Bài 2:
NHỮNG CHIẾN CÔNG, DÀNH CÁC ANH TẤT CẢ
BPO - Mỗi khi có dịp gặp nhau, những người cựu chiến binh (CCB) đều nhắc về một thuở thanh xuân nơi chiến trường, nhắc về những người đồng đội đã cùng nhau vào sinh ra tử. Dẫu bao năm tháng đã trôi qua nhưng trong ký ức của những người lính Cụ Hồ vẫn có một góc dành riêng cho những người đã ngã xuống để Tổ quốc mãi trường tồn.
Những ước mơ dang dở…
Câu chuyện của chúng tôi với CCB Huỳnh Thị Minh Tuyết về Đội biệt động Bà Rá thành lập và hoạt động trong lòng địch cách đây hơn nửa thế kỷ nhiều lần bị ngắt quãng bởi những ký ức nghẹn lòng.
Quá khứ hào hùng luôn là câu chuyện mà các cựu chiến binh trân trọng, nâng niu - Ảnh: Như Nam
Bà Tuyết khẳng định, hiện đã ngoài 80 tuổi, lúc nhớ lúc quên nhưng bà không bao giờ quên ước mơ rất đỗi bình thường của cậu em chiến sĩ cùng đơn vị. Cậu ấy tên Vang, quê ở Quảng Ngãi. Bà bần thần nhớ lại: “Hôm đó, chuẩn bị ra ngoài công tác. Khoảng 6 giờ chiều, chúng tôi có mặt ở chân núi. Ngồi ăn cơm, bẻ chuối rừng chấm mắm ruốc kho, Vang nhìn ra chân núi nói: “Chị ơi, em ước gì hòa bình em được ra đây tỉa bắp”. Một ước mơ rất đơn giản nhưng cả đời em không thực hiện được. Đêm đó bị địch phục kích, em ấy hy sinh, chúng tôi không lấy được thi thể về…”.
Câu chuyện về cậu Vang bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của người thương binh ¼ đã bao lần vào sinh ra tử. Bền chí kiên gan đối diện với khó khăn, thiếu thốn trong những tháng ngày tham gia Đội biệt động Bà Rá, đối mặt với kẻ thù vẫn không chùn bước nhưng bà Tuyết dường như mất hết sức lực trước sự hy sinh của những người đồng đội, của những đứa em trong đơn vị mà bà rất mực yêu thương. “Một cậu muốn ăn một bữa no cũng không được, một cậu mơ ước trồng bắp ở chân núi Bà Rá cũng không được…” - CCB Huỳnh Thị Minh Tuyết nghẹn ngào.
Thương binh ¼ Huỳnh Thị Minh Tuyết khẳng định: “Sợ gì! Chiến đấu, một là nó chết, hai là mình chết…” - Ảnh: Phú Quý
Chẳng nhắc về những đóng góp chiến công
Nhắc đồng đội những đứa không còn nữa
Nằm lại rừng sâu một thời khói lửa
Những anh hùng mãi mãi thuở hai mươi...
Tham gia cách mạng là chấp nhận hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh. Nếu ví bộ đội Cụ Hồ là những thanh thép, trải qua môi trường rèn luyện, được giáo dục, bồi đắp lý tưởng cách mạng, thì đó là những thanh thép đầy giá trị: “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ”. Như CCB Huỳnh Thị Minh Tuyết khẳng định: “Sợ gì! Chiến đấu, một là nó chết, hai là mình chết…”.
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Phước là một trong những chiến trường trọng điểm. Đã có hàng ngàn người con ưu tú ở khắp mọi miền theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đến và chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Không ít người đã nằm lại nơi này trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, tên tuổi đã được khắc ghi nơi ngôi đền thờ liệt sĩ và đồng bào tử nạn ở chiến trường Bà Rá - Phước Long tại đồi Bằng Lăng, trong niềm tri ân của hậu thế. Cũng có những anh hùng liệt sĩ, không hy sinh tại Phước Long, nhưng tên tuổi mãi mãi được lưu danh bởi những thành tích đặc biệt, bởi những khoảnh khắc lịch sử. Một trong những anh hùng liệt sĩ đó là Đặng Văn Hoan (SN 1950), một người con của quê lúa Thái Bình.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Hoan chính là người đã cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng Phước Long ngày 6-1-1975, trong lúc địch còn chưa hoàn toàn bị vô hiệu hóa, cổ vũ tinh thần chiến đấu cho bộ đội ta giành thắng lợi hoàn toàn trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long.
Lá cờ cách mạng kiêu hãnh tung bay trên dinh tỉnh trưởng Phước Long cách đây 50 năm, cũng như cái tên anh hùng Đặng Văn Hoan vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của đồng chí, đồng đội Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141. Nhưng trước ngày thống nhất đất nước không xa, ngày 18-3-1975, anh hùng Đặng Văn Hoan đã ngã xuống tại núi Ba Chồng trong một trận đánh ở Chi khu quân sự Định Quán (Đồng Nai).
