Hình tượng 'Bộ đội Cụ Hồ' - mạch nguồn sáng tạo chảy mãi

Hình tượng 'Bộ đội Cụ Hồ' - mạch nguồn sáng tạo chảy mãi
5 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được khắc họa sinh động, đa chiều, trên nhiều mặt, từ chiến đấu, công tác đến lao động sản xuất.
Bội thu tác phẩm về Bộ đội Cụ Hồ
Nổi bật trong số những tác phẩm về người lính mới được sản xuất và phát sóng trong những ngày gần đây phải kể đến bộ phim “Không thời gian”. Đây cũng là một trong số ít phim truyền hình có quy mô lớn về Quân đội nhân dân Việt Nam, quy tụ đội ngũ sáng tạo hùng hậu, trong đó có rất nhiều tên tuổi như đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, cùng các diễn viên nhiều thế hệ như NSND Quốc Trị, NSND Trung Anh, NSND Như Quỳnh, Mạnh Trường, Chí Nhân…
“Không thời gian” - Phim truyền hình về Bộ đội Cụ Hồ đang thu hút khán giả.
“Không thời gian” khắc họa sinh động chân dung Bộ đội Cụ Hồ qua nhiều thời kỳ, từ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến thời bình. Cùng với câu chuyện về Trung tá Lê Nguyên Đại (diễn viên Mạnh Trường thủ vai) và các đồng đội, bộ phim mang đến bức tranh sinh động về sự nối tiếp truyền thống, cống hiến của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiều hình ảnh trong phim chân thực và gần gũi đến mức khiến người xem ngỡ ngàng như chuyện những người lính không tiếc tính mạng bảo vệ người dân trước thiên tai, dịch bệnh và gần nhất là trong đợt bão lũ vừa qua. Người lính trong chiến tranh cũng được khắc họa với những câu chuyện đầy xúc động và bi tráng. Ở đó, giữa chiến trường khốc liệt, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu, tình người vẫn luôn ngời sáng. Giữa đau thương, họ vẫn chưa bao giờ thôi hy vọng.
Cùng với “Không thời gian”, những ngày này, khán giả truyền hình còn có rất nhiều bộ phim về người lính. Trong đó, phim truyện “Bình minh đỏ” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và Trần Chí Thành là câu chuyện đầy xúc động về trung đội nữ lái xe đầu tiên trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Khán giả yêu thích phim tài liệu có dịp xem “Cha con người lính” - một bộ phim được ê kíp thực hiện đã dành rất nhiều tâm huyết. Tác phẩm phác thảo nên bức tranh về truyền thống lịch sử quân sự của Việt Nam từ năm 1944-2024 thông qua những ký ức, những câu chuyện của những gia đình quân nhân: Gia đình những vị tướng tham mưu cấp cao, gia đình của những vị tướng, chỉ huy quân sự trực tiếp tại chiến trường, gia đình của những người lính Bộ đội Cụ Hồ trong thời điểm hiện tại, những gia đình quân nhân tiêu biểu của cả hai miền Nam - Bắc.
Ở đó, câu chuyện về những gia đình “Cha con người lính” là biểu tượng cho một gia đình lớn - dân tộc Việt Nam - với truyền thống yêu nước hào hùng. Phim tài liệu “Sống trong lòng dân” cho thấy bản sắc và sứ mệnh thiêng liêng của Quân đội nhân dân Việt Nam, luôn kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh. Rất nhiều phim tài liệu khác về mảng đề tài này cũng được giới thiệu đến khán giả truyền hình, khai thác nhiều cách tiếp cận khác nhau về Bộ đội Cụ Hồ: “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Vì họ là người lính”, “Ở lại Phong Châu”...
Trên nhiều lĩnh vực khác như sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh… Bộ đội Cụ Hồ tạo cảm hứng sáng tác cho rất nhiều tác phẩm. Trong đó, nhạc kịch “Khát vọng đỏ” là thành quả từ tâm huyết của hàng trăm nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, nhạc công của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Đây cũng là tác phẩm nhạc kịch thành công về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, người lính trong thời kỳ mới, hấp dẫn và lôi cuốn công chúng khán giả. Mới đây nhất, nhiều tác phẩm âm nhạc về người lính, lực lượng Quân đội nhân dân, đã đi cùng năm tháng, tiếp tục được chuyển tải đến công chúng qua phần thể hiện nhiều mới mẻ của hàng trăm nghệ sĩ trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm, trong chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” do Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an chỉ đạo tổ chức.
Các nghệ sĩ biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm trong chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành”.
Với nhiếp ảnh, năm 2024 cũng là một năm bội thu tác phẩm về người lính, về Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân và Quốc phòng toàn dân năm 2024 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì tổ chức đã thu hút trên 4.500 tác phẩm của 1.495 tác giả trên cả nước. Cuộc thi ảnh “Chân dung người chiến sĩ” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức có trên 3.300 tác phẩm tham dự.
