Cô giáo và học sinh vùng cao ở thôn Bản Cuôn, xã Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn).
Từ ngàn xưa, hình ảnh người thầy đã được nhắc đến nhiều trong những câu ca dao, tục ngữ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Mồng Một Tết cha, mồng Hai Tết mẹ, mồng Ba Tết thầy”; “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Điều đó cho thấy, dù ở giai đoạn nào, vai trò của nhà giáo cũng được đề cao, coi người thầy là một trong những nhân tố quan trọng, có tầm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của mỗi người.
Trong các tác phẩm văn học, người giáo viên luôn gần gũi và bình dị. Các văn nghệ sĩ đã có nhiều góc nhìn đa chiều, sáng tạo và đưa đến người đọc những bài thơ, truyện ngắn với nhiều thông điệp khác nhau về thầy cô. Với tỉnh Bắc Kạn, nếu ngược về nhiều năm trước đây, những tác phẩm viết về giáo viên hầu hết là văn học dành cho thiếu nhi. Những năm tháng khó khăn, vất vả và đói nghèo, thầy cô giáo đến lớp nước mắt rơi trên trang giáo án vì thương học trò:
“Cô giáo ơi, đời em tội nghiệp
Em chỉ muốn được làm trò ngoan
Bạn bè ơi, xin cho ghé bên hiên
Đừng đóng kín cửa vào bạn nhé"
(Em muốn học- Nhà văn Triệu Kim Văn)
Giáo viên vùng cao, vượt chặng đường khó mang con chữ đến lớp học, những ngày mưa bão, bùn lầy có khi phải đi bộ, leo đồi. Có nhiều thầy cô ở lại luôn trên điểm trường, cùng học trò nấu rau rừng ăn qua bữa… Những vất vả ấy thầy cô luôn kiên cường vượt qua, yêu thương học sinh như đàn con nhỏ, vui cùng những nụ cười ngây thơ và đau lòng khi các em không còn nữa:
“Nửa đêm một cơn lũ quét
Cuốn phăng nhà bạn đi rồi
Hôm nay chỗ ngồi bỏ trống
Sân trường im vắng tiếng chim
Giờ toán cô lại trả bài
Điểm mười cô không vui nữa
Gọi tên cô cho vào sổ
Nước mắt đắng ở đầu môi.”
(Lớp học sau cơn lũ- Nhà văn Dương Khâu Luông)
Cùng với thời gian, hình ảnh nhà giáo trong văn học Bắc Kạn ngày càng phong phú hơn khi có những cây bút mới như các tác giả Tô Hường, Hà Sương Thu, Muồng Hoàng Yến. Trong đó các tác giả đưa đến bạn đọc những nỗi niềm, khó khăn, suy nghĩ và tình yêu nghề của giáo viên qua các câu thơ da diết như:
“...Nghĩ về học sinh tối nay ở bản làng...
Niềm hạnh phúc nhỏ bé dâng lên
Đêm bộn bề công việc
Con thơ bình yên gối đầu trong giáo án ngày mai”
(Mẹ là cô giáo- tác giả Nông Thị Tô Hường)
Tác giả Sương Thu, đã để lại ấn tượng đặc biệt với bạn đọc khi viết về thầy cô giáo trẻ không quản ngại gian khổ, hi sinh vì sự nghiệp “trồng người”. Tiêu biểu trong số đó là truyện ngắn "Trăng nơi đáy sông". Dẫn dắt độc giả là những lời tâm sự của cậu em trai cô giáo Hằng, ngay từ đầu truyện đã mang đến một khung cảnh huyền bí với các địa danh quen thuộc của hồ Ba Bể như: Động Puông, Pò Già Mải, Pé Lầm… Cô giáo xinh đẹp, trắng trẻo được mẹ yêu chiều lớn lên giữa vùng Hồ, sau khi học xong chuyên nghiệp, cô cùng 4 người bạn tình nguyện lên dạy học tại thôn vùng cao của Pác Nặm. Những năm tháng tuổi trẻ rạng rỡ, họ cùng nhau sinh sống, dạy chữ cho trẻ thơ, hòa đồng với dân bản. Thế nhưng, trong một trận lũ lớn, một người bạn trong nhóm bị bệnh nặng, cả 4 người còn lại đưa bạn qua sông cấp cứu, mưa to, sóng lớn đã khiến thuyền gặp tai nạn… và họ đã sống mãi với tuổi trẻ, với vùng núi và cả những ước mơ, hoài bão còn dang dở.
Tác giả Sương Thu tâm sự: "Bản thân tôi là một giáo viên dạy ở vùng cao, đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Yêu người yêu nghề cũng mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khó tả. Mỗi vùng đất đi qua, mỗi con người gặp gỡ đều để lại một dấu ấn. Từ những điều đó đã thôi thúc tôi cầm bút để ghi lại cảm xúc của mình".
Có thể thấy, hình tượng nhà giáo trong văn học Bắc Kạn luôn nhận được sự quan tâm của văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đề tài này chưa có sự đa dạng và phong phú trong nội dung. Không chỉ với chuyên ngành văn học, đề tài về thầy cô giáo và trường học cần có nhiều sáng tác hơn nữa để lan tỏa những thông điệp nhân văn, ý nghĩa cho bạn đọc gần xa./.
Bích Phượng