Hố ga mất nắp - câu chuyện cũ, hậu quả mới

Hố ga mất nắp - câu chuyện cũ, hậu quả mới
19 giờ trướcBài gốc
Những hố ga, miệng cống bị mất nắp được che đậy tạm bằng tấm bê tông hoặc dùng cành cây để cảnh báo người đi đường tại phố Trần Đăng Khoa, phường Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Duy Linh
Những cái “bẫy” lộ thiên trên đường phố
Không khó để bắt gặp hình ảnh những hố ga, miệng cống không có nắp đậy ở các tuyến đường Hà Nội, đặc biệt tại những khu đô thị mới, tuyến đường ven đô hoặc những công trình đang thi công dang dở. Vào tháng 4/2025, tại khu đất đấu giá Phú Lương (quận Hà Đông cũ), người dân đã nhiều lần phản ánh về gần chục hố ga mất nắp tồn tại suốt nhiều tháng, gây nguy hiểm cho người đi bộ và phương tiện giao thông. Thậm chí, tại xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm cũ), chỉ trong vài trăm mét đã có hàng chục hố ga không có nắp đậy. Theo đại diện Ban Quản lý dự án huyện Gia Lâm (cũ), hơn 70 nắp hố ga đã bị lấy cắp dù cho đã nhiều lần thay thế bằng nắp mới.
Đáng lo ngại hơn, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra vì những cái hố không nắp này. Mới đây, một người dân ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm (cũ) từng bị rơi xuống hố ga mất nắp khi đang đi bộ trên vỉa hè dẫn đến chấn thương sọ não nghiêm trọng và phải điều trị hai tháng tại bệnh viện. Trước đó, vào năm 2021, tại quận Long Biên (cũ), một người đi xe máy đã tử vong tại chỗ sau khi lao xuống một hố ga không có nắp đậy vào ban đêm. Những sự việc đáng tiếc trên cho thấy hiểm họa rình rập từ những chiếc nắp bị đánh cắp, bị hư hỏng mà chưa được khắc phục kịp thời.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất nắp hố ga là nạn trộm cắp để bán phế liệu. Những chiếc nắp bằng gang hay kim loại có giá trị tái chế nhất định, nên trở thành mục tiêu của kẻ gian. Một số địa phương đã xác nhận, khi thay thế nắp bằng vật liệu composite hoặc bê tông - vốn không có giá trị bán lại thì hiện tượng trộm cắp gần như chấm dứt.
Ngoài ra, việc hư hỏng do tác động từ xe trọng tải lớn cũng là lý do không nhỏ khiến các nắp cống biến mất. Tại nhiều khu dân cư mới, xe chở vật liệu xây dựng thường xuyên hoạt động vào ban đêm cán qