phố Chùa Bộc tại cổng Học viện Ngân hàng; cầu tại cổng Trường Tiểu học Tân Mai; cầu trước cổng Bệnh viện Bạch Mai; cầu trên phố Tây Sơn trước cổng Trường Đại học Thủy lợi; cầu trên đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân...
Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, anh Trần Văn Nam (sống tại khu vực đường Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa) chia sẻ: “Trước đây khi chưa có cầu vượt bộ hành trên phố Tây Sơn, sinh viên, người dân qua đường rất khó khăn, vất vả, thỉnh thoảng đã xảy ra va chạm giữa người đi bộ sang đường với các phương tiện giao thông. Từ ngày cầu vượt bộ hành được xây dựng, tình trạng lộn xộn, mất an toàn đã cơ bản chấm dứt. Có cầu vượt, chúng tôi yên tâm hơn mỗi khi qua đường. Đặc biệt, cầu vượt bộ hành nằm cạnh điểm xe buýt nên rất thuận tiện”.
Được biết, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố đầu tư thêm 29 cầu vượt cho người đi bộ tại những vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong đó, có một số vị trí như: Cầu vượt trên phố Hoàng Đạo Thúy (quận Cầu Giấy); các đường/phố Lê Quang Đạo, Châu Văn Liêm, Trịnh Văn Bô (quận Nam Từ Liêm); đường Hoàng Minh Thảo đoạn trước cổng phụ Công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm); đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ); 2 vị trí trên đường Minh Khai (đoạn khu vực ngõ Hòa Bình 7 và lối sang Khu đô thị Times City quận Hai Bà Trưng)…
Danh mục cầu vượt cho người đi bộ được đề xuất đầu tư xây dựng bảo đảm nguyên tắc: Cầu vượt đã có văn bản chỉ đạo nghiên cứu, lập dự án của Ủy ban nhân dân Thành phố; việc xây dựng cầu vượt sẽ giải quyết được nguy cơ mất an toàn giao thông; cầu vượt được xây dựng theo kiến nghị của cử tri và kiến nghị của các quận, huyện, thị xã...
Vị trí xây dựng cầu vượt phải phục vụ phần lớn nhu cầu đi bộ qua đường của người dân, không trái với các quy hoạch được duyệt; phải đủ điều kiện về mặt bằng để bố trí trụ cầu, lề đường cho người đi bộ; đồng thời, không trùng với danh mục đầu tư các cầu vượt đang triển khai trên địa bàn thành phố...
Điều này cho thấy, Thành phố đã và đang quan tâm nhiều hơn đến việc kiến tạo không gian đi bộ, qua đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, an toàn, kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông.
Theo các chuyên gia giao thông, cầu vượt đường bộ là công trình hiệu quả đối với giao thông đô thị. Để cầu vượt đi bộ phát huy hiệu quả đầu tư, bên cạnh việc các đơn vị chức năng cần nghiên cứu thật kỹ nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân để có phương án vị trí xây dựng cầu phù hợp, thì cũng cần tính toán đến việc xử lý nghiêm những điểm đã có cầu vượt nhưng nhiều người không sử dụng, vẫn băng qua đường. Từ đó, lập lại trật tự giao thông với người đi bộ, tạo thói quen sử dụng cầu vượt đi bộ để sang đường, giúp giải quyết phần nào vấn đề về ách tắc, xung đột giao thông.
Mạnh Quân
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/hieu-qua-tu-cac-cau-vuot-bo-hanh-181881.html