'Họ đã cười khi được đi và khóc nơi mình đến'

'Họ đã cười khi được đi và khóc nơi mình đến'
12 giờ trướcBài gốc
Vượt hơn 4.200 km tri ânđồng đội
Một ngày giữa tháng 3, hơn 200 cựu chiến binh của Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 (nay là Quân đoàn 34) đã hành quân trở về chiến trường xưa dâng hương, dâng hoa tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Phát huy truyền thống tốt đẹp 8 chữ vàng: “Đoàn kết - Nghiêm túc - Dũng cảm - Chiến thắng”, nay trở lại đời thường, dù tuổi cao sức yếu, trên mình mang nhiều thương tích chiến tranh, bệnh tật nhưng với tấm lòng tri ân đồng đội, biết ơn các Anh hùng liệt sỹ, các cựu chiến binh đã vượt qua những khó khăn, quyết tâm trở lại chiến trường xưa, đặt chân đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên rồi tiến về TPHCM, tái hiện lại những bước chân hào hùng ra trận năm xưa.
Hơn 200 cựu chiến binh Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 dâng hoa báo công tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An)
“Thực hiện di nguyện của cố Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến, Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 đã xây dựng kế hoạch hành quân trở lại chiến trường xưa dâng hương, dâng hoa tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Thật bất ngờ khi thông tin được đăng tải lên mạng xã hội, đã có hơn 300 cựu chiến binh ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đăng ký tham gia. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, chỉ có hơn 200 cựu chiến binh tham gia hành trình, trong đó có tới 109 người là thương bệnh binh. Nhiều cựu chiến binh chống nạng thắp hương tri ân đồng đội, không cầm được nước mắt…”, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải - Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 Nghệ An Hà Tĩnh chia sẻ.
Các cựu chiến binh Sư đoàn 320 dâng hương, dâng hoa tri ân đồng đội mãi nằm lại ở chiến trường.
Xuất phát từ Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), trong hành trình xuyên suốt 14 ngày, các cựu chiến binh đã trở về nơi mà họ từng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu.
Đoàn cựu chiến binh Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 đã dâng hương, dâng hoa ở 28 điểm, trong đó có: Khu Di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn) và Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh) tỉnh Nghệ An; Nghĩa trang liệt sỹ huyện Cam Lộ và Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, tỉnh Quảng Trị; Khu tưởng niệm Eo Gió, huyện Ba Tơ; Nghĩa trang liệt sỹ huyện Ba Tơ; Nhà tưởng niệm liệt sỹ ở Giá Vực, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; Nhà tưởng niệm liệt sỹ Sư đoàn 10 - Quân đoàn 34; Nghĩa trang liệt sỹ TP. Kon Tum; Nghĩa trang liệt sỹ huyện Sa Thầy; Nhà tưởng niệm liệt sỹ Chư TanKra, huyện Sa Thầy; hai nhà bia di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trên điểm cao 1049 – 1015, huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum); Di tích lịch sử Chư Nghé, Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Cơ, Nhà bia di tích lịch sử Chiến thắng căn cứ Chư Bồ - Đức Cơ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai;…
Nhiều cựu chiến binh đã khóc khi thắp nén hương tri ân đồng đội.
“Đi qua sinh tử chiến tranh, có cuộc sống vinh quang ở thời bình nhưng những ký ức về đồng đội vẫn luôn là niềm đau đáu trong tâm tưởng các cựu chiến binh. Trên hành trình đoàn di chuyển liên tục 14 ngày với chặng đường dài hơn 4.200 km, qua nhiều địa phương với từng vùng miền khác nhau, nhiều điểm đến là điểm cao, địa hình rừng núi hiểm trở, thời tiết thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng các cựu chiến binh dù tuổi cao, chủ yếu trên 70 tuổi, người lớn nhất cũng đã 86 tuổi, mang trên mình nhiều thương tích chiến tranh, bệnh tật vẫn vượt qua mọi khó khăn để trở về với những 'địa chỉ đỏ', chính tay mình phủi bụi thời gian trên các bia mộ tìm tên đồng đội, thắp nén hương tri ân. Họ đã cười khi được đi và khóc nơi mình đến…”, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải tâm sự.
