Hình thành liên danh nhà thầu Việt, 'bắt tay' làm đường sắt tốc độ cao

Hình thành liên danh nhà thầu Việt, 'bắt tay' làm đường sắt tốc độ cao
3 giờ trướcBài gốc
Cuộc cách mạng làm "thay da, đổi thịt" các nhà thầu xây dựng
Phát biểu tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt" do Báo Giao thông tổ chức vào sáng nay (19/11), ông Hiệp cho biết, tại dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam, khối lượng xây lắp rất lớn, chiếm đến hơn 33 tỷ USD.
Tại Việt Nam chưa từng thực hiện một dự án nào có vốn và quy mô lớn như vậy.
Toàn cảnh tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt".
"Đây là cuộc cách mạng, thay da đổi thịt đối với các nhà thầu xây dựng. Tuy dự án không quá khó về mặt công nghệ nhưng quy mô rất lớn. Các nhà thầu Việt Nam cần ý thức đây là một trận địa công nghệ mới, cần học hỏi, tiếp thu các kiến thức tiên tiến nhất", ông Hiệp nói.
Về mặt chính sách, ông Hiệp băn khoăn, theo Luật Đấu thầu, khi lựa chọn nhà thầu có căn cứ xác định năng lực nhà thầu phải từng thực hiện 1-2 công trình ở mức độ quy mô tương đương.
Tuy nhiên, ĐSTĐC là công trình đầu tiên tại Việt Nam. Nếu xét theo tiêu chí này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó tham gia đấu thầu.
Đại tá Phan Phú, Tổng giám đốc Công ty 319 - Bộ Quốc phòng: "Đối với thiết bị công nghệ, chúng ta có thể dùng vốn đầu tư ngay nhưng nhân lực thì không thể ngày một ngày hai. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.Hiện nay, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp giao thông trong nước là điều chúng tôi rất trăn trở. Chúng tôi mong rằng, đứng trước cơ hội thị trường xây lắp vô cùng lớn từ dự án ĐSTĐC, các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt tay nhau thay vì triệt tiêu. Chỉ có hợp tác là cơ hội duy nhất để tham gia sâu vào dự án."
Như thời điểm làm công trình tòa nhà Landmark 81 ở Sài Gòn của Vincom cách đây 7-8 năm, lúc đó chưa có nhà thầu nào tại Việt Nam đạt tiêu chí đã từng thực hiện tòa nhà 80 tầng. Tuy nhiên, Vincom vẫn quyết định chọn Coteccons nhờ đánh giá năng lực nhà thầu này có thể đảm đương được và quả thật dự án vẫn thành công.
"Do vậy, cơ quan quản lý cần xem xét lại cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt phát huy khả năng của mình", ông Hiệp nói và cho biết, tới đây Hiệp hội sẽ tổ chức họp giữa các nhà thầu hàng đầu Việt Nam để cùng thảo luận và kiến nghị về cơ chế, trong đó đề xuất kinh nghiệm nhà thầu sẽ là một trong những tiêu chí để lựa chọn nhà thầu tham gia dự án.
Đồng quan điểm nhà thầu Việt có thể đảm nhận thi công xây lắp cũng như các hợp phần khác, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, đây là cơ hội rất lớn với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt sẽ phải trải qua nhiều thách thức về công nghệ, kỹ thuật.
Liên danh, liên kết để không thua trên chính sân nhà
Hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của các doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng lưu ý, tính liên kết và hợp tác để phát triển của các doanh nghiệp Việt rất yếu.
Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp Việt cần liên kết và hợp tác để phát triển, tăng năng lực tham gia dự án (Ảnh: Tạ Hải).
Nếu doanh nghiệp Việt không chủ động hợp tác để đầu tư công nghệ đón đầu thì tới lúc gói thầu mở ra sẽ rất khó thắng.
"Nếu doanh nghiệp Việt không liên kết và không tự đầu tư công nghệ, sẽ thua trên chính sân nhà. Về chính sách vĩ mô đã được chuẩn bị kỹ, tất nhiên chưa lường được hết những vấn đề phát sinh, nhưng tôi nghĩ sẽ ổn với đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, năng lực, quyết tâm đóng góp cho đất nước, chúng ta có thể xử lý, trước hết về thi công cơ sở hạ tầng", ông Kiên nói.
