Hình thành thói quen tìm hiểu pháp luật cho học sinh miền núi

Hình thành thói quen tìm hiểu pháp luật cho học sinh miền núi
4 giờ trướcBài gốc
Một tiểu phẩm tuyên truyền bài trừ nạn mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào DTTS của các em học sinh. Ảnh: NGÔ XUÂN
Nhiều nội dung ý nghĩa
Tham gia hội thi truyền thông “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; phòng, chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong học sinh”, học sinh được tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật đối với người dưới 18 tuổi; phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền về trật tự ATGT; phòng chống cháy nổ; kỹ năng phòng chống tội phạm ma túy, bạo lực học đường, bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội…
Tại hội thi, mỗi đội trải qua 3 phần thi: khởi động (giới thiệu đội thi theo chủ đề), vượt chướng ngại vật (thi trắc nghiệm và xử lý tình huống tìm hiểu pháp luật) và về đích (hình thức tiểu phẩm, sân khấu hóa). Mỗi phần thi đều được các bạn học sinh chuẩn bị nội dung kiến thức phong phú; dàn dựng công phu nhằm truyền tải nhiều thông điệp đến với người xem.
Tiêu biểu, tiểu phẩm “Tảo hôn và bi kịch” của Trường THPT Tôn Đức Thắng kể về câu chuyện của Hờ Ái, bị mẹ ép gả cho anh họ là Y Sinh khi cả hai đều chưa đủ tuổi. Sau khi cưới vợ, Y Sinh vẫn ham chơi, lười làm, lại thường xuyên đánh đập vợ con. Hậu quả, Y Sinh lỡ tay đánh chết con ruột của mình, phải đi tù. Đây là cái kết đau lòng của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, khi việc này vẫn còn tồn tại ở một số khu vực vùng đồng bào DTTS.
Trong khi đó, câu chuyện “Bi kịch của những kênh bạc thời @” của Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt kể về câu chuyện của Hờ Trinh, một cô học sinh chăm ngoan, học giỏi, nhưng vì đua đòi theo bạn bè mà sa vào đường dây đánh bạc online. Trinh rủ rê, lôi kéo nhiều bạn bè vào đường dây này, để rồi cả nhóm đều vướng vào cảnh vay nóng, nợ nần… Từ một học sinh ngoan hiền, Trinh đánh mất tương lai tươi sáng, thậm chí vướng vào vòng lao lý. Câu chuyện như một lời cảnh tỉnh cho các bạn trẻ: tuổi trẻ có thể mắc sai lầm, nhưng không phải sai lầm nào cũng có thể sửa chữa được...
Hình thành thói quen tìm hiểu pháp luật
Em Huỳnh Diễm Hương, học sinh lớp 12C2, Trường THPT Nguyễn Du cho biết: Trước đây, em cũng đã được tiếp cận với một số kiến thức pháp luật được lồng ghép trong các chương trình học chính khóa, ngoại khóa. Khi tham gia hội thi tìm hiểu pháp luật, với những tình huống cụ thể, chúng em mới có sự tìm hiểu, phân tích một cách chủ động hơn; việc áp dụng các kiến thức pháp luật cũng trở nên thực tế và dễ hiểu hơn. Nhờ vậy, em đã hình thành được thói quen tra cứu, tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan trong cuộc sống của mình. Khi hiểu biết pháp luật, em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.
Thượng tá Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh cho biết: Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật vẫn còn tồn tại; đặc biệt xuất hiện một số vụ thanh thiếu niên, học sinh tham gia vào các vụ án hình sự nghiêm trọng. Nhiều bạn trẻ chưa có ý thức tự bảo vệ mình, rất dễ bị bạn xấu lôi kéo, rủ rê… Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, công nghệ thông tin cũng tác động, gây nguy cơ vi phạm pháp luật nếu học sinh sử dụng không đúng cách. Do vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh là rất cần thiết. Cuộc thi góp phần thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT.
Theo bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật nhằm bồi dưỡng kỹ năng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật cho các em học sinh, qua đó giúp các em có thêm kỹ năng phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Hoạt động này cũng góp phần giữ gìn môi trường trường học lành mạnh, giảm tỉ lệ vi phạm pháp luật trong học sinh, thanh niên vùng đồng bào DTTS.
Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật nhằm bồi dưỡng kỹ năng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật cho các em học sinh. Qua đó hình thành kỹ năng phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội cho thanh thiếu niên. Hoạt động này cũng góp phần giữ gìn môi trường trường học lành mạnh, giảm tỉ lệ vi phạm pháp luật trong học sinh, thanh niên vùng đồng bào DTTS.
Bà Lê Thị Thanh Bích, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh
NGÔ XUÂN
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/141/321270/hinh-thanh-thoi-quen-tim-hieu-phap-luat-cho-hoc-sinh-mien-nui.html