Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bạch Thông

Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bạch Thông
13 giờ trướcBài gốc
Gia đình ông Triệu Văn Vương, thôn Nà Cà, xã Nguyên Phúc được hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản.
Năm 2024, gia đình ông Triệu Văn Vương, thôn Nà Cà, xã Nguyên Phúc được hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhờ đó, ông có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ và có thêm nguồn thu nhập ổn định.
Ông Triệu Văn Vương chia sẻ: “Trước đây kinh tế gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, không có việc làm ổn định. Từ khi được hỗ trợ nuôi dê sinh sản, tôi có điều kiện để phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Đàn dê hiện phát triển tốt, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống”.
Được biết, năm 2024, xã Nguyên Phúc đã triển khai hỗ trợ 12 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện mô hình chăn nuôi dê sinh sản từ nguồn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí 400 triệu đồng, trong đó người dân đối ứng hơn 13 triệu đồng. Từ 120 con giống được cấp ban đầu, đến nay đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt. Qua mô hình giúp các hộ dân chủ động hơn trong sản xuất và dần thay đổi tư duy làm kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, các chính sách an sinh xã hội cũng được huyện Bạch Thông triển khai đồng bộ, đặc biệt là chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Gia đình anh Hoàng Minh Thông, thôn Bản Đán, xã Đôn Phong được hỗ trợ xây dựng nhà mới.
Được hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình anh Hoàng Minh Thông, thôn Bản Đán, xã Đôn Phong đã xây dựng được căn nhà mới kiên cố, thay thế cho ngôi nhà cũ xuống cấp, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Anh Thông chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi sống trong căn nhà dột nát, mỗi khi trời mưa to là lo lắng cả đêm. Nay có nhà mới vững chãi, tôi rất yên tâm để lao động, phát triển kinh tế, chăm lo cho các con học hành”.
Những năm qua, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án huyện Bạch Thông tập trung triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương như chăn nuôi trâu, dê sinh sản, nuôi gà, trồng chè, khoai tây thương phẩm, trồng nấm, hỗ trợ giao khoán, bảo vệ, phát triển rừng... Các mô hình sản xuất từng bước được tổ chức theo hướng liên kết chuỗi giá trị, giúp thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, có định hướng và hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, huyện còn huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đến cuối tháng 3/2025 toàn huyện thực hiện hỗ trợ xây mới 60 nhà ở cho hộ nghèo, người có công, trong đó có 49 hộ làm mới và 11 hộ sửa chữa. Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025 huyện đã đào tạo nghề cho 2.230 lao động, giải quyết việc làm mới cho 2.941 lao động nông thôn…
Những kết quả đạt được cho thấy việc đầu tư đúng hướng, sát nhu cầu thực tiễn không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, mà còn tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng khởi sắc./.
Hà Thanh
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/hieu-qua-tu-chinh-sach-ho-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-bach-thong-post70325.html