Ảnh minh họa.
Hình phạt tử hình trong pháp luật Việt Nam
Xét về phương diện pháp luật, những đạo luật cổ đầu tiên của Việt Nam (còn truyền lại đến thời nay) như các bộ “Quốc Triều Thông chế” và “Hoàng Triều Đại điển” thời Trần, bộ “Quốc Triều Hình luật” (Bộ luật Hồng Đức) thời Hậu Lê và bộ “Hoàng Việt Luật lệ” (Bộ luật Gia Long) thời Nguyễn đều có quy định hình phạt tử hình.
Hệ thống những tội phạm có thể bị kết án tử hình ở các triều đại khác nhau có sự khác nhau, song nhìn chung số tội phạm có thể bị áp dụng hình phạt này là lớn, trong đó phổ biến là các tội giết người, tội phản nghịch, tội nhận hối lộ, tội tham ô.
Thời kỳ thực dân Pháp thống trị, hình phạt tử hình tiếp tục được áp dụng, chủ yếu để ngăn chặn phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta, trong đó có phương pháp hành quyết mới là dùng máy chém.
Kể từ khi giành độc lập (1945) đến nay, hình phạt tử hình tiếp tục được duy trì ở nước ta. Trong giai đoạn 1945-1985, hình phạt tử hình được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, bao gồm các sắc lệnh, luật, pháp lệnh, thông tư và chủ yếu gắn với các tội phạm về an ninh quốc gia như tội gián điệp; tội bạo loạn; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội hoạt động phỉ; tội theo địch hoặc vì mục đích phản cách mạng mà trốn ra nước ngoài…
Bộ luật Hình sự đầu tiên được ban hành ở Việt Nam vào năm 1985 quy định hình phạt tử hình trong 29/195 điều luật về tội phạm. Qua 4 lần sửa đổi, bổ sung (1989, 1991, 1992, 1997), số điều luật quy định hình phạt tử hình đã tăng lên thành 44/216 điều. Sự gia tăng đó phản ánh đường lối phòng, chống tội phạm nghiêm khắc trong giai đoạn 1985-1997 ở Việt Nam.
Bộ luật Hình sự năm 1999 đánh dấu một sự thay đổi, khi số điều luật quy định hình phạt tử hình được rút xuống còn 29/265 điều và đến lần sửa đổi năm 2009 tiếp tục được rút xuống còn 22/272 điều. Nối mạch thay đổi đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) tiếp tục giảm hình phạt tử hình xuống còn 18/314 tội danh.
Số tội danh áp dụng hình phạt tử hình giảm liên tục trong Bộ luật Hình sự Việt Nam kể từ năm 1990 với Điều này phù hợp với xu hướng quốc tế. Dù vậy, nếu so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới và khuyến nghị của các cơ quan nhân quyền LHQ thì số lượng các tội danh có thể bị kết án tử hình ở Việt Nam vẫn còn cao. Một trong những nguyên nhân là sự khác biệt trong quan niệm về “các tội phạm nghiêm trọng nhất” của Việt Nam và các cơ quan nhân quyền LHQ.
Như đã đề cập ở bài trước, theo các cơ quan nhân quyền LHQ, khái niệm “các tội phạm nghiêm trọng nhất” mà có thể kết án tử hình không bao gồm các nhóm tội phạm về kinh tế, tham nhũng, ma túy… và kể cả các tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại, tội diệt chủng hay tội xâm lược - mà hiện nay vẫn còn quy định trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam.
Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo, luật hình sự Việt Nam không cho phép áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.
Cũng theo nguyên tắc này, bản án tử hình không được thi hành đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng; người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành khi Chủ tịch nước bác đơn ân giảm.
Cân nhắc tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình
Xu hướng chung trên thế giới từ thập kỷ 1960 đến nay là giảm và xóa bỏ hình phạt tử hình. Hiện tại, chỉ còn 1/3 số quốc gia trên thế giới còn duy trì hình phạt tử hình (trong đó có Việt Nam) song hầu hết cũng đã giảm mức độ áp dụng. Ở khu vực châu Á, quốc gia láng giềng với Việt Nam từng áp dụng hình phạt tử hình nhiều nhất thế giới là Trung Quốc, cũng đã thay đổi.
