Hiện nay Việt Nam đang bước vào cao điểm mùa sốt xuất huyết, theo thống kê của Cục Phòng bệnh, tính từ đầu năm đến ngày 8/7, cả nước ghi nhận 32.189 ca bệnh. So với cùng kỳ năm 2024, ca bệnh giảm 11.2%. Riêng khu vực phía Nam chiếm 70% tổng số ca mắc trên toàn cả nước.
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tính từ đầu năm tới ngày 15/7, toàn thành phố ghi nhận 15.546 ca sốt xuất huyết, tăng 157,9% so với số tích lũy cùng kỳ năm 2024 (6.029 ca). Số ca bệnh hàng tuần đang gia tăng từ đầu tháng 6 đến nay. Số ca tử vong liên quan sốt xuất huyết Dengue năm 2025 cho đến nay là 10 ca (TPHCM trước đây 6 ca, Bình Dương 3 ca, Bà Rịa-Vũng Tàu 1 ca).
Chủ quan do tên gọi "sốt xuất huyết"
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 - cho biết: "Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành hàng năm đặc biệt vào mùa mưa. Bệnh không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bệnh còn là gánh nặng cho hệ thống y tế và xã hội. Năm nay chỉ mới vào đầu mùa mưa nhưng số ca nặng và tử vong đã tăng mạnh."
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: P.T.
Theo TS.BS Huỳnh Trung Triệu - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện nay thể trạng con người đang thay đổi, tỷ lệ trẻ em béo phì ngày càng gia tăng. Trung bình cứ 10 trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết nặng thì có đến 5 trường hợp béo phì. Những ca bệnh này thường rất khó điều trị.
Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu gặp ở trẻ em. Tuy nhiên hiện nay, bệnh đã xuất hiện phổ biến ở người lớn, thậm chí ở cả người cao tuổi trên 80 tuổi và không ít trường hợp bị chuyển nặng. Điều này cho thấy, sốt xuất huyết không còn là bệnh của riêng trẻ em hay người trẻ mà đã trở thành bệnh mà ai cũng có thể mắc phải.
Thực tế ghi nhận, hiện nay có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện trong tình trạng nặng. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời dẫn đến chuyển biến nặng, biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM, tên gọi "sốt xuất huyết" khiến nhiều người hiểu nhầm khi cho rằng, phải có biểu hiện xuất huyết ngoài da thì mới mắc bệnh. Do đó, không ít người lớn khi bị sốt xuất huyết nhưng không thấy chảy máu liền nghĩ mình chỉ bị cảm cúm thông thường nên chủ quan, không đi khám và điều trị kịp thời.
Một sai lầm phổ biến khác khi cho rằng hết sốt là đã khỏi bệnh. Thực tế, sốt xuất huyết thường có diễn tiến nặng sau khi hết sốt. Giai đoạn nguy hiểm nhất rơi vào từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Nhiều người lớn do chủ quan, chỉ nhập viện khi đã sốc, suy đa cơ quan, khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn.
Trong khi đó, trẻ em thường được người lớn quan tâm, theo dõi sát sao và đưa đến bệnh viện sớm hơn nên tỷ lệ tử vong ở trẻ thấp hơn.
Diễn tiến nhanh, phút trước vừa nói chuyện, phút sau đã tử vong
ThS.BS Lê Thị Mỹ Duyên – Đơn nguyên Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM – cho biết, ở trẻ nhỏ, sốt xuất huyết thường có biểu hiện không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường như sốt mọc răng hay cảm siêu vi. Trong ba ngày đầu, việc phân biệt bệnh rất khó khăn. Tuy nhiên, từ ngày thứ 3 trở đi là giai đoạn nguy hiểm, dù trẻ đã hết sốt nhưng vẫn có thể xuất hiện các dấu hiệu như nôn ói, đau bụng, mệt mỏi, lừ đừ…
Đáng chú ý, đối với những đối tượng béo phì, mắc bệnh nền như thận, tim mạch, tiểu đường hoặc mắc các bệnh mãn tính khi mắc sốt xuất huyết có nguy cơ trở nặng cao gấp ba lần so với người có thể trạng bình thường.
Vậy nên, khi phụ huynh biết con có các yếu tố nguy cơ như thế, chỉ cần thấy sốt nhẹ thôi là phải đặc biệt lưu ý hơn người bình thường.
Phía Nam chiếm 70% tổng số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn cả nước. Ảnh: P.T.
Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết thêm, các trẻ lớn tầm 10–12 tuổi cũng dễ bị bỏ sót vì cha mẹ ít để ý, trong khi các em lại hay chủ quan, vào viện trễ nên bệnh thường rất nặng, nằm viện lâu, dễ bội nhiễm và tốn kém.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ: "Làm bác sĩ nhi nhiều năm, tôi chưa bao giờ dám khẳng định với phụ huynh là "bé ổn rồi", kể cả khi bé tới viện từ ngày đầu và vẫn còn khỏe mạnh. Vì bệnh có thể chuyển nặng bất cứ lúc nào, trong vòng 5–7 ngày đầu. Có nhiều ca đang sốt đơn giản, ngày hôm sau đã trở nặng đột ngột".
Không như đột quỵ hay viêm não, sốt xuất huyết vẫn có "khoảng thời gian vàng" để theo dõi, can thiệp và ngăn chặn diễn tiến nặng.
"Có bé vẫn trò chuyện với bác sĩ rất bình thường rồi vài phút sau tử vong. Đó là sự nguy hiểm của sốt xuất huyết thể nặng. Người nhà cứ nghĩ phải hôn mê, co giật mới là nguy hiểm, nhưng không phải. Có khi chỉ là lạnh tay chân, không bắt được mạch, là đã rất nặng rồi", bác sĩ Khanh tâm sự.
Bác sĩ Duyên cho biết, sốt xuất huyết, nếu được chẩn đoán sớm, điều trị đúng cách và không có biến chứng thì sau ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, những bệnh nhân có biến chứng như suy thận hoặc xuất huyết nội tạng thì hậu quả để lại rất lâu dài.
Phòng bệnh là quan trọng nhất
Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Truyền nhiễm TPHCM nhấn mạnh, mùa này, ngay khi phát hiện sốt là phải đi khám, tuyệt đối không tự đoán bệnh. Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng vùng gan, nôn ói nhiều, mệt bất thường, tay chân lạnh, bầm tím… thì phải đưa đi viện ngay. Ngay cả khi trẻ đã hết sốt nhưng không chịu chơi, không hoạt bát trở lại cũng là dấu hiệu nguy hiểm.
Nhiều người chỉ nghĩ sốt thì uống thuốc hạ sốt mà quên rằng khám bệnh sớm mới là cách phòng ngừa biến chứng hiệu quả nhất.
ThS.BS Lê Thị Mỹ Duyên lưu ý, muỗi là trung gian truyền bệnh nên phòng muỗi đốt là ưu tiên hàng đầu. Cần cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng, bôi kem chống muỗi, dọn dẹp nơi ở sạch sẽ, không để nước đọng và tiêm vaccine đầy đủ khi có chỉ định.
Nam Thương