Ngày 1/1/2020, theo Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh) chính thức ra đời và đi vào hoạt động. Lâm Hợp được hình thành từ việc sáp nhập 2 xã cũ (Kỳ Hợp và Kỳ Lâm) và cũng là đơn vị duy nhất của huyện Kỳ Anh thực hiện việc sáp nhập xã theo chủ trương của Trung ương, của tỉnh. Sau khi sáp nhập, xã có diện tích tự nhiên 61,65 km2; dân số có 7.394 khẩu, với 12 thôn.
Với sự đồng thuận, nỗ lực của người dân, bộ mặt thôn Bắc Hà ngày càng khởi sắc.
Nhìn lại chặng đường đã qua, đội ngũ cán bộ, công chức, người dân xã Lâm Hợp không khỏi ngỡ ngàng khi bộ mặt của xã và từng thôn ngày càng khởi sắc.
“Sau khi sáp nhập, bản thân tôi thấy rõ nhất là phong trào chung từ phát triển kinh tế đến văn hóa, thể thao… ngày càng phát triển, tính thi đua giữa các thôn ngày càng lớn hơn vì số lượng thôn trong xã đã tăng hơn khi chưa sáp nhập. Thời điểm tuyên truyền để sáp nhập xã, một số người dân thôn Nam Hà (thuộc xã Kỳ Lâm cũ) có băn khoăn về việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến giải quyết thủ tục giấy tờ, công tác quản lý nhà nước của xã, hiệu quả phát động phong trào chung… Tuy nhiên, đến nay, người dân đã thấy rõ hiệu quả của công tác sáp nhập” - bà Trần Thị Tuyết, Trưởng thôn Nam Hà cho hay.
Tại thôn Bắc Hà, theo Trưởng thôn Đặng Thị Hà, hiệu quả rõ nhất của công tác sáp nhập xã là hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư và đời sống người dân khởi sắc hơn. Hiện nay, bộ mặt của thôn chúng tôi đã từng bước khang trang, người dân rất phấn khởi. Cùng với đời sống kinh tế, phong trào chung của thôn cũng ngày càng phát triển để thi đua với 11 thôn khác trong xã.
Cán bộ xã Lâm Hợp và thôn Nam Hà trao đổi với phóng viên Báo Hà Tĩnh.
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện sáp nhập, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trương Quốc Việt chưa thể quên những “cơn đau đầu” về công tác tuyên truyền, vận động. Ông Việt chia sẻ: “Bước đầu triển khai đề án sáp nhập, xã gặp không ít khó khăn, trong đó, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân không đồng thuận vì nhiều lý do. Chính nhiều cán bộ vẫn băn khoăn sau khi sáp nhập địa bàn rộng, dân cư thưa, nhiều thôn xa trung tâm, đi lại, làm việc, chế độ chính sách đối với việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và cán bộ dôi dư sau sáp nhập...
Tuy nhiên, với phương châm sáp nhập là để phát triển nên cấp ủy, chính quyền 2 xã cũ đã thống nhất và cùng với Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các phòng, ban, ngành cấp huyện tổ chức nhiều hội nghị, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân, vì vậy, việc tổ chức thực hiện đề án sáp nhập xã triển khai thực hiện thành công. Sau đó, xã đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020-2025. Các đồng chí trong ban chấp hành, ban thường vụ đảng ủy đều bảo đảm số lượng, đúng định hướng, thành phần cơ cấu, trúng cử với tỷ lệ phiếu bầu cao”.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Trương Quốc Việt phấn khởi khi đội ngũ cán bộ, công chức luôn đoàn kết, tạo động lực để xây dựng xã ngày càng phát triển.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hợp Nguyễn Anh Ngọc: Mọi việc đều cốt ở cán bộ, vì vậy, giải quyết các vấn đề phải từ chính cán bộ. Nắm vững quan điểm đó, xã Lâm Hợp đã tập trung sắp xếp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, các tổ chức trong hệ thống chính trị đảm bảo ổn định hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; cùng đó, tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng, khó khăn sau khi sáp nhập.
Sau sáp nhập, xã giảm 33 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; giảm 4 tổ chức hội. Tại thời điểm sáp nhập có 10 cán bộ, công chức thuộc diện dôi dư. Thời điểm đó, nhiều đồng chí chủ chốt, trong đó có bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND… đã tự nguyện xin nghỉ. Khi sáp nhập, xã có 4 đồng chí là trưởng các ban, ngành, đoàn thể phải xuống làm cấp phó. Từ đó đến nay, với chính sách phù hợp, công tác sắp xếp cán bộ đã thực hiện đảm bảo. Từ năm 2020 đến nay, qua nhiều bước về nhân sự, xã đã giải quyết, bố trí 4 đồng chí nói trên giữ các chức vụ: chủ tịch UBMTTQ, phó chủ tịch HĐND, chỉ huy trưởng quân sự xã, bí thư đoàn.
“Đến thời điểm này, công tác tổ chức cán bộ của xã Lâm Hợp đã ổn định; đội ngũ cán bộ, công chức luôn đoàn kết, từng bước được chuẩn hóa, trong đó bố trí đào tạo, bồi dưỡng cho hàng chục lượt cán bộ; hoạt động của cấp ủy, chính quyền, ngày càng hiệu quả và hàng năm được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Sau gần 5 năm sáp nhập, xã Lâm Hợp đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Chính trị ổn định, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững; đội ngũ cán bộ, công chức từ xã đến thôn được phát huy, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền sau khi sáp nhập. Năm 2024, xã đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu đề ra. Hiện nay, xã đang phấn đấu xây dựng đạt nông thôn mới nâng cao” - Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Anh Ngọc cho hay.
Trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Lâm Hợp.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã, việc sáp nhập xã không chỉ đem lại hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy mà còn tiết kiệm rất lớn về ngân sách. Theo tính toán, sau sáp nhập, mỗi tháng, tiết kiệm gần 450 triệu đồng cho ngân sách nhà nước; từ đó, giúp điều tiết để phục vụ cho đầu tư phát triển.
Đánh giá về công tác sáp nhập và vận hành bộ máy xã Lâm Hợp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Anh Trần Thành Nam cho hay: “Việc sáp nhập xã và vận hành bộ máy ở xã Lâm Hợp là minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương đã được Trung ương, tỉnh bàn bạc kỹ lưỡng, phù hợp với xu thế phát triển. Hiệu quả của việc vận hành bộ máy ở Lâm Hợp cho thấy những bài học quan trọng trong quá trình thực hiện chủ trương của cấp trên.
Trước hết, phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhuần nhuyễn về công tác chính trị tư tưởng, tạo đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tập trung xây dựng tập thể cán bộ, công chức phải thật sự đoàn kết, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; quan tâm và có lộ trình đối với công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thường xuyên quan tâm công tác dân vận, phát huy hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Hiệu quả, bước chuyển biến quan trọng của công tác sáp nhập đơn vị hành chính và vận hành bộ máy mới ở xã Lâm Hợp là bài học quan trọng cho việc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy được Trung ương chỉ đạo và sẽ thực hiện rộng rãi tại nhiều địa phương trong thời gian tới.
Mạnh Hà - Vũ Viễn