Hình tượng 12 con giáp trong văn hóa Việt

Hình tượng 12 con giáp trong văn hóa Việt
5 giờ trướcBài gốc
“Việt hóa” quan niệm 12 con giáp
Trong văn hóa phương Đông, cứ mỗi năm âm lịch, người dân lại chào đón một con vật biểu tượng mới làm đại diện cho năm đó, được gọi là “con giáp”. Chu kỳ này quay vòng mỗi 12 năm, tương ứng với 12 con giáp. Đây là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia vùng Đông Á, trong đó có Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, nguồn gốc của lịch pháp 12 con giáp được cho là có liên quan đến sự sùng bái vật tổ của con người cổ đại từ thời nguyên thủy. Ngoài ra, con giáp xuất phát từ quan niệm Thiên can, Địa chi và Nhị thập bát tú của người Trung Quốc cổ xưa; 12 con vật trong 12 con giáp biểu tượng cho 12 địa chi, vốn là tên của các chòm sao trên trời.
Hình tượng rắn trong triển lãm “12 con giáp” của họa sĩ Đặng Việt Linh. Ảnh: T.Toàn
Theo TS Phạm Thanh Tịnh - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), người Việt hay người Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sử dụng yếu tố vay mượn từ văn hóa Trung Hoa nhưng mỗi dân tộc lại “cải biến” nó theo tâm thức của mình. Trong từ Hán Việt, “con giáp” hay “sinh tiếu”, thì chữ “sinh” chỉ năm sinh của con người; “tiếu” tức chỉ sự giống nhau, đồng dạng tương tự giữa con người và động vật. Người Việt gọi “sinh tiếu” là “cầm tinh” (cầm: cầm giữ, tinh: tinh con vật), đây là cách diễn nôm dựa trên hai chữ “tinh cầm” nguyên bản của Trung Quốc. Đồng thời, người Việt cũng cho rằng, con người sinh vào năm nào thì có tính cách, số mệnh của con giáp năm đó.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, phong tục sử dụng Thiên can, Địa chi để tính thời gian là một sản vật trong tiến trình phát triển văn hóa. Cách làm này không những sinh động dễ nhớ và hợp lý, cho nên ngay từ khi mới xuất hiện, loại hình “lịch các con vật” không chỉ được người xưa mau chóng tiếp nhận mà đến hôm nay vẫn được dân chúng ưa chuộng.
Đối với người Việt, dù hiện tại đang sử dụng dương lịch, nhưng lịch 12 con giáp vẫn được dùng để phục vụ cho nhiều việc quan trọng như tính tuổi, xem ngày tháng tốt để làm những việc lớn như cưới hỏi, làm nhà, khai trương... Do đó, hệ thống 12 con giáp là một di sản văn hóa phi vật thể lâu đời, cần được bảo tồn, gìn giữ trong quá trình hội nhập hiện nay.
Đứng ở góc độ người nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật, PGS.TS Trần Thị Biển cho rằng, tất cả những con vật trong 12 con giáp đều được người Việt đặt ra những ý nghĩa biểu tượng về tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện mong ước về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc của một năm. Bà Biển dẫn chứng, đối với con chuột, người Việt sử dụng như một biểu tượng của sự thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát; con trâu gắn liền với nền văn minh lúa nước và đi liền với những phẩm hạnh siêng năng, bền bỉ và kiên định. Trong khi đó, con hổ được cho là biểu tượng cho sức mạnh, uy quyền, cho sự bảo hộ nhằm mang lại sự bình yên cho mọi người…
“Đặc biệt, tất cả những con vật trong hệ thống 12 con giáp đều đã được người Việt đưa vào trong văn hóa - nghệ thuật để phục vụ cho đời sống tinh thần của mình. Trong bức tranh dân gian Đông Hồ thế kỷ XVII “Đám cưới chuột”, hình tượng mèo và chuột nói lên thực trạng đời sống xã hội đương thời, phê phán sự nhiễu nhương và cả những sự bấp bênh, mâu thuẫn trong xã hội”, bà Biển nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thị Biển cho hay, hình tượng con trâu, con hổ cũng được đề cập rất nhiều trong các đồ án trang trí truyền thống. Trâu còn xuất hiện trong cả những di sản văn hóa phi vật thể, đó là lễ hội chọi trâu, ở đó người ta tôn kính gọi là những “ông trâu”. Hình tượng ngựa cũng xuất hiện rất nhiều trong đời sống văn hóa của người Việt: Ngựa được chạm trên gỗ, trên đá; ngựa là vật thiêng, xuất hiện rất nhiều trong lăng mộ, đền miếu với những bức tượng đăng đối chầu hai bên, ngựa là vật cưỡi của Phật trong Phật giáo, ngựa xuất hiện trong đồ hàng mã để cúng tế…
Đối với con rồng, PGS.TS Trần Thị Biển nhấn mạnh rằng, dù đây là con vật không có thật nhưng lại là con vật thiêng và “hằng xuyên” nằm trong các đồ án trang trí trong đời sống văn hóa - nghệ thuật dân gian. “Từ thời Lý, khi chúng ta giành được độc lập, tự chủ, hình tượng rồng bắt đầu xuất hiện với sự Việt hóa”, bà Biển nhận định.
