Triển lãm 80 năm Văn hóa - Văn nghệ Quân đội nhân dân đang diễn ra trên phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của du khách khi dạo chơi hồ Gươm.
Triển lãm lần đầu tiên được tổ chức nhằm tái hiện bức tranh sống động về hình ảnh những người “chiến sĩ - nghệ sĩ” quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Nhiều hình ảnh đẹp và xúc động từ hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc diễn ra tại đây từ tối 20/12 đến hết 22/12 gồm trưng bày ảnh, tư liệu, tranh cổ động của các chuyên ngành văn hóa nghệ thuật quân đội, các đoàn văn công biểu diễn, bộ đội biểu diễn vũ điệu sinh hoạt tập thể, biểu diễn quân nhạc, hoạt động trải nghiệm, chương trình giao lưu với các văn nghệ sĩ tiêu biểu...
Mô hình hầm chữ A được tái hiện bên hồ Gươm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hầm này được quân và dân Việt Nam cải tiến, sử dụng ở khắp hai miền Nam, Bắc để chống các loại bom, pháo, đạn, trở thành nơi trú ẩn an toàn khi địch bắn phá, càn quét. Phần chịu lực của hầm được làm bằng tre, gỗ ghép lại thành hình chữ A. Cửa hầm có thể thông được ra hai đầu, độ sâu khoảng 1,2m, dài 1,5m, rộng 1m.
Mô hình cầu Long Biên và 3 tên lửa SAM Liên Xô viện trợ cho Việt Nam từng bắn hạ 3 máy bay B-52 của Mỹ trong cuộc chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ vùng trời Hà Nội tháng 12/1972.
Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa cũng được mô phỏng với kích cỡ như thật tại đây, thu hút sự chú ý của nhiều du khách.
Một lần nữa, hình tượng chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa lại được tái hiện ở phố đi bộ bên hồ Gươm với pháo, xe đạp thồ...
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xe đạp thồ là phương tiện chủ lực để vận chuyển vũ khí, lương thực ra chiến trường. Mỗi chuyến có thể tải từ 200 - 300kg. Trong số 260 ngàn dân công của cả nước thời kỳ đó phục vụ chiến dịch có 33,3 nghìn dân công hỏa tuyến với 21 nghìn xe đạp thồ. Họ đã đưa được 25 nghìn tấn vũ khí, lương thực tới chiến trường góp phần làm nên chiến thắng chấn động địa cầu năm 1954.
Mô hình hầm Đờ Cát với kích thước lớn như thật được dựng lên gần khu vực tháp Bút hồ Gươm. Nhận nhiệm vụ đứng giao lưu với du khách tại đây là các chiến sĩ đến từ Binh chủng Thông tin.
Các sinh viên áo lính đến từ Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội thể hiện hình tượng chiến sĩ Điện Biên và sẵn sàng chụp ảnh cùng người dân.
Chiến sĩ Lê Văn Tú, lính nghĩa vụ của đơn vị Vệ binh Kiểm soát Quân sự có nhiệm vụ cầm mô hình bom ba càng và súng để giao lưu chụp ảnh cùng người dân trong những ngày diễn ra sự kiện.
Trong khuôn khổ Triển lãm 80 năm Văn hóa - Văn nghệ Quân đội nhân dân, các em nhỏ còn có cơ hội chơi nặn những hình tượng về người lính theo sự hướng dẫn của thành viên BTC.
Nhân dịp này, anh Nguyễn Sỹ Cường (Trường Sĩ quan Lục quân 1) cùng bạn gái chụp ảnh bên hồ Gươm. Vợ chưa cưới của anh từ TPHCM ra Hà Nội để diễn vai du kích miền Nam cho các tiết mục văn nghệ nhân dịp 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân.
Hoàng Minh