Thông tin trên báo Thái Bình online cho biết: Từ khi về Đại đội 7 cho đến ngày hy sinh, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đặng Văn Hoan đã tham gia 9 trận đánh, được tặng bằng khen về thành tích bắt sống địch ở trận Phú Thứ, danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe cơ giới” ở trận đánh Lộ 7 ngang, bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở màn trận Đồng Xoài - Phước Long, Huân chương Giải phóng hạng Nhì với thành tích chiến đấu ở trận Định Quán.
Liệt sĩ Đặng Văn Hoan ngã xuống đã nửa thế kỷ nhưng vẫn sống mãi trong nỗi nhớ thương của gia đình, người thân nơi quê hương Thái Bình, sống mãi trong trái tim đồng đội và tên tuổi còn lưu mãi với Phước Long, khi vị trí cột cờ dinh tỉnh trưởng - di tích lịch sử - vẫn còn với thời gian, ghi rõ: Nơi đây, vào lúc 10 giờ 30 phút, ngày 6-1-1975, chiến sĩ Đặng Văn Hoan (Đại đội 7, Trung đoàn 141) cắm cờ “quyết chiến quyết thắng” lên dinh tỉnh trưởng Phước Long.
Vị trí cột cờ dinh tỉnh trưởng Phước Long, nơi Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Văn Hoan cắm lá cờ quyết chiến quyết thắng, ngày 6-1-1975. Ảnh: Tiến Dũng
Hành khúc những binh đoàn giải phóng
“Đồng chí ơi, người chiến sĩ giải phóng quân, miền Nam anh hùng thành đồng Tổ quốc. Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hòa, vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng…”.
Những câu hát trong ca khúc “Mỗi bước ta đi” của nhạc sĩ Thuận Yến vang lên như gợi nhắc lại một thời hào hùng 50 năm trước, khi những bước chân hành quân rầm rập tiến về giải phóng tỉnh Phước Long. Trong đoàn quân kiêu hùng ấy, có bước chân của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2; Đại tá Trần Xuân Ban, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2; Trung tá Bùi Thanh Hiền, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141; Trung tá Nguyễn Văn Hạnh, nguyên Chủ nhiệm Pháo binh Trung đoàn 141; Trung tá Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 7, chỉ huy cắm cờ vào dinh tỉnh trưởng Phước Long, Đại tá Ngô Hồng Lập, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Tham mưu phó Quân đoàn 4,… những người đã tiếp nối truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thiên anh hùng ca giữ nước.
Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 cho biết, trong Chiến dịch Đường 14 - Phước Long lúc đó ông là Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo cao xạ, pháo phòng không thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 7. Ông cũng là người tham gia từ khi đi trinh sát cho đến lúc giải phóng Phước Long.
Khi nhắc đến địa danh Phước Long, Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng không giấu được cảm xúc và khẳng định “cả đời tôi không quên đâu”. Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là trận đánh quân binh chủng hiệp đồng bài bản đầu tiên của Sư đoàn 7 trên đất miền Đông Nam Bộ. Sư đoàn được tăng cường 2 đại đội xe tăng, có pháo binh tầm xa, pháo binh tầm gần, cối 160… “Hỏa lực ta cũng mạnh, xung lực ta cũng mạnh, xe tăng, bộ binh, pháo binh mạnh kết hợp Đặc công 429 đánh núi Bà Rá, tính ác liệt một mất, một còn…” - Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng nhớ lại.
Chiến dịch này để lại cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 chúng tôi những bài học rất hay. Đó là phát triển thêm về chiến đấu hiệp đồng quân - binh chủng. Đây là lần đầu tiên một tỉnh ở miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Dù vô cùng ác liệt nhưng chiến thắng rất giòn giã và vinh quang.
Thiếu tướng TRẦN TRỌNG NGỪNG, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2
Mỗi bước ta đi vùi thây quân giặc cướp nước
Mỗi bước ta đi diệt tan bao bốt đồn thù
Theo bàn chân ta nơi nơi vùng lên
Mỗi bàn chân ta ghi thêm một chiến công soi muôn đời sau...
50 năm trước, mùa xuân năm 1975, bước hành quân anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 anh hùng, kết hợp cùng lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương đã kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, tiêu diệt và làm tan rã hơn 10.000 sĩ quan, binh sĩ và nhân viên chính quyền Sài Gòn. Với chiến thắng đó, quân, dân ta đã giải phóng và làm chủ hoàn toàn địa giới hành chính của tỉnh lị Phước Long, bao gồm chi khu Đức Phong, Đôn Luân, Bố Đức, Phước Bình và Tiểu khu Phước Long, với diện tích gần ¾ diện tích tỉnh Bình Phước ngày nay. “Chiến thắng Phước Long là cơ sở để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975-1976 hoặc sớm hơn” - Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng nhấn mạnh.
Nam Phương