Hồ Chí Minh với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam

Hồ Chí Minh với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam
một giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)
Nhà nước pháp quyền Việt Nam là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, bởi nhân dân có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Vị thế và tư cách là chủ của người dân được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946: “nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”.
Theo Hồ Chí Minh, “Tất cả quyền lực trong Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều thuộc về nhân dân”[1]. Nhân dân là người tổ chức nên các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông qua chế độ tổng tuyển cử phổ thông, trực tiếp. Cơ quan nhà nước là công cụ để thực hiện quyền của nhân dân; cán bộ, công chức nhà nước là người được nhân dân ủy quyền, trao quyền, đại diện cho nhân dân để gánh vác, giải quyết những công việc chung của đất nước. Nhà nước Việt Nam là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, cho nên: “mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra”[2]; việc điều hành hoạt động của Nhà nước phải dựa vào dân và luôn trung thành phục vụ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan nhà nước vận hành dựa trên nguyên tắc phối hợp hoạt động, nhằm mục tiêu: “Phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân”. Các cơ quan nhà nước phải nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tránh chồng chéo trong hoạt động lãnh đạo, điều hành. Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Nhà nước theo hướng tinh gọn, tránh cồng kềnh, quan liêu, lãng phí. Người chỉ rõ: “Từ các bộ, các ngành và các địa phương, bộ máy đều quá cồng kềnh và càng ngày càng phình ra. Vì vậy mà sinh ra quan liêu, lãng phí”[3].
Theo Người: “bộ máy cồng kềnh, nhiều giấy tờ, hình thức... từ cấp trên xuống cấp dưới, công việc chậm trễ, nhiều khi không ăn khớp. Chúng ta phải sửa chữa các khuyết điểm kể trên, coi trọng và thật sự kiện toàn chính quyền dân chủ nhân dân về các mặt công tác, tổ chức, cán bộ”[4]. Vì vậy, phải: “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”[5]. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của chính quyền ta và đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân. Đã phụng sự nhân dân thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”[6].
Đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và bộ máy chính quyền các cấp, Hồ Chí Minh chỉ đạo phải chọn lựa những cán bộ công chức, viên chức mẫn cán, “có tài, có đức”; “là người phục vụ thật trung thành của nhân dân”. Xuất phát từ điều kiện đất nước vừa thoát khỏi chế độ phong kiến nửa thuộc địa, còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giỏi cho nên phải tích cực vận động, kêu gọi những “người tài đức” ra giúp nước. Người nói: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”[7].
Mặt khác, muốn lựa chọn được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giỏi cần phải tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm vào ngạch bậc hành chính, bảo đảm có được đội ngũ cán bộ, công chức am hiểu pháp luật, thượng tôn pháp luật. Hồ Chí Minh định hướng chỉ đạo việc tổ chức thi tuyển, bổ nhiệm các bậc, ngạch công chức theo các tiêu chuẩn, yêu cầu về kiến thức chính trị, kinh tế, pháp luật, lịch sử, địa lý, ngoại ngữ... Người căn dặn, muốn xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời với việc nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức để nâng cao trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức; mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hành đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính; nêu cao tấm gương “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư!”.
Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã chỉ ra nguồn gốc phát sinh của những biểu hiện suy thoái, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước là “chủ nghĩa cá nhân”. Đó là thứ “giặc trong lòng”, “giặc nội xâm”; là “căn bệnh gốc” sinh ra các căn bệnh khác. Người chỉ rõ: “Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra bệnh quan liêu, kềnh càng, kiêu ngạo, chậm chạp. Làm cho qua chuyện. Ham chuộng hình thức”[8]. Chủ nghĩa cá nhân sinh ra tệ tham ô, lãng phí, ăn cắp của công, “lên mặt quan cách mạng”, bệnh bè phái, cục bộ địa phương, trưng diện hình thức, phô trương, lãng phí, làm cho bộ máy nhà nước hoạt động trì trệ, kém hiệu lực, hiệu quả.
Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức, quan liêu, hách dịch đối với nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức. Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật... Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”[9].
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước cùng với việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật, làm trong sạch bộ máy, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi công dân “từ Chủ tịch nước đến mỗi người dân phải thượng tôn pháp luật”; mọi công dân đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước Hiến pháp và pháp luật. Người nói: “Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”[10]. Đối với cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp: “phải gột rửa sạch những bệnh quan liêu, mệnh lệnh, hình thức. Phải luôn luôn đi sát với quần chúng. Phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính”[11]; phải thực hành dân chủ, “bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm…”[12]; phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, thói vô trách nhiệm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào.
Muốn giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, Nhà nước cần thiết và phải thực hiện chuyên chính. Người giải thích: “Chế độ nào cũng có chuyên chính. Vấn đề là ai chuyên chính với ai?... Như cái hòm đựng của cải thì phải có cái khóa. Nhà thì phải có cửa... Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại... Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”[13].
Đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta tập trung thực hiện thành công cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự là những cán bộ “có tâm, có tầm, có tài”, liêm khiết, tận tụy; tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, để ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2011, t.1, tr.19.
[2] Hồ Chí Minh: sđd, t.8, tr.507.
[3] Hồ Chí Minh: sđd,1, t.13, tr.314.
[4] Hồ Chí Minh: sđd, t.7, tr.391.
[5] Hồ Chí Minh: sđd, t.7, tr.164.
[6] Hồ Chí Minh: sđd, t.6, tr.432.
[7] Hồ Chí Minh: sđd, t.4, tr.114.
[8] Hồ Chí Minh: sđd, t.5, tr.624.
[9] Hồ Chí Minh: sđd, t.4, tr9.
[10] Hồ Chí Minh: sđd, t.9, tr.258.
[11] Hồ Chí Minh: sđd, t.6, tr.484.
[12] Hồ Chí Minh: sđd, t.5, tr.285.
[13] Hồ Chí Minh: sđd, t.10, tr.456-457.
PGS, TS TRẦN MINH TRƯỞNG Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ho-chi-minh-voi-viec-xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-viet-nam-post879528.html