Vừa làm nghệ thuật, vừa đi buôn, làm lơ xe
Dàn nghệ sĩ kỳ cựu của Táo Quân chia sẻ về niềm đam mê nghệ thuật được thừa hưởng từ gia đình. NSƯT Chí Trung là con trai của NSND Quý Dương và nghệ sĩ violin Phùng Thúy Lan. Anh từng học violin suốt 4 năm liền. Thời trẻ, NSƯT Chí Trung vừa làm nghệ thuật, vừa buôn bán. "Thời đó ai cũng vất vả, người người nhà nhà đi buôn để kiếm sống nên tôi không thấy khổ. Buổi tối tôi đóng Romeo, ban ngày đi buôn xe máy ở chợ", NSƯT Chí Trung nói. Trên sân khấu, anh được coi là ngôi sao vì đóng vai chính từ rất sớm.
NSƯT Quang Thắng học piano từ nhỏ. Khi đó điều kiện khó khăn nên anh chưa có riêng cho mình một chiếc đàn, phải vẽ nốt nhạc ra bàn để học. Nam nghệ sĩ cho biết thời mới vào nghề cũng vất vả, thường đi buôn quần áo từ Hải Phòng lên Hà Nội. Có lúc anh làm phụ xe, bốc vác.
Các khách mời của Cuộc hẹn cuối tuần.
NSND Tự Long có bố là NSƯT Vũ Tự Lẫm, mẹ là NSƯT Minh Phức. Bố và mẹ của NSND Tự Long thuộc lớp diễn viên đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh. Trong chương trình, NSND Tự Long tự nhận ngày bé ranh mãnh và nghịch ngợm nên nghề nào cũng làm thử.
Nghệ sĩ Vân Dung cũng đam mê nghệ thuật từ nhỏ vì bố mẹ đều là biên đạo múa. "Tôi mê múa hát, từ lúc 5, 6 tuổi đã muốn theo nghệ thuật. Lớn lên, tôi cũng thử sức thi vào trường múa", nghệ sĩ Vân Dung nói. Chị kể từng đi khâu khuy áo, rang lạc với húng lìu rồi đem bán để có thu nhập. Năm 13 tuổi, nghệ sĩ Vân Dung thử sức với nghề hóa trang đám cưới.
Nghệ sĩ Chí Trung, Vân Dung, Quang Thắng, Tự Long khi mới theo đuổi nghệ thuật.
Chị cho biết bản thân đi lên từ những vai phụ. "Lúc đấy tôi cũng buồn, tủi thân vì các bạn đều được đi làm phim, được mời đóng tiểu phẩm, tham gia chương trình nhưng riêng mình bốn năm học trường nghệ thuật không ai mời. Ra trường cũng không ai gọi đi đóng phim. Tôi đã nghĩ cả đời mình chỉ đóng vai phụ", nghệ sĩ Vân Dung nói.
Theo NSƯT Chí Trung, Vân Dung để lại ấn tượng với khán giả nhờ vai phù thủy trong vở kịch Hai cây phong. NSND Tự Long nhận xét bạn diễn có vai trò đặc biệt trong làng hài, không ai thay thế được Vân Dung ở Táo Quân.
Chương trình Cuộc hẹn cuối tuần còn chiếu lại những hình ảnh đầu tiên của bốn nghệ sĩ trên truyền hình. Nghệ sĩ Vân Dung có vai diễn đầu tiên trong phim Cha tôi và hai người đàn bà (1996). Chị đóng vai lễ tân, chỉ có một câu thoại và lên sóng trong khoảng gần 30 giây.
NSƯT Chí Trung có vai diễn để đời trong Đêm hội Long Trì (1989). NSƯT Quang Thắng lần đầu chạm ngõ truyền hình với phim Những người con của biển (1995). NSND Tự Long có vai đầu tay trong Nấc thang mới (1997).
Kỷ niệm đóng Táo Quân
NSƯT Chí Trung, NSND Tự Long, NSƯT Quang Thắng và nghệ sĩ Vân Dung là những gương mặt không thể thiếu của Gặp nhau cuối năm - Táo Quân suốt hơn 20 năm qua.
NSND Tự Long tiết lộ Táo Quân luôn phải diễn, ghi hình trong ba đêm mới đảm bảo chất lượng để phát sóng. Trong đó, đêm diễn đầu tiên để lại nhiều cảm xúc nhất, có lo sợ, có tự hào khi người nhà ngồi phía dưới cổ vũ.
"Mỗi lần được làm Táo, tôi có sự thỏa mãn riêng. Tôi biết Táo Quân lúc nào cũng có người nói vào, nói ra. Nhưng trong mỗi chương trình chúng tôi đều tận hiến với mong muốn đem lại món ăn cho mọi người vào đêm 30", NSND Tự Long chia sẻ. Anh nhiều lần mất giọng khi tập Táo Quân.
Trang phục diễn qua từng năm của dàn Táo.
NSƯT Quang Thắng kể năm 2003 đóng Gặp nhau cuối năm, anh chưa có nhà riêng tại Hà Nội mà phải ở trọ. "Lúc đó, được mời đóng Táo Quân là vui lắm. Nhưng tôi chỉ nghĩ đóng để có một công việc, không tưởng tượng được chương trình sẽ thành công, đem lại cho tôi nhiều thứ như bây giờ", anh nói.
Nghệ sĩ Quang Thắng có sở thích lưu trữ kịch bản Táo Quân. Anh tiết lộ đang sở hữu số lượng bản thảo cao "ngập đầu". Trong quá trình tập luyện, các nghệ sĩ cũng được quyền chỉnh sửa, đóng góp thêm cho kịch bản. Diễn viên cũng nhớ cả lời thoại của đồng nghiệp để hỗ trợ nhau trên sân khấu.
Chương trình tối 23/2 giới thiệu bảo tàng kỷ vật Táo Quân với 40 bộ trang phục qua từng năm của dàn Táo - do NSƯT Đức Hùng thiết kế và bảo quản.
Ngọc Ánh