Vinh quang thuộc về các Anh hùng liệt sỹ
Chiến trường xưa, nay đã ẩn sâu sau 50 năm thay da đổi thịt, các cựu chiến binh tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn còn hằn trong ký ức nhiều kỷ niệm trận mạc một thời. Từ chiến trường B3 Tây Nguyên xuôi về duyên hải miền Trung, xe chạy thẳng vào chiến trường Nam Bộ. Tại căn cứ Đồng Dù - Củ Chi, trước đài bia tưởng niệm, hơn 200 cựu chiến binh cùng ôn lại trận oanh liệt của Sư đoàn 320 phối hợp các đơn vị đánh diệt Sư đoàn bộ binh 25 Ngụy, mở tung cánh cửa thép phía Tây Bắc Sài Gòn, góp phần quan trọng vào chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
Trong số hơn 200 cựu chiến binh tham gia hành trình, có tới 109 người là thương bệnh binh, mang trên người nhiều thương tích chiến tranh.
“Trong chuyến đi, đoàn đã có nhiều kỷ niệm đẹp. Tại Quảng Trị, Sư đoàn 968 đã cơ động cả một tiểu đoàn đi 'dã ngoại' để nhường chỗ cho các cựu chiến binh. Hay khi đến Kon Tum, đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã chủ động liên lạc với các cựu chiến binh, giao cho huyện Sa Thầy tổ chức đón đoàn, bố trí nơi ăn nghỉ.
Đặc biệt, huyện Sa Thầy là một huyện có nhiều khó khăn nhưng đã bố trí 64 xe 2 cầu đảm bảo chở 200 chiến binh lên điểm cao 1015 - 1049 dâng hương. Đây là sự huy động lượng xe lớn nhất từ trước tới nay. Ngoài ra, huyện còn bố trí cho đoàn hàng chục người ngủ lại tại điểm cao 1049. Trên điểm cao heo hút, khí hậu khắc nghiệt, những người lính già đã cùng ôn lại những ký ức hào hùng một thời…”, cựu chiến binh Lê Mạnh Hải bày tỏ.
Hành trình xuyên suốt 14 ngày, các cựu chiến binh đã trở về nơi mà họ từng sát cánh cùng đồng đội chiến đấu dâng hương, dâng hoa ở 28 điểm.
Dù là một tổ chức tự nguyện, nhưng các cựu chiến binh Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 vẫn phát huy truyền thống tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ, có nhiều hoạt động đầy tình đồng chí, đồng đội. Điển hình như: Gặp mặt truyền thống ôn lại kỷ niệm chiến trường; Thăm hỏi, giúp đỡ động viên các cựu chiến binh đang gặp khó khăn; Giúp đỡ các cựu chiến binh làm thủ tục hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước khi có căn cứ và nguyện vọng; Tổ chức cho các chiến binh đi tìm và đón hài cốt liệt sỹ về với gia đình; Đi thăm chiến trường xưa và tham gia xây dựng các công trình di tích lịch sử tri ân đồng đội; Hằng năm tổ chức dâng hương dâng hoa tại các nghĩa trang liệt sỹ; Tham gia các sự kiện lịch sử truyền thống ở các tỉnh thành...
Cựu chiến binh Sư đoàn 320 thăm lại Dinh Độc lập.
Đại đoàn Đồng Bằng - Sư đoàn 320 là một trong 6 đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập (16/1/1951) tại Đình Mống Lá - xã Yên Quang, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Ngay từ ngày đầu trên chiến trường, Sư đoàn đã sát cánh cùng nhân dân chiến đấu vùng địch hậu ở “Bên kia sông Đáy, sông Hồng”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở đồng bằng Bắc Bộ, góp phần cùng các lực lượng khác làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ - giải phóng miền Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn đã chiến đấu trên các chiến trường Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên, Khu 5, miền Đông Nam Bộ. Đặc biệt, Sư đoàn được vinh dự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Sau ngày giải phóng miền Nam, Sư đoàn bước vào cuộc chiến mới, tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng Pôn Pốt.
Với bề dày truyền thống, Sư đoàn 320 vinh dự được Đảng và Nhà nước hai lần phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân, được tặng 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 11 Huân chương Quân công và nhiều phần thưởng cao quý khác; được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăng Co. Năm 2021, Sư đoàn được Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.
Thu Hiền
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/ho-da-cuoi-khi-duoc-di-va-khoc-noi-minh-den-post1737232.tpo