Minh bạch từ truy xuất nguồn gốc hàng hóa để bước vào nhóm xuất khẩu có trách nhiệm
Theo Hiệp hội Dữ liệu quốc gia, hiện nay, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn đến từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, nền tảng truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu minh bạch của Hoa Kỳ mà còn trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp tránh bị áp thuế trung chuyển 40%.
Minh bạch từ truy xuất nguồn gốc hàng hóa để bước vào nhóm xuất khẩu có trách nhiệm (Ảnh: Bộ KH&CN)
Việc mỗi sản phẩm đều có mã số định danh và hồ sơ nguồn gốc số hóa giúp chứng minh rõ ràng rằng hàng hóa được sản xuất trong nước, không phải hàng đội lốt từ nước ngoài.
Ngoài ra, nền tảng còn mang lại những lợi ích lâu dài khác như: Chuẩn hóa quy trình đăng ký và xác thực sản phẩm, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; Nâng cao uy tín của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế nhờ khả năng truy xuất minh bạch và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế như GS1, FSMA (Hoa Kỳ). Đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng trong nước và quốc tế khỏi hàng giả, hàng nhái, cũng như hỗ trợ quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia dựa trên sự minh bạch và tin cậy trong chuỗi cung ứng.
“Nền tảng này còn đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế đang dịch chuyển mạnh mẽ sang các mô hình “thương mại có điều kiện” – nơi thông tin, nguồn gốc, tính minh bạch và bền vững của sản phẩm trở thành tiêu chí bắt buộc thay vì chỉ là ưu thế cạnh tranh”, đại diện Hiệp hội Dữ liệu quốc gia cho hay.
Việc chủ động phát triển một nền tảng truy xuất nguồn gốc mang tầm quốc gia không chỉ giúp Việt Nam ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc minh bạch hóa thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Trong dài hạn, nền tảng này có thể trở thành hạ tầng dữ liệu chiến lược, góp phần xây dựng hệ sinh thái thương mại thông minh nơi mọi sản phẩm đều có thể truy xuất nguồn gốc từ nông trại đến bàn ăn, từ nhà máy đến siêu thị, với độ tin cậy cao và khả năng kiểm tra tức thì.
“Đây chính là chìa khóa để Việt Nam tự tin bước vào nhóm các quốc gia xuất khẩu có trách nhiệm và minh bạch nhất thế giới”, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia nhấn mạnh.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, được đánh giá là bước đột phá quan trọng trong quản lý rủi ro và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mở ra nhiều cơ hội đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý.
Luật mới chuyển từ quản lý hành chính sang quản lý theo mức độ rủi ro. Việc luật hóa khái niệm “hộ chiếu số của sản phẩm” giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý dễ dàng truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm. Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc số không chỉ nâng cao tính minh bạch mà còn góp phần ngăn ngừa gian lận thương mại, tăng cường niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm trong nước.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Hoàng Phương
Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ cuối tháng 6/2025, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Hoàng Phương cho biết, trong cuộc chiến chống hàng giả, thay vì phải lần theo từng dấu vết thủ công đầy bất trắc, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể dựa vào mã QR trên sản phẩm để nhận diện sự thật. Đây không chỉ là phương thức kiểm tra, mà còn là công cụ làm rõ trách nhiệm, có thể lợi dụng.
“Nếu chúng ta xây dựng một hệ thống quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chúng ta có thể biết rõ cơ sở sản xuất nào đã sản xuất bao nhiêu sản phẩm, sản phẩm đó được chuyển đến đâu, đang có mặt tại siêu thị nào, hay ví dụ như thuốc men đang được lưu hành tại khu vực nào, ai là người vận chuyển sản phẩm đó. Từ đó, chúng ta có thể đối chiếu và xác định xem sản phẩm có phải là hàng giả hay không”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho hay.
Chống hàng giả bằng công nghệ: Không còn phải “lần dấu thủ công”
Theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, tại Việt Nam nỗ lực xây dựng công cụ truy xuất nguồn gốc bước đầu đã được ghi nhận ở một số ngành hàng như thịt, trứng, rau sạch ở TP.HCM và một số sản phẩm OCOP có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, các hệ thống hiện nay vẫn rời rạc, thiếu liên thông và chưa tạo thành một nền tảng dữ liệu đồng bộ, có thể tích hợp trên phạm vi toàn quốc. Đây chính là khoảng trống mà Bộ KH&CN muốn lấp đầy bằng một nền tảng truy xuất mang tính quốc gia.
“Bộ KH&CN đề xuất giải pháp sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Mỗi sản phẩm sẽ được gắn một mã QR code, và khi người dân hoặc doanh nghiệp quét mã này, họ có thể truy xuất các thông tin liên quan đến sản phẩm. Hệ thống này sẽ tạo thuận lợi lớn cho cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ sở sản xuất và người dân trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa. Trách nhiệm của từng đối tượng, như người vận chuyển, cũng sẽ được làm rõ, giúp việc truy xuất thông tin trở nên dễ dàng hơn”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương thông tin.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh, ngăn chăn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, một trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công an trong khuôn khổ Đề án 06 là phối hợp xây dựng nền tảng dữ liệu về xuất xứ hàng hóa.
“Hiện Bộ Công an đang triển khai xây dựng hệ thống này, dự kiến đưa vào vận hành thử nghiệm cuối năm nay, trước hết áp dụng với một số nhóm hàng hóa. Khi đi vào hoạt động, nền tảng sẽ giúp người dân truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần ngăn chặn gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhập lậu, đồng thời cung cấp dữ liệu phục vụ hoạch định chính sách”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long thông tin.
Trong một thị trường mà niềm tin quyết định sức sống của thương hiệu, truy xuất nguồn gốc chính là công cụ để xác lập lại trật tự, tạo ra sân chơi công bằng và trao quyền giám sát cho cả người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý. Khi được triển khai đúng cách, đó không chỉ là “lá chắn công nghệ” chống hàng giả – mà còn là nền tảng để định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Vân Anh/VOV.VN