Năm 2007, đoàn đại biểu Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền LHQ đã tuyên bố: “Phạm vi áp dụng án tử hình sẽ sớm được cân nhắc lại... với mục tiêu là xóa bỏ hình phạt này”. Mặc dù Trung Quốc không công bố số liệu về việc áp dụng án tử hình, song qua nhiều nguồn thống kê cho thấy, số lượng những người bị xử tử hình ở nước này đã giảm ít nhất một nửa kể từ năm 2007.
Quan điểm ủng hộ việc xóa bỏ hình phạt tử hình cũng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Giáo sư Zhao Bingzhi của Đại học Sư phạm Bắc Kinh khẳng định: “Việc xóa bỏ án tử hình là một xu hướng tất yếu, cũng như một dấu hiệu cho thấy lối tư duy khoáng đạt của các quốc gia văn minh... Xóa bỏ án tử hình giờ đây là một yêu cầu quốc tế bắt buộc”.
Ở khu vực ASEAN, hiện có 3 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật, gồm Campuchia, Đông Timor và Philippines. Malaysia cũng đã tuyên bố sẽ sớm bãi bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật. Brunei, Lào và Myanmar thì không thi hành án tử hình trên thực tế. Thái Lan đã không thi hành án tử hình trên thực tế trong 10 năm cho đến năm 2018. Singapore cũng hạn chế số vụ thi hành án tử hình trong những năm gần đây.
Trên diễn đàn quốc tế, các nước còn duy trì hình phạt tử hình (trong đó có Việt Nam) những thập kỷ gần đây liên tục nhận được khuyến nghị của LHQ và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực cũng như các đối tác phát triển về việc giảm và xóa bỏ hình phạt này.
Cụ thể, năm 2005, Ủy ban Nhân quyền LHQ đã khuyến nghị các quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình “bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình và trong thời điểm hiện tại, thực hiện việc hoãn thi hành”. Tháng 12/2007, Đại hội đồng LHQ đã thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt, trong đó kêu gọi các quốc gia hoãn áp dụng hình phạt tử hình và tái khẳng định cam kết của LHQ đối với việc bãi bỏ hình phạt này.
Trong các năm 2008 và 2010, Đại hội đồng LHQ tiếp thông qua các nghị quyết lần thứ hai và thứ ba, trong đó tái khẳng định việc kêu gọi hoãn áp dụng hình phạt tử hình. Đối với nước ta, từ nhiều năm nay, EU đã vận động Việt Nam tạm hoãn áp dụng và tiến tới bãi bỏ hình phạt tử hình, gần đây nhất là trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA.
Ở trong nước, mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, song nhiều chuyên gia đã khẳng định sự ủng hộ việc giảm và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình. Trong cuộc hội thảo tham vấn về chủ đề “Khả năng của Việt Nam gia nhập Nghị định thư tùy chọn thứ hai về bãi bỏ hình phạt tử hình theo ICCPR” được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng tháng 2/2018, đa số chuyên gia tham gia hội thảo cho rằng cần thiết nghiên cứu các biện pháp thay thế hình phạt tử hình và hạn chế dần việc sử dụng hình phạt này.
Đối với công chúng, năm 2011, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội từng thực hiện một cuộc điều tra xã hội học với hai nhóm đối tượng là: (i) Những phạm nhân đang chấp hành hình phạt trong một số trại giam; (ii) Những người được lựa chọn ngẫu nhiên, gồm các học viên cao học cho thấy kết quả tổng hợp là hơn 50% số người được hỏi ủng hộ việc xóa bỏ hình phạt tử hình.
Ở khu vực ASEAN, hiện có 3 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật, gồm Campuchia, Đông Timor và Philippines. Malaysia cũng đã tuyên bố sẽ sớm bãi bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật. Brunei, Lào và Myanmar thì không thi hành án tử hình trên thực tế. Thái Lan đã không thi hành án tử hình trên thực tế trong 10 năm cho đến năm 2018. Singapore cũng hạn chế số vụ thi hành án tử hình trong những năm gần đây.