Thống nhất cao với quan điểm nhìn nhận năng lực nhà thầu của ông Kiên và ông Hiệp, đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chia sẻ: Đây là cơ hội rất lớn của các nhà thầu Việt. Nếu không chuẩn bị kỹ, doanh nghiệp Việt thua ngay trên sân nhà.
Hiện nay thiết bị nhà thầu Việt đáp ứng yêu cầu, nhưng khi làm hạng mục công trình ĐSTĐC đòi hỏi công nghệ mới hơn và kỷ luật hơn, đặc biệt là tính chính xác của máy móc.
Ngoài cố gắng doanh nghiệp cần có sự phối hợp với nhau giữa các doanh nghiệp. Thời gian qua, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 phát huy rất tốt điều này, đây là điểm sáng. Trước đây doanh nghiệp xây lắp thường cạnh tranh, nhưng gần đây có hỗ trợ tương tác tốt, cần phát huy yếu tố này khi thực hiện ĐSTĐC và hệ thống đường sắt khác.
Thông tin về tính chất kĩ thuật phức tạp, đặc thù của đường sắt tốc độ cao, ông Đào Ngọc Vinh, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi) cho biết, hệ thống đường sắt khác đường bộ ở chỗ có tính phức tạp cao hơn và làm việc theo hệ thống, bao gồm nhiều bộ phận cấu thành như hạ tầng, thông tin tín hiệu, thiết bị, cấp điện…
"Việc thi công đường sắt tốc độ cao đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, không được phép sai số, nếu không thì sẽ trở thành vấn đề lớn về an toàn", ông Vinh nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tedi cũng khẳng định: Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không làm được vì các doanh nghiệp xây lắp hiện nay đã làm nhiều công trình phức tạp như cầu vòm, dây văng đặc biệt lớn, hết sức phức tạp.
Đối với dự án quy mô đặc biệt lớn, tính chất kĩ thuật phức tạp như vậy, ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) cho rằng, để chuẩn bị dự án ĐSTĐC cần quan tâm đến nguồn lực và thiết bị.
Về nguồn lực, theo ông Phương, Việt Nam đang xuất khẩu lao động rất lớn, vậy tại sao không nhập khẩu lao động chất lượng cao, từ công tác quản lý, kỹ sư vận hành thiết bị, công nhân, tạo các liên danh với nước ngoài để sẵn sàng tham gia dự án.
Ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt (RCC) đặt vấn đề cần tính tới phương án nhập khẩu nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Tạ Hải).
Về hệ thống pháp lý, cần tham khảo quy trình pháp lý để thực hiện dự án ĐSTĐC của các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản. Các doanh nghiệp khi tìm hiểu được cần chia sẻ thông tin với nhau, từ đó hình thành liên danh giữa các nhà thầu Việt.
Ngay bây giờ, cần hướng tới nhóm cùng nghiên cứu và phân chia công việc theo thế mạnh từng đơn vị, doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Việt cần tập trung vào thế mạnh của mình để đầu tư chuẩn bị, đi tắt đón đầu và tạo nên sự đồng nhất, đồng bộ giữa các nhà thầu tham gia, công tác chuẩn bị cũng như doanh nghiệp phụ trợ.
"Đây là sản phẩm quốc gia xứng đáng để bỏ tâm huyết vào", ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, ĐSTĐC là xương sống, cùng đó là các tuyến đường sắt mới theo quy hoạch trong 30-50 năm nữa. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị ngay từ bây giờ và trọng tâm đáp ứng những yêu cầu của Nhà nước.
Một trong những giải pháp là liên danh, nhập khẩu nhân lực, công nghệ nước ngoài. Ở Việt Nam, Vinfast là tấm gương. Họ làm được, các doanh nghiệp giao thông cũng có thể làm.
Kỳ Nam
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/hinh-thanh-lien-danh-nha-thau-viet-bat-tay-lam-duong-sat-toc-do-cao-192241119182332829.htm