Hiệu quả tuyên truyền từ những phiên tòa giả định 'Trốn tránh nghĩa vụ quân sự'

Hiệu quả tuyên truyền từ những phiên tòa giả định 'Trốn tránh nghĩa vụ quân sự'
8 giờ trướcBài gốc
Những năm gần đây, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời tạo nguồn lực lượng dự bị động viên hùng hậu. Việc tuyển quân hằng năm luôn bảo đảm chỉ tiêu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu tổ chức biên chế của các đơn vị và quân số thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, bên cạnh việc hầu hết thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ hăng hái đăng ký, khám tuyển NVQS và sẵn sàng lên đường nhập ngũ, vẫn còn một bộ phận nhỏ thanh niên nhận thức chưa đầy đủ về NVQS, dùng mọi cách trốn tránh.
Để giúp thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm công dân trong thực hiện NVQS, các đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về tội “Trốn tránh NVQS”. Nội dung phiên tòa được xây dựng dựa trên vụ án hình sự có thật liên quan đến những thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ, có đủ điều kiện sức khỏe nhưng không chấp hành lệnh gọi trong kỳ tuyển quân.
Phiên tòa giả định tại điểm cầu trung tâm UBND huyện Lý Nhân.
Ngày 14/1/2025, UBND thành phố Phủ Lý phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thành phố tổ chức phiên tòa giả định, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Trốn tránh NVQS” theo hình thức sân khấu hóa. Phiên tòa được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu UBND thành phố đến 41 điểm cầu thuộc UBND xã, phường, trường THPT và được truyền thanh trực tiếp đến các xã, phường. Theo cáo trạng giả định: Nguyễn Văn Long (sinh năm 2005, trú tại tổ 1, phường Châu Cầu, thành phố Phủ Lý) là thanh niên trong độ tuổi đăng ký NVQS nhưng chưa đăng ký NVQS lần đầu. Khi Ban Chỉ huy Quân sự giao lệnh gọi đăng ký, Long bỏ đến nhà người quen ở Thái Bình chơi nhằm mục đích trốn tránh NVQS. Đến năm 2024, sau khi trúng tuyển NVQS, theo Lệnh gọi công dân nhập ngũ, khi chuẩn bị lên xe ô tô về đơn vị, Long giả vờ xin đi vệ sinh và bỏ trốn khỏi địa phương không thực hiện Lệnh gọi nhập ngũ. Sau một thời gian bỏ trốn khỏi địa phương, đến ngày 11/11/2024, Long bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Phủ Lý bắt theo lệnh truy nã. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Long khai nhận: do sợ đi bộ đội sẽ bị khổ nên cố tình trốn tránh, không chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và bỏ trốn khỏi địa phương.
Quá trình diễn ra phiên tòa giả định, các tình tiết trong vụ án đều mang ý nghĩa thiết thực tuyên truyền pháp luật cho thanh, thiếu niên và người dân. Các vai diễn, nhất là vai “bị cáo” được lựa chọn bảo đảm phù hợp với tâm lý, trình độ hiểu biết pháp luật của một thanh niên. Bên cạnh đó, nội dung phát biểu luận tội của đại diện Viện kiểm sát, ý kiến của các thành viên Hội đồng xét xử, Luật sư bào chữa tại phiên tòa, người giám hộ của “bị cáo” giúp thanh niên, người dân hiểu rõ hơn về hành vi “Trốn tránh NVQS”. Trước những lập luận sắc bén, có lý, có tình của Hội đồng xét xử, “bị cáo” đã nhận thức đầy đủ hành vi vi phạm của bản thân, tỏ rõ thái độ ăn năn và mong muốn được tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Trên cơ sở tính chất, mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù giam về tội “Trốn tránh NVQS” quy định tại khoản 1, Điều 332 Bộ luật Hình sự.
Phiên tòa giả định ngoài việc tuyên truyền những nội dung cơ bản về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc thực hiện NVQS còn góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi thái độ, hành vi, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyển quân.
Trước đó, UBND thị xã Duy Tiên phối hợp với Viện KSND thị xã tổ chức phiên tòa giả định xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Trốn tránh NVQS”. Phiên tòa được tổ chức theo hình thức trực tiếp với sự tham gia của hơn 200 thanh niên trúng tuyển NVQS năm 2024 và gần 1 nghìn học sinh Trường THPT A Duy Tiên, và được truyền thanh trực tiếp đến các xã, phường trên địa bàn. Nói về cảm nhận của bản thân khi tham dự phiên tòa giả định, em Nguyễn Văn Thành, lớp 12A1, Trường THPT A Duy Tiên chia sẻ: Thông qua phiên tòa giả định giúp chúng em có thêm những kiến thức bổ ích, hiểu rõ hậu quả và hình phạt đối với tội danh trốn tránh NVQS. Bên cạnh đó, phiên tòa giả định giúp định hướng để em cũng như các bạn học sinh trong trường chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Nêu quan điểm của bản thân, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng, giáo viên Trường THPT A Duy Tiên cho biết: Qua hoạt động này giúp các em học sinh có nhận thức đầy đủ hơn, đặc biệt là hậu quả hết sức nặng nề nếu không chấp hành Lệnh gọi thực hiện NVQS của chính quyền và cơ quan chức năng. Qua đó, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, thanh thiếu niên. Ngoài ra, ban tổ chức phiên tòa còn tổ chức giao lưu với học sinh qua phần hỏi – đáp với nhiều câu hỏi liên quan đến Luật NVQS giúp các em tiếp thu các nội dung, kiến thức về pháp luật một cách dễ dàng hơn.
Với thông điệp “Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng và quyền cao quý của mỗi công dân”, việc tổ chức phiên tòa giả định “Trốn tránh NVQS” là hình thức TTPBGDPL hiệu quả, tạo ấn tượng mạnh mẽ mà ngành chức năng muốn gửi đến thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS nói riêng, với tất cả công dân, tổ chức, gia đình, đoàn thể và xã hội. Phiên tòa giả định ngoài việc tuyên truyền những nội dung cơ bản về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc thực hiện NVQS còn góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi thái độ, hành vi, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyển quân.
Trần Ích
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/an-ninh/hieu-qua-tuyen-truyen-tu-nhung-phien-toa-gia-dinh-tron-tranh-nghia-vu-quan-su-155852.html