Khái niệm "sao hạng A" (A-list star) xuất hiện trong ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ từ khoảng đầu thế kỷ XX, cụ thể vào thời Hollywood bị thống trị bởi "studio system" - mô hình sản xuất điện ảnh mà các hãng phim lớn kiểm soát toàn bộ quy trình làm phim: từ sản xuất, phân phối đến trình chiếu.
Lúc đó, các hãng phim ngầm chia ngôi sao thành hạng A, B, C… để quyết định mức lương, vai diễn và chiến dịch quảng bá. Việc phân chia này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cảm tính của từng ông trùm.
Năm 1997, nhà báo, nhà phê bình điện ảnh James Ulmer hệ thống hóa và lượng hóa khái niệm này thành hệ thống tiêu chí rõ ràng, gọi là The Ulmer Scale.
Theo đó, định lượng sức mạnh thương mại của diễn viên dựa trên 4 yếu tố chính: Bankability - khả năng "bảo chứng" doanh thu và thu hút đầu tư; Career management - chiến lược chọn vai, định hướng nghề nghiệp; Professionalism - tính chuyên nghiệp trong công việc và Risk factor - yếu tố rủi ro.
Taylor Swift, Beyoncé, BTS... là những sao hạng A trong lĩnh vực âm nhạc. Ảnh: Tư liệu
Không chỉ điện ảnh, khái niệm sao hạng A, B, C cũng được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như âm nhạc, thời trang, thể thao...
Ngày nay, do tác động của thời đại, nền giải trí toàn cầu đang chuyển dịch theo nhiều xu hướng khác nhau. Tiêu chuẩn đánh giá sao hạng A theo The Ulmer Scale không còn độ chính xác, nhất là trong bối cảnh ngành giải trí chịu ảnh hưởng mạnh bởi mạng xã hội và văn hóa thần tượng. Đơn cử, trong vài trường hợp, các yếu tố như lượt xem YouTube, tương tác trên X hoặc độ lan tỏa trên mạng xã hội quan trọng hơn doanh số.
Theo quan điểm chung của khán giả đại chúng, một nghệ sĩ được coi là hạng A trong ngành giải trí hiện tại có thể phải đảm bảo các tiêu chí như:
- Giá trị thương mại cao (thể hiện qua doanh thu sản phẩm, cát-sê cao, các hợp đồng quảng cáo...);
- Mức độ nổi tiếng và tầm ảnh hưởng lớn (thể hiện qua khả năng thu hút công chúng, độ phủ sóng truyền thông và mạng xã hội, khả năng định hình xu hướng, khả năng trở thành biểu tượng văn hóa đại chúng...);
- Được công nhận về thành tựu bởi công chúng hoặc/và giới chuyên môn (thể hiện qua việc sở hữu các tác phẩm/sản phẩm nổi bật, các giải thưởng uy tín...);
- Sở hữu thương hiệu cá nhân vững mạnh, chuyên nghiệp và lâu dài (bao hàm tất cả yếu tố như: ê-kíp, chiến lược phát triển, không vướng scandal "chí tử", khả năng truyền cảm hứng...);
HIEUTHUHAI gây tranh cãi về thứ hạng vì nổi tiếng quá chóng vánh. Ảnh: FBNV
Showbiz Việt có bao nhiêu sao hạng A?
Trong lĩnh vực âm nhạc, phóng viên VietNamNet khảo sát một số cá nhân, đơn vị được cho là có nhu cầu phân hạng ca sĩ cao nhất như: bầu show, tổ chức sự kiện, nhãn hàng, agency... và được biết showbiz Việt hiện không có quy chuẩn chung hay hệ thống nào để đánh giá, phân hạng ca sĩ một cách chính xác, thống nhất.
Nói cách khác, ở năm 2025, việc phân loại, xếp hạng ca sĩ trong showbiz Việt vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, cảm tính của từng cá nhân, tùy vào vị trí, công việc và công ty của họ.
Theo đó, sao hạng A ở Việt Nam chia thành 3 nhóm chính:
- Các ngôi sao trẻ đang lên: HIEUTHUHAI, MONO, Phương Mỹ Chi, Dương Domic...
- Các nghệ sĩ đã xây dựng thương hiệu cá nhân vững chắc và vẫn đương thời: Hồ Ngọc Hà, SOOBIN, Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy, Noo Phước Thịnh...
- Các nghệ sĩ sở hữu thương hiệu cá nhân vững chắc ở giai đoạn hậu đỉnh cao: Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Hồ Quỳnh Hương, Lệ Quyên...
Đứng trên hạng A là 4 ngôi sao hạng S gồm: Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Sơn Tùng M-TP và Đen Vâu - từng được VietNamNet giới thiệu trong bài viết Cát-sê sao Việt lên đến 2 tỷ đồng/show.
Mỹ Tâm - ngôi sao hạng S, Hồ Ngọc Hà - ca sĩ hạng A với thương hiệu cá nhân vững mạnh. Ảnh: FBNV
Nhìn từ 3 nhóm sao hạng A, có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, cần phân biệt hạng cát-sê và thứ hạng dựa vào định vị thương hiệu cá nhân của nghệ sĩ trên thị trường. Hai hệ thống xếp hạng này có mối liên hệ mật thiết nhưng không phải luôn đồng nhất.
"Số tiền phải trả để mời anh Đàm Vĩnh Hưng hát không nhiều, chỉ tương đương hạng B- nhưng định vị thương hiệu của anh chắc chắn hạng A. Tương tự trường hợp ca sĩ Văn Mai Hương, có thể khán giả đại chúng không nghĩ cô ấy được phần lớn bên định vị hạng A. Hương báo giá cũng khá 'mềm', khoảng hạng B+ để đôi bên cùng vui, làm việc lâu dài", nguồn tin cho hay.
Người này cũng nhấn mạnh không ít ca sĩ cố ý báo giá cao để nâng hạng thương hiệu, kết quả "nằm ở nhà cả năm vì chẳng ai mời show".
Thứ hai, thứ hạng của nghệ sĩ trong showbiz chưa bao giờ cố định, không kể sao trẻ đang lên hay các nghệ sĩ đã xây dựng thương hiệu cá nhân vững chắc.
Ca sĩ trẻ "một đêm thành sao" nhờ các show truyền hình thực tế, hoạt động như sao hạng A, bẵng đi vài tháng không còn hiệu ứng, xuống hạng B là chuyện "thường ngày ở huyện".
Phổ biến không kém là trường hợp các nghệ sĩ vướng scandal nghiêm trọng, mất đi sự "sủng ái" của công chúng và nhãn hàng, hoàn toàn có thể rơi thẳng từ hạng S, A xuống B, C.
Sơn Tùng M-TP.
Thị trường càng phát triển, sự cạnh tranh và áp lực đào thải càng lớn, kéo theo chu kỳ biến động thứ hạng của nghệ sĩ ngày càng rút ngắn.
Nhìn chung, chuyện thứ hạng của sao luôn được công chúng quan tâm, thậm chí không ít lần gây tranh cãi giữa các cộng đồng người hâm mộ. Bởi, không ai muốn thần tượng mình thua kém bất kỳ người nào.
Dù vậy, ở thị trường chưa thực sự vận hành chuyên nghiệp như Việt Nam, khái niệm sao hạng A vẫn còn mơ hồ, không có tiêu chí chung, hầu như được xếp theo cảm tính, thậm chí là thị hiếu ngắn hạn - trái ngược với thị trường quốc tế.
Song nhìn vào phần lớn sao hạng A hiện tại, có thể thấy điểm chung ở họ là hành trình hoạt động âm nhạc miệt mài, tích tiểu thành đại, từ đó thăng hạng theo thời gian.
Cốt lõi của nghệ thuật luôn là tác phẩm, người nghệ sĩ kiên trì cống hiến cho nghề, phục vụ khán giả và gìn giữ đạo đức sẽ có được vị trí tương xứng.