“Linh hoạt” sai quy định, ai bảo vệ đất rừng?
Đầu năm 2025, dư luận tại tỉnh Phú Yên xôn xao trước thông tin Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên (Công ty Bảo Châu) bị phát hiện sử dụng hàng chục hecta đất rừng sản xuất sai mục đích. Dù được UBND tỉnh cho thuê đất từ cuối năm 2013 để thực hiện dự án trồng rừng kinh tế tại khu vực Kiều Kiều, xã Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa, nhưng sau hơn 10 năm, thay vì rừng cây, trên nhiều diện tích lại là ruộng mía và rẫy sắn.
Như Báo Bảo vệ pháp luật đã có bài: "Biến tướng dự án trồng rừng", phản ánh việc Công ty TNHH MTV Bảo Châu (Công ty Bảo Châu) sử dụng hơn 18 ha đất rừng sản xuất để trồng sắn và mía trái quy định.
Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên đã chuyển 16,7ha đất được giao trồng rừng thành đất trồng sắn.
Cụ thể, theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện Công ty Bảo Châu đã tự ý chuyển đổi 18,25ha đất rừng sản xuất sau khai thác để trồng cây nông nghiệp. Cụ thể, diện tích này gồm 16,7ha trồng sắn và 1,55ha trồng mía – hành vi được kết luận là sai mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Tại buổi kiểm tra ngày 28/6/2024, ông Đặng Văn Cần - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo Châu cũng đã thừa nhận sai phạm. Ông Cần cho rằng doanh nghiệp chỉ tạm thời cho nhân viên trồng cây để “tăng thu nhập trong thời gian chờ đến mùa vụ trồng lại rừng”.
Tuy nhiên, lý do này không được chấp nhận bởi theo khoản 1 Điều 29 Nghị định 156/2018/NĐ-CP, đất rừng sau khai thác trắng phải được trồng lại ngay trong vụ kế tiếp hoặc để rừng tự tái sinh tự nhiên. Việc sử dụng đất rừng để trồng mía, sắn là vi phạm rõ ràng, đã được quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật lâm nghiệp.
Không chỉ vi phạm, hành vi của Công ty Bảo Châu còn kéo dài trong nhiều năm và đã nhiều lần bị cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu chấn chỉnh nhưng không thực hiện nghiêm túc. Theo báo cáo số 78/BC-UBND của UBND xã Sơn Xuân, kiểm tra tại hiện trường cho thấy có 3 khoảnh đất do công ty quản lý với tổng diện tích 18,25ha, trong đó có 7,03ha và 9,72ha trồng sắn, 1,55ha trồng mía. Tất cả đều thuộc quy hoạch rừng sản xuất đã được cho thuê để phục vụ trồng rừng.
Cần xử lý dứt điểm để bảo vệ rừng bền vững
Tháng 6/2024, UBND xã Sơn Xuân phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa kiểm tra thực địa và xác định tình trạng sử dụng sai mục đích đất rừng vẫn tồn tại. Trên cơ sở đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã ban hành văn bản số 982/CCKL-SDPTR yêu cầu Công ty Bảo Châu lập kế hoạch trồng lại rừng trong đầu năm 2024 và khẩn trương thực hiện. Tuy nhiên, đến tháng 4/2025, tình trạng không những chưa được khắc phục triệt để mà cây mía, cây sắn vẫn đang sinh trưởng tốt trên nhiều lô đất.
Cụ thể, tại lô đất 1,55ha, cây mía cao từ 1 - 2m, cây keo – loài cây được phê duyệt trồng rừng – chỉ trồng rải rác, chiều cao từ 30 - 40cm, mật độ dưới 10% so với thiết kế. Tại lô 7,0ha, cây keo đã được trồng đạt khoảng 80% mật độ, cây sắn bị chặt ngang thân nhưng chưa được thu hoạch.
Riêng lô 9,7ha có mật độ trồng keo đạt khoảng 2.000 cây/ha, được đánh giá là tương đối ổn định. Tuy nhiên, công tác trồng dặm bổ sung, chăm sóc rừng và thu hoạch cây nông nghiệp vẫn chưa được triển khai đầy đủ, đúng tiến độ như yêu cầu từ cơ quan chức năng.
Trước tình hình trên, ông Lê Văn Bé - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường giám sát, yêu cầu công ty khẩn trương thu hoạch mía, sắn và trồng bổ sung cây keo cho đảm bảo mật độ theo thiết kế. Trường hợp không thực hiện hoặc chậm khắc phục, Sở sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thực tế cho thấy, sai phạm của doanh nghiệp đã được kết luận rõ ràng, cơ sở pháp lý đã đầy đủ, nhưng công tác khắc phục vẫn trì trệ. Điều này đặt ra nghi vấn về tính hiệu quả trong giám sát, quản lý và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng địa phương. Nếu doanh nghiệp được “linh hoạt” sử dụng đất rừng trái phép trong thời gian dài mà không bị chế tài nghiêm khắc, nguy cơ rừng sản xuất bị “biến tướng” sẽ không còn là cá biệt.
Một số vị trí chỉ trồng rải rác cây keo, mật độ thấp hơn nhiều so với thiết kế.
Quan trọng hơn, việc ưu tiên trồng rừng, phục hồi tài nguyên rừng đã được Nhà nước quy hoạch, bố trí đất và giao cho doanh nghiệp triển khai là chủ trương lớn mang tính lâu dài. Nếu mỗi doanh nghiệp đều “tạm thời” trồng cây nông nghiệp vì lý do tăng thu nhập, ai sẽ đảm bảo hàng ngàn hecta đất rừng không bị xâm lấn, không bị đánh đổi?
Cây rừng không thể đợi mãi, trong khi cây mía, cây sắn vẫn sinh trưởng từng ngày. Những khuyến cáo, cảnh báo và biện pháp xử lý cần được cụ thể hóa bằng hành động quyết liệt, dứt điểm. Chỉ khi đó, mục tiêu phát triển rừng bền vững mới thực sự được thực hiện chứ không chỉ nằm trên giấy.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Xuân Nha - Quốc Hùng