Theo phân tích của PGS.TS Trần Thị Biển, biến thể tạo hình rồng các giai đoạn sau thời Lý đều gắn với đời sống xã hội thần quyền của từng thời kỳ. Nghệ thuật tạo hình rồng từ ảnh hưởng của Phật giáo đến phản ánh sức mạnh, quyền lực của vương quyền xuyên suốt trong các trang trí nghệ thuật của người Việt đến tận thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, ngay từ thế kỷ XVI, khi chùa làng đã lan đến đời sống làng xã, hình tượng rồng đã bớt đi tính thiêng, bớt đi tính vương quyền để gần gũi hơn với người dân.
“Điều đó cho thấy biểu tượng rồng của người Việt khác với rồng ở Trung Hoa và các nước khác. Người Việt sử dụng biểu tượng rồng để hoan ca vẻ đẹp của cuộc sống, hoan ca cái đẹp tinh thần của con người và gửi gắm những ước vọng tình yêu quê hương đất nước và cả tình yêu đôi lứa. Biểu tượng rồng Việt đã trở thành yếu tố vừa thiêng, vừa thực”, PGS.TS Trần Thị Biển đánh giá.
Tương tự, với các con vật khác trong 12 con giáp, PGS.TS Trần Thị Biển cũng cho rằng, người Việt đã chuyển hóa, đưa chúng vào trong văn hóa, nghệ thuật với rất nhiều lớp ý nghĩa mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Rắn - con vật vừa thiêng vừa gần gũi
Về con vật đại diện của năm Ất Tỵ 2025 - con rắn, theo PGS.TS Trần Thị Biển, trong tâm lý con người ít nhiều có sự ác cảm bởi họ cho rằng rắn là con vật có độc và không mấy thân thiện. Tuy nhiên, cũng như các con vật khác trong 12 con giáp, người Việt thường khai thác những yếu tố tiêu biểu, tốt đẹp từ con vật với ước vọng một năm mới bình yên, hoan hỉ, may mắn. Vì vậy, con rắn được đề cao ý nghĩa về sức mạnh, trường tồn hay sự hy sinh. Trong văn hóa dân gian, hình tượng rắn xuất hiện trong truyền thuyết ở nhiều nơi trong vùng đồng bằng Bắc Bộ với hình tượng nhân vật ông Cộc, ông Dài giúp dân đắp đê chống lụt hay hình tượng thanh xà, bạch xà trong các đền, miếu, phủ…
Tranh lợn trong bộ tranh “12 con giáp”, chất liệu giấy dó của họa sĩ Đặng Việt Linh. Ảnh: T.Toàn
“Rắn gần gũi với con người nhưng người Việt đã làm cho nó thiêng hơn khi đưa nó vào đời sống văn hóa tín ngưỡng. Đồng thời, rắn cũng mang những biểu tượng chúc cho con người có được những điều tốt đẹp cũng như mong đợi những thế hệ sau có được sự phát triển, trường tồn”, bà Biển nói.
Trao đổi với Báo Nhà báo và Công luận, PGS.TS Trần Thị Biển cho biết, trong đợt điền dã hồi tháng 4/2024, nhóm nghiên cứu phát hiện tại đình Khê Tang (Thanh Oai, Hà Nội) một bức phù điêu tạc hình chàng trai đóng khố khoác trên vai một con rắn lớn. So với mô típ thông thường của sự tích “mả táng hàm rồng” giải thích gốc tích của Đinh Bộ Lĩnh, chàng trai thay vì cầm quan tài cha mình đút vào miệng rồng như thường thấy, thì ở đây lại nâng trên tay hai chữ “trường sinh”. Điều này cho thấy, biểu tượng sự trường sinh của con rắn trong tâm thức người Việt rất gần với biểu tượng về sự tái sinh của con rắn trong quan niệm của người phương Tây.
“Trong 12 con giáp thì con vật nào cũng có những ưu điểm và những hạn chế, nhưng khi nghệ thuật hóa nó thì người Việt luôn khuếch trương vẻ đẹp cũng như nhìn vào những đức tính, những khía cạnh tốt của con vật đó. Qua nghiên cứu từ nghệ thuật truyền thống đến đương đại, chúng tôi thấy rằng ứng dụng từ 12 con giáp luôn luôn được sử dụng trong cuộc sống. Chẳng hạn như năm Ất Tỵ tới đây, có rất nhiều biểu tượng trang trí không gian sống mang hình tượng rắn được sử dụng với nhiều cách nhìn khác nhau. Đó chính là tính ứng dụng của nghệ thuật, được kết nối giữa truyền thống và đương đại”, PGS.TS Trần Thị Biển chia sẻ.
Thế Vũ
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/hinh-tuong-12-con-giap-trong-van-hoa-viet-post330632.html