Hồ chứa miền Trung 'no' nước trước bão, nhưng không thể xả quá tay

Hồ chứa miền Trung 'no' nước trước bão, nhưng không thể xả quá tay
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 8-11, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT cùng các bộ, đơn vị thành viên họp trực tuyến cùng các địa phương để triển khai nhiệm vụ và giải pháp ứng phó sớm với cơn bão số 7 (Yinxing).
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, bão số 7 đã vào Biển Đông và theo dự báo có thể giật tới cấp 15 hoặc hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp ứng phó cơn bão số 7, chiều 8-11
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo, thời điểm bão mạnh nhất là ngay vào chiều 8-11, nhưng theo nhận định thì sau đó bão có thể yếu dần.
Các chuyên gia dự báo, khoảng từ ngày 10 đến 11-11, bão sẽ bắt đầu tác động đến vùng biển Trung bộ. Dự kiến, vào ngày 13-11, khi bão tiến gần bờ, sẽ gặp không khí lạnh khô và nước biển lạnh, từ đó giảm cường độ và có thể chuyển thành áp thấp.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm thông tin về tình hình bão số 7 tại cuộc họp
Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cảnh báo các địa phương không thể chủ quan. Dù bão có giảm thành áp thấp, nhưng vẫn có thể tương tác với không khí lạnh, gây ra những nguy cơ nếu không cảnh giác.
Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay có sự khác biệt giữa các mô hình dự báo về đường đi, cường độ và thời gian bão đổ bộ. Tuy nhiên, cơ bản các mô hình đều chung nhận định rằng bão sẽ đổ bộ vào khu vực Trung Trung bộ, nơi vừa phải chịu ba đợt thiên tai liên tiếp trong 10 ngày qua. Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị đã chịu thiệt hại nặng nề và vẫn chưa thể khắc phục.
Ba đợt thiên tai vừa rồi gây mưa lụt rất lớn, người dân đã rất mệt mỏi. Trong đó, nhiều người dân vừa mới trở về nhà sau những đợt lũ, nếu bão đổ bộ trong ba ngày tới, bà con lại phải tiếp tục sơ tán
- Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong cơn bão số 6, ông không lo ngại về sự an toàn của hồ chứa vì mực nước còn thấp, chỉ đạt khoảng 30-40% dung tích. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều hồ chứa đã gần đầy, đạt bình quân khoảng 85% và một số đang phải xả tràn. Điều này khiến khả năng cắt lũ giảm và gây khó khăn cho việc điều tiết nước.
Thứ trưởng cũng lưu ý khu vực miền núi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã ngậm đủ nước lũ, chỉ cần một tác động nhỏ nữa là có thể xảy ra lũ quét hoặc sạt lở đất. “Tôi đề nghị các địa phương không được chủ quan”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Để ứng phó với cơn bão số 7, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công điện ngày 7-11 của Thủ tướng Chính phủ và những nội dung mà ông đã nêu ra tại cuộc họp này.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến tâm lý chủ quan hoặc mệt mỏi của người dân khi đã chống chịu những cơn bão lũ vừa qua.
Hiện tại, khi bão chưa vào và thời tiết còn thuận lợi, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tập trung nhân lực để khắc phục nhanh hậu quả của ba đợt mưa lũ vừa qua. Đồng thời, cần đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ chứa, tàu thuyền, khu vực nuôi trồng thủy sản…
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đã chỉ đạo Cục Thủy lợi, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai tiếp tục rà soát, tính toán vận hành hồ chứa sao cho hợp lý, đảm bảo cắt lũ hiệu quả mà không để xả quá tay, vì theo dự báo, sau mưa lũ thì miền Trung sẽ bước vào mùa khô hạn. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp các địa phương tính toán thật kỹ lưỡng, tránh những tác động không mong muốn.
VĂN PHÚC
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/ho-chua-mien-trung-no-nuoc-truoc-bao-nhung-khong-the-xa-qua-tay-post767460.html