Đáng chú ý, các tác phẩm đều cho thấy các tác giả đã thể hiện góc nhìn mới, sáng tạo, phản ánh toàn diện mọi mặt hoạt động của bộ đội ở mọi loại hình đơn vị: Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, công tác bảo đảm hậu cần - kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, công tác dân vận, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, đối ngoại quốc phòng... Nhiều tác phẩm ảnh vừa bảo đảm tính thời sự, vừa thể hiện được giá trị nghệ thuật và thông điệp rõ ràng về người lính, về lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
Biểu tượng truyền cảm hứng sáng tạo cho nhiều thế hệ
Thực tế, rất nhiều tác phẩm về Quân đội nhân dân Việt Nam được công bố vừa qua đã được ghi nhận bởi sự đầu tư công phu và giá trị nghệ thuật, khắc họa chân thực, sinh động hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Nhưng ý nghĩa hơn thế nữa là từ hoạt động sáng tạo này, đam mê sáng tác, niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của lực lượng Quân đội nhân dân anh hùng - đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu - tiếp tục được bồi đắp, không chỉ đối với cán bộ chiến sĩ mà còn với đông đảo văn nghệ sĩ, góp phần thắt chặt hơn, sâu sắc hơn tình quân dân vốn đã được khẳng định qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước.
Cảnh trong phim tài liệu “Cha con người lính”.
Như chia sẻ của Mạnh Trường - diễn viên thủ vai Trung tá Lê Nguyên Đại trong phim “Không thời gian” - và nhiều diễn viên trẻ khác thì chính những tháng ngày gian khổ, lặn lội nơi núi cao vùng sâu, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với các cán bộ chiến sĩ đã giúp họ thấu hiểu hơn về Bộ đội Cụ Hồ, trân trọng hơn những giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do mà thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để có được như ngày hôm nay. Ngay cả các diễn viên lão luyện như NSND Quốc Trị, NSND Trung Anh, NSND Như Quỳnh cũng không khỏi xúc động khi nhắc nhớ về tấm lòng, tình cảm của những người lính dành cho nghệ sĩ trong những ngày làm phim. Các nghệ sĩ đều cho rằng, chính trong quá trình này, họ hiểu hơn về những hy sinh vô bờ bến của Quân đội nhân dân Việt Nam, về Bộ đội Cụ Hồ, từ đó nỗ lực hơn, cống hiến nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn để có những vai diễn, tác phẩm nghệ thuật thành công, giá trị hơn nữa về mảng đề tài này.
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cũng cho hay, chính quá trình làm phim “Không thời gian” đã giúp ông tiếp cận, hiểu sâu hơn về một “lãnh địa” vốn khó tiếp cận đối với những người làm nghệ thuật ở ngoài lực lượng vũ trang như ông. Cùng với sự đồng hành tích cực của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình sáng tạo các tác phẩm, sự gắn kết, thấu hiểu giữa đội ngũ sáng tạo nghệ thuật với lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ ngày càng sâu sắc hơn.
Không chỉ các cán bộ, chiến sĩ mà ngay cả những người làm nghệ thuật cũng kỳ vọng, mong muốn có dịp làm thêm nhiều tác phẩm về người lính - những tác phẩm vốn đã đem lại nhiều cảm xúc cho khán giả xưa nay, với rất nhiều câu chuyện về sự hy sinh, lòng dũng cảm và phẩm chất người lính, về những chiến công của lực lượng Quân đội nhân dân qua các thời kỳ. Nếu chiến tranh khốc liệt là câu chuyện về người lính can trường, chiến đấu, hy sinh gian khổ dưới mưa bom bão đạn thì trong thời bình, Bộ đội Cụ Hồ vẫn không ngừng nghỉ cống hiến, hy sinh khi đối phó với nhiều cuộc chiến khác, đó là thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn cứu hộ… Nhưng dù là tác phẩm về thời kỳ nào thì cuối cùng vẫn hướng đến khắc họa hình mẫu lý tưởng về người lính đầy tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nhân dân, gìn giữ độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Về vấn đề này, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cho rằng, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là kết tinh phẩm chất cao quý của người lính: Dũng cảm, hy sinh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Hình tượng Bộ đội Cụ Hồ còn là biểu tượng của lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn cao cả; tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa quân với dân, khát vọng độc lập - tự do. Hình mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là nền tảng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đây chính là đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận để các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật gắn liền với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần làm giàu thêm dòng chủ lưu của văn nghệ cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm vào nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Minh Hà
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hinh-tuong-bo-doi-cu-ho-mach-nguon-sang-tao-chay-mai-i754200/