Hiệu trưởng Trường Quốc tế ĐH Quốc gia Hà Nội trở thành giáo sư trẻ nhất liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa

Hiệu trưởng Trường Quốc tế ĐH Quốc gia Hà Nội trở thành giáo sư trẻ nhất liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa
4 giờ trướcBài gốc
Theo danh sách được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố hôm 4.11, liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa có 34 người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay. Trong đó, có 3 ứng viên giáo sư, 31 ứng viên phó giáo sư.
Ông Lê Trung Thành sinh ngày 10.11.1980, quê xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành Điện tử, chuyên ngành Điện tử - Viễn thông tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2003; đến năm 2006 tiếp tục nhận bằng Thạc sĩ chuyên ngành này tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 2009, ông nhận bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật điện tử; chuyên ngành Kỹ thuật điện tử tại Trường Đại học La Trobe, Australia. Tháng 11 năm 2013, ông được công nhận chức danh phó giáo sư ngành Kỹ thuật điện tử.
Hướng nghiên cứu chủ yếu của ông Lê Trung Thành là về mạch tích hợp quang tử (photonic integrated circuits-PICs), đặc biệt PICs dựa vào cấu trúc giao thoa đa mode (MMImultimode interference structures) và bộ vi cộng hưởng (microring resonators) với 3 hướng nghiên cứu cụ thể.
Thứ nhất, nghiên cứu về xử lý tín hiệu toàn quang dùng cấu trúc MMI, vi cộng hưởng và quang học phi tuyến: Các cổng logic toàn quang và bộ biến đổi xử lý tín hiệu toàn quang như DCT, MDCT, DFT, KLT, DHT,… ứng dụng trong xử lý tín hiệu và xử lý ảnh tốc độ cao trong miền quang.
Thứ hai, nghiên cứu thiết kế các mạch tích hợp quang Silic sử dụng công nghệ vi mạch CMOS (silicon photonics) nhằm thiết kế các mạch xử lý tín hiệu, thông tin trong miền quang để thay thế dần các mạch trong miền điện trong tương lai.
Thứ ba, nghiên cứu về cảm biến quang ứng dụng trong lĩnh vực cảm biến y sinh và quan trắc, giám sát môi trường. Thiết kế, chế tạo từ lớp vật lý đến lớp hệ thống nhằm kết nối mạng cảm biến không dây cho giám sát tự động môi trường.
Ông Lê Trung Thành, Hiệu trưởng Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ứng viên trẻ nhất của liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2024
Tới nay, ông Lê Trung Thành đã công bố 84 bài báo khoa học, trong đó có 32 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (có chỉ số ISI, Scopus, SCI-E), 27 bài báo trên tạp chí quốc gia uy tín, 17 bài báo hội thảo quốc tế (trong đó 14 bài có chỉ số Scopus) và 9 bài báo trên tạp chí quốc tế khác có mã số ISSN. Số bài báo khoa học quốc tế uy tín mà ông là tác giả chính sau khi được công nhận chức danh phó giáo sư là 23 bài.
Ông là chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 3 đề tài cấp Bộ (1 đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 1 đề tài Nafosted, 1 cấp Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ngoài ra, ông cũng là thành viên chính 3 đề tài khác thuộc cấp Bộ, Sở. Ông có 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích (đã chấp nhận đơn đăng ký QĐ số 57119/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu Trí tuệ).
Đồng thời, đã xuất bản 10 cuốn sách với 5 giáo trình phục vụ đào tạo đại học và thạc sĩ, tiến sĩ thuộc nhà xuất bản có uy tín và 5 chương sách thuộc nhà xuất uy tín nước ngoài.
Ông cũng đã hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ; hướng dẫn 20 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ.
Về quá trình công tác, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Lê Trung Thành bắt đầu công việc là Giảng viên bộ môn Thông tin - Viễn thông, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Giao thông Vận tải từ năm 2003 đến năm 2010. Trong quá trình này, ông trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học La Trobe, Australia theo Đề án 322 rồi nghiên cứu viên sau tiến sĩ theo học bổng của Viện nghiên cứu cao cấp, Đại học La Trobe.
Từ tháng 4.2010 đến tháng 4.2014, ông là giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Sau đó, ông trở thành giảng viên, Phó Viện trưởng, Viện Tin học Pháp ngữ (nay là Viện Quốc tế Pháp ngữ), Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ tháng 4.2015 đến tháng 12.2021, ông là giảng viên cao cấp tại Bộ môn Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ tháng 1.2022 tới nay, ông là giảng viên cao cấp tại Khoa các Khoa học ứng dụng và là Hiệu trưởng Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ tháng 6 năm 2024 tới nay, ông cũng kiêm nhiệm Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh về Quang tử tích hợp cấp của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, ông còn thỉnh giảng tại một số cơ sở giáo dục đại học khác như Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Mở Hà Nội.
Ông Lê Trung Thành từng được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2024; nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ các năm 2019, 2022.
Ông cũng từng được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020 vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT năm học 2018-2019, năm học 2020- 2021; Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN trong phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020; Bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN năm 2013, năm học 2020- 2021.
Bên cạnh đó, ông nhận danh hiệu Chiến sĩ toàn quốc năm 2021 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Chiến sĩ thi đua cấp ngành năm 2014 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2018 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Năm 2024, có tổng số 615 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024. Trong đó, có 45 ứng viên giáo sư, 570 ứng viên phó giáo sư.
Với riêng liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa, ngoài ông Lê Trung Thành, 2 tân giáo sư còn lại gồm: ông Nguyễn Văn Đức, sinh năm 1973 và ông Trần Hoài Linh, sinh năm 1974, đều ở Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nguyễn Liên
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/hieu-truong-truong-quoc-te-dh-quoc-gia-ha-noi-tro-thanh-giao-su-tre-nhat-lien-nganh-dien-dien-tu-tu-dong-hoa-post395771.html