Bối cảnh quốc tế và trong nước kể trên cho thấy rõ sự cần thiết tiếp tục giảm và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật Việt Nam. Trong thực tế, chủ trương giảm và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình đã được đề cập trong một số Nghị quyết của Đảng, cụ thể Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Về phía Nhà nước, tại phiên Kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền năm 2019, đại diện nước ta đã thông báo với cộng đồng quốc tế: “Việt Nam còn duy trì án tử hình nhưng chỉ áp dụng đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng” và Việt Nam “... đang xem xét gia nhập nghị định thư bổ xung ICCPR để tiến tới bãi bỏ án tử hình”.
Giống như ở nhiều quốc gia khác, hình phạt tử hình đã được áp dụng từ lâu và hiện vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Việt Nam. Việc giảm và xem xét tiến tới xóa bỏ hình phạt này chịu sự tác động của nhiều yếu tố, cả trong và ngoài nước, trong đó ở trong nước thì yếu tố nhận thức có ý nghĩa quan trọng, còn ở ngoài nước là sự vận động của LHQ, EU và các tổ chức quốc tế về nhân quyền có tác động to lớn.
Mặc dù hiện nay, Việt Nam vẫn còn duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật, nhưng đang đi theo xu hướng chung trên thế giới khi số lượng tội danh có thể bị kết án tử hình trong Bộ luật Hình sự đã được điều chỉnh giảm liên tục kể từ năm 1999. Tuy nhiên, số lượng tội danh bị kết án tử hình trong Bộ luật Hình sự vẫn còn cao so với nhiều nước khác và so với khuyến nghị của các cơ quan nhân quyền LHQ.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dân trí ngày càng cao và xã hội ngày càng cởi mở hơn, Nhà nước cần xúc tiến việc việc gia nhập Nghị định thư tùy chọn bổ sung ICCPR về xóa bỏ hình phạt tử hình như đã nêu tại Báo cáo quốc gia về thực hiện quyền con người tại phiên Rà soát định kỳ phổ quát về nhân quyền trước Hội đồng nhân quyền LHQ của Việt Nam, ngày 22/1/2019 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Điều này sẽ giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tạo thuận lợi cho việc hợp tác tư pháp với nhiều quốc gia, đặc biệt là EU, nhất là trong việc dẫn độ những kẻ tham nhũng trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài - một vấn đề đang đặt ra cấp thiết hiện nay.
Việc gia nhập Nghị định thư nêu trên chắc chắn sẽ gây nhiều tranh cãi, bao gồm những ý kiến phản đối, kể cả trên diễn đàn Quốc hội và trong xã hội.
Dù vậy, kinh nghiệm của các nước đã xóa bỏ hình phạt tử hình cho thấy các ý kiến này không gây trở ngại lớn đến quyết định của nhà nước. Thêm vào đó, có thể giảm thiểu những ý kiến phản đối bằng cách thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện để chứng minh rằng hình phạt tử hình không có tác dụng ngăn ngừa vượt trội với tội phạm như định kiến hiện nay của một số nhà lập pháp và một bộ phận công chúng.
Thêm vào đó, cũng cần tiến hành các nghiên cứu để cho thấy những tác động tiêu cực của hình phạt tử hình đối với xã hội, đặc biệt trong những vấn đề mà các nhà lập pháp và công chúng từ trước tới nay ít quan tâm, chẳng hạn như khả năng làm gia tăng tỷ lệ phạm tội của trẻ em có cha mẹ bị kết án tử hình, hay việc khuyến khích tâm lý bạo lực, thiếu khoan dung trong xã hội...
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dân trí ngày càng cao và xã hội ngày càng cởi mở hơn, Nhà nước cần xúc tiến việc thực hiện cam kết trong phiên Kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền năm 2019 về việc gia nhập Nghị định thư tùy chọn bổ sung ICCPR về xóa bỏ hình phạt tử hình.
Điều này sẽ giúp nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời tạo thuận lợi cho việc hợp tác tư pháp với nhiều quốc gia, đặc biệt là EU, nhất là trong việc dẫn độ những kẻ tham nhũng trốn ra nước ngoài và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài - một vấn đề đang đặt ra cấp thiết hiện nay.
PGS.TS VŨ CÔNG GIAO - THẢO NGUYÊN