Hình thành cỗ xe tam mã: Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM

Hình thành cỗ xe tam mã: Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM
15 giờ trướcBài gốc
Hội thảo khoa học “Xây dựng mô hình CNXH gắn với con người XHCN tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo" góp phần cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn để Đảng ta, đất nước ta xây dựng thành công mô hình CNXH gắn với con người XHCN trong kỷ nguyên mới.
Hội thảo do Thành ủy Hải Phòng phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức tại Hà Nội sáng 21/5. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí Thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản Hoàng Trung Dũng chủ trì hội thảo.
Hình thành cỗ xe tam mã: Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, ngày 20/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: “Mỗi địa phương cần cụ thể hóa, xác định rõ định hướng, giải pháp xây dựng mô hình Xã hội chủ nghĩa gắn với con người Xã hội chủ nghĩa ở từng địa phương. Hải Phòng, Đà Nẵng đi đầu thực hiện, tạo cơ sở rút kinh nghiệm, nhân rộng trong cả nước”.
Hải Phòng đang thành công với việc đi đầu thực hiện xây dựng mô hình Xã hội chủ nghĩa gắn với con người Xã hội chủ nghĩa theo chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Hải Phòng có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; là đầu mối, cửa ngõ giao thương giữa các địa phương khu vực phía Bắc với ngoài nước và ngược lại; là một cực của tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; kết nối 2 hành lang kinh tế; là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng, cả nước và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, đường bờ biển dài 125km và 5 cửa sông lớn đổ ra biển; Cảng Lạch Huyện - cảng nước sâu duy nhất miền Bắc - có thể tiếp nhận tàu container đến 145.000 DWT; hệ thống cảng biển Hải Phòng là cụm cảng có quy mô lớn, được xếp vào nhóm các cảng quan trọng nhất trong 536 cảng biển khu vực Đông Nam Á... Hải Phòng là địa danh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa.
PGS. TS Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét, trong 40 năm đổi mới, thành phố Hải Phòng không chỉ tiếp thu và vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn địa phương mà còn có những sáng tạo độc đáo trong việc phát huy vai trò của các yếu tố tác động nhằm xây dựng CNXH và con người XHCN. Những sáng tạo này thể hiện ở các lĩnh vực:
Sáng tạo trong phát triển kinh tế: Hải Phòng tận dụng lợi thế cảng biển để xây dựng nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistics hiện đại. Hải Phòng là địa phương duy nhất trên cả nước tăng trưởng liên tiếp ở mức 2 con số trong suốt 10 năm trở lại đây, phản ánh tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của Đảng bộ và nhân dân thành phố.
Sáng tạo trong quản trị chính trị - xã hội: Hải Phòng xây dựng mô hình “Chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân”. Hải Phòng đi đầu trong việc đổi mới mô hình quản lý hành chính theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; thực hiện chính sách “một cửa liên thông”, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Hội thảo khoa học “Xây dựng mô hình CNXH gắn với con người XHCN tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2025-2030 và những năm tiếp theo tổ chức tại Hà Nội ngày 21/5.
Sáng tạo trong phát triển văn hóa - giáo dục: Hải Phòng không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn kết hợp với hiện đại hóa, phát triển các không gian sáng tạo văn hóa, như Nhà hát lớn Hải Phòng, phố đi bộ Hồ Tam Bạc; khai thác du lịch văn hóa với các lễ hội truyền thống…
Sáng tạo trong hội nhập quốc tế: Hải Phòng Tận dụng tối đa các hiệp định thương mại để thu hút đầu tư nước ngoài. Thành phố xây dựng cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập trung vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Những sáng tạo này không chỉ giúp Hải Phòng trở thành một đô thị phát triển mạnh mẽ trong nước, mà còn tạo nền tảng vững chắc để thành phố tiếp tục vươn xa trong giai đoạn tới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
PGS. TS Tô Huy Rứa, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho rằng, thời gian qua, Hải Phòng có sự thay đổi toàn diện về tư duy, cách nghĩ, cách làm. Con đường phát triển thành phố Hải Phòng được hoạch định một cách khoa học, bài bản, căn cơ cùng với quyết tâm chính trị rất cao, tổ chức thực hiện quyết liệt, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về thể chế, hạ tầng giao thông, đô thị, nguồn nhân lực, tận dụng khá tốt các cơ hội phát triển nên Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số liên tục trong 10 năm (2014 - 2024). Chặng đường phát triển 25 năm qua của Hải Phòng có thể được khái quát theo sơ đồ logic sau: Tầm nhìn - Quy hoạch - Chiến lượng - Dự án - Thể chế - Thu hút đầu tư, thành tựu kinh tế - xã hội. Nếu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng 2 con số và nâng cao vai trò là trung tâm kết nối trong nước và quốc tế, địa phương này chắc chắn là một đầu tàu mạnh mẽ để cùng Hà Nội thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng, và cùng với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hình thành cỗ xe tam mã, kéo kinh tế - xã hội cả nước cùng phát triển.
Quang cảnh hội thảo.
