Hình ảnh minh họa trên máy tính về virus HMPV. Ảnh: VGC.
Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM ngày 7/1, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại thành phố năm 2024 ghi nhận số ca viêm đường hô hấp dao động 16.000 -18.000 ca mỗi tháng trong 8 tháng đầu năm.
Số ca bệnh gia tăng trong 3 tháng cuối năm khi thời tiết chuyển lạnh, nhưng không có biến động bất thường về số ca mắc hoặc tình trạng bệnh nặng tại các bệnh viện.
Virus HMPV đã lưu hành ở TP.HCM
Theo báo cáo từ chương trình nghiên cứu hợp tác giữa nhiều tổ chức y tế trong và ngoài nước, tác nhân gây viêm hô hấp chủ yếu là virus và vi khuẩn phổ biến.
Kết quả xét nghiệm 103 bệnh nhân viêm phổi cộng đồng (56 trẻ em và 47 người lớn) nhập viện từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho thấy các tác nhân gây bệnh hô hấp phổ là vi khuẩn H.influenzae, S.pneumoniae, virus cúm A, rhinovirus, RSV...
Virus HMPV (Human metapneumovirus) chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, với 12,5% trường hợp mắc ở trẻ em. Con số này thấp hơn so với các tác nhân gây viêm phổi cộng đồng kể trên.
Đặc biệt, trong đợt bùng phát viêm hô hấp ở trẻ em vào cuối năm 2023 tại TP.HCM, kết quả giám sát cũng ghi nhận tình trạng đa dạng tác nhân virus thường gặp, trong đó HMPV cũng được phát hiện với tỷ lệ 15%.
Tại Trung Quốc, các bệnh viện đang chứng kiến lượng bệnh nhân tăng cao tại các khu vực nhi khoa và cấp cứu trong bối cảnh gia tăng các bệnh lý hô hấp. Dù vậy, chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ lo ngại về việc số ca nhiễm HMPV gia tăng đột biến.
“Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường đạt đỉnh vào mùa đông. Năm nay bệnh ít nghiêm trọng hơn và lây lan với quy mô nhỏ hơn so với năm trước", Mao Ninh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đang theo dõi tình hình HMPV tại Trung Quốc. Đơn vị này cho rằng đợt bùng phát hiện tại không có dấu hiệu bất thường.
CDC cho biết hầu hết ca nhập viện tại Mỹ là do cúm A. Trong số 13.800 người được xét nghiệm bệnh lý hô hấp, chỉ 1,94% dương tính với HMPV. Tỷ lệ này thấp hơn đáng kể so với cúm (chiếm 18,71%) và COVID-19 (7,10%) trong cùng tuần.
Các quốc gia tăng cường giám sát
Dù chiếm tỷ lệ không cao, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân không chủ quan trước diễn biến tiềm ẩn của căn bệnh này. Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và các đơn vị y tế theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, sẵn sàng triển khai các hoạt động kiểm dịch tại sân bay và cảng biển theo chỉ đạo của Cục Y tế Dự phòng nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn nguy cơ lây lan.
Đồng thời, công tác giám sát dịch tễ trong nước vẫn được đẩy mạnh, bao gồm theo dõi số ca viêm hô hấp, viêm hô hấp cấp tính nặng nhập viện, giám sát các tác nhân gây bệnh và phát hiện kịp thời các chùm ca bệnh trong trường học, nhà máy hoặc cộng đồng để có biện pháp xử lý phù hợp.
Để đối phó với tình hình, Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc (CDC Trung Quốc) cũng đã triển khai một hệ thống giám sát cho bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân, dự báo sự gia tăng các ca nhiễm vào mùa đông và mùa xuân.
Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp nhiễm HMPV đầu tiên, chính quyền Ấn Độ đã ban hành các hướng dẫn - tương tự những hướng dẫn được áp dụng trong thời kỳ đại dịch Covid-19 - để đảm bảo sẵn sàng đối phó với những thách thức y tế tiềm tàng liên quan đến HMPV.
Virus Human metapneumovirus thuộc họ Pneumoviridae, được phát hiện lần đầu năm 2001, là một trong những tác nhân gây viêm đường hô hấp trên và dưới.
Bệnh có triệu chứng tương tự cảm lạnh thông thường, bao gồm ho, sốt, nghẹt mũi, sổ mũi, đau họng và khó thở. HMPV thường bùng phát vào mùa đông, trùng với thời điểm dịch cúm lên đến đỉnh điểm.
Theo các chuyên gia CDC Mỹ, hầu hết trẻ em đã từng nhiễm virus metapneumovirus ở người (HMPV) trước khi tròn 5 tuổi. Mỗi năm, khoảng 20.000 trẻ dưới 5 tuổi tại Mỹ phải nhập viện do biến chứng từ HMPV.
Hiện nay, chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu đối với HMPV. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của ngành y tế là rất cần thiết.
Kỳ Duyên