Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân đến tham quan triển lãm về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Thủy Lê
Đa dạng và phong phú
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức Triển lãm mỹ thuật toàn quốc về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng”.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng 200 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc tiêu biểu của 193 họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài Quân đội trên khắp cả nước đã sáng tác trong giai đoạn 2019-2024. Các tác phẩm đã tập trung phản ánh sinh động hình ảnh người chiến sĩ cách mạng dưới góc nhìn của người nghệ sĩ thông qua các hình thức, từ điêu khắc, đồ họa đến hội họa tạo nên bức tranh đa sắc màu. Triển lãm cũng giúp công chúng hiểu rõ hơn về hình ảnh và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và tô đẹp thêm hình ảnh của người chiến sĩ hôm nay trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tình đoàn kết quân dân...
Cụ thể, triển lãm giới thiệu 20 tác phẩm đồ họa tiêu biểu như: “Huyền thoại ngã ba Đồng Lộc” của tác giả Trịnh Bá Quát; “Trên thao trường” của tác giả Nguyễn Ngần... Về điêu khắc, triển lãm giới thiệu 30 bức tượng với các chất liệu đa dạng như kim loại, đất sét, đá. Tiêu biểu như tác phẩm “Người mẹ quê hương Đồng khởi” của nhà điêu khắc Châu Trâm Anh với chất liệu đá trắng tổng hợp đồng lá; “Trọng điểm” của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng tái hiện hình ảnh nữ thanh niên xung phong tại bến phà Long Đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước; “Ký ức đường Trường Sơn” của họa sĩ Hoàng Văn Tùng lại phản ánh về tuyến vận tải quân sự chiến lược chi viện sức người, sức của cho các chiến trường miền Nam...
Còn về hội họa, triển lãm giới thiệu 150 tác phẩm được các họa sĩ thể hiện đa dạng với nhiều loại chất liệu, phong phú về hình thức và nội dung. Tiêu biểu như tác phẩm “Vui cùng biển đảo” (tranh sơn dầu) của họa sĩ Lê Hùng; “Phòng dịch vùng cao” (tranh sơn dầu) của họa sĩ Nguyễn Văn Chung; “Tuần tra đêm” (tranh khắc gỗ phá bản) của họa sĩ Võ Văn Tiếng; “Bảo vệ biển đảo quê hương” (tranh sơn dầu) của họa sĩ Phạm Thế Bộ; “Hành quân đêm qua phố” (tranh ghép giấy báo) của họa sĩ Hoàng Thị Phượng...
Một mũi tên trúng nhiều đích
Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đặc biệt quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, trong đó có hoạt động mỹ thuật. Trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài Quân đội được tiếp tục phát huy và vươn lên những tầm cao mới. Qua đó, thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Tác phẩm tranh sơn dầu “Phòng dịch vùng cao” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: Thủy Lê
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là cơ quan thường trực vận động sáng tác mỹ thuật về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” đã tích cực đổi mới, tổ chức nhiều hoạt động sáng tác, tạo lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo các tác giả trong và ngoài Quân đội. Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức hàng chục trại sáng tác, thu hút hàng trăm lượt các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc trên cả nước. Thông qua các trại sáng tác, các nghệ sĩ đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, nhiều tác phẩm đã được trưng bày trong các cuộc triển lãm toàn quốc.
Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tổ chức Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” (giai đoạn 2019-2024). Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật lần này sẽ là nơi để các họa sĩ tiếp tục quán triệt những quan điểm, tư tưởng cơ bản của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật, đồng thời cũng là dịp để gặp gỡ, trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm bổ ích. Cuộc vận động đã nhận được 644 tác phẩm của 407 tác giả trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 150 tác phẩm so với giai đoạn 2014-2019.
“Sau khi cân nhắc và lựa chọn, Ban Tổ chức đã lựa ra được 200 tác phẩm thuộc các thể loại như hội họa, điêu khắc và đồ họa để tổ chức triển lãm. Triển lãm là dịp tôn vinh các họa sĩ trong và ngoài Quân đội, bằng tình cảm và trách nhiệm, tâm huyết và năng lực sáng tạo nghệ thuật đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” (giai đoạn 2019-2024), sáng tác những tác phẩm mỹ thuật có giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới” - Đại tá Lê Vũ Huy nhấn mạnh.
Được biết, các tác phẩm tại triển lãm sẽ tiếp tục được Hội đồng xét giải thưởng mỹ thuật đề tài "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng" 5 năm (2021-2025) của Bộ Quốc phòng chấm, chọn, đề xuất xét giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí về đề tài “Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng” 5 năm (2014-2019); tổ chức sưu tầm một số tác phẩm tiêu biểu; trưng bày, giới thiệu tới công chúng cả nước.
Thủy Lê