Đầu tư an sinh xã hội đi trước một bước
PGS,TS Nguyễn An Ninh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, khác biệt lớn nhất của Hải Phòng thời kỳ đổi mới chính là phương châm: “Đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế”. Phát triển con người và giúp cho con người phát triển toàn diện, tự do chính là đặc trưng của CNXH. Có lẽ, Hải Phòng là địa phương đầu tiên nêu lên và giải quyết khá thành công phương châm đầy tính nhân văn và rất hiện đại này. Hải Phòng chưa phải là giàu có nhưng vững vàng với vai trò là “động lực tăng trưởng của vùng Bắc bộ”; Hải Phòng năng động, bản lĩnh sáng tạo, nội lực của Hải Phòng chính là yếu tố con người. Đặc thù nhân lực nơi đây là công nhân chiếm tỷ lệ cao so với cả nước (29% nhân lực); đến năm 2025, nếu Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ là địa phương về đích trước cả nước. Đó là một thành tích rất đáng tự hào.
Con người Hải Phòng từ truyền thống đến thời kỳ đổi mới có nhiều đặc điểm khiến người ta phải chú ý. Những yếu tố duy vật lịch sử mà Hải Phòng riêng có đang là tiền đề, bối cảnh cho những phẩm chất đặc biệt. Là thành phố công nghiệp, sớm tiếp cận với kinh tế thị trường, hội nhập với thị trường thế giới và nền “kinh tế biển”, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới,… thế hệ con người Hải Phòng thường có những phẩm chất: yêu quê hương đất nước, năng động và bản lĩnh, sáng tạo và tận tụy với sự nghiệp đổi mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong nhiều thời kỳ, nhất là trong đổi mới. “Cũng còn nhiều việc phải làm nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với 21 mô hình khá toàn diện trên các lĩnh vực, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Hải Phòng đã tạo ra một hoàn cảnh tích cực để xây dựng con người XHCN là chủ nhân của “Thành phố văn minh, hạnh phúc”. Có lẽ đây cũng là tác động tổng thể và đặc thù của miền đất “Hải tần phòng thủ” xưa và nay đang xây dựng một “nền kinh tế phát triển cao, thông minh, hội nhập sâu rộng”, PGS,TS Nguyễn An Ninh bày tỏ tin tưởng.
Bối cảnh mới, tầm nhìn mới
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XIII, thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sáp nhập, hợp nhất lấy tên là thành phố Hải Phòng, trung tâm hành chính đặt tại Hải Phòng, đang đặt ra cho Hải Phòng những cơ hội và thách thức mới trong xây dựng CNXH và con người XHCN trong kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc. Hải Phòng đặt ra tầm nhìn mới: Hình thành “trục phát triển công nghiệp - đô thị dịch vụ - logistics mạnh nhất miền Bắc: Hải Phòng giữ vai trò cửa ngõ biển, Hải Dương là trung tâm công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp công nghệ cao.
Con người Hải Phòng: Gan góc, kiên cường, dám nghĩ dám làm (truyền thống cách mạng, bám biển, bám cảng); có tính kỷ luật, năng động, phong cách “công nghiệp” hiện đại; văn hóa ứng xử có phần thẳng thắn, quyết liệt nhưng nghĩa tình và trung thành.
Con người Hải Dương: Trí tuệ, ham học, có nền tảng giáo dục - văn hóa lâu đời (quê hương nhiều danh nhân); cần cù, nhẫn nại, gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống và đạo lý gia đình; giao tiếp mềm mỏng, ứng xử linh hoạt, mang tính “trí trị”.
Hai hệ thống giá trị này tương hỗ cho nhau: Hải Phòng mạnh về hành động - bản lĩnh, Hải Dương mạnh về nền tảng văn hóa - trí tuệ. Nếu kết hợp hài hòa sẽ tạo nên con người XHCN vừa hiện đại, quyết đoán vừa uyển chuyển, có chiều sâu văn hóa.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, thời kỳ mới Hải Phòng cần làm rõ về mô hình để đảm bảo nỗ lực phấn đấu vượt trước; mô hình về văn hóa con người, đó là phát triển mạnh mẽ toàn diện về văn hóa con người Việt Nam, trong đó xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc phải bám trên nền tảng của bốn hệ giá trị đã được soạn thảo trong dự thảo văn kiện ĐH Đảng lần thứ XIV. Hệ giá trị quốc gia đó là hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc; Hệ giá trị văn hóa Việt Nam dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Hệ giá trị gia đình Việt Nam tiến bộ, văn minh, ấm no, hạnh phúc; Chuẩn mực con người Việt Nam là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Trên nền tảng đó, Hải Phòng sẽ xây dựng hệ giá trị của quê hương Hải Phòng, của con người Hải Phòng như thế nào trong tình hình mới. Đồng thời phải có các giải pháp, phương pháp thực hiện phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương để có thể nhân rộng ra cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí Thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu và Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản Hoàng Trung Dũng chủ trì hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản sẽ tiếp thu ý kiến của các lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học,... để tiếp tục hoàn thiện Đề án, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân thành phố, thảo luận trong đại hội đảng bộ các cấp trước khi trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng: "Việc xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng trong giai đoạn mới đòi hỏi phải được triển khai một cách quyết liệt với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thể Đảng bộ và nhân dân thành phố, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cơ quan Trung ương. Thành phố sẽ phát huy tối đa vai trò của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người dân Hải Phòng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Nguyễn Vân/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/hinh-thanh-co-xe-tam-ma-hai-phong-ha-noi-tphcm-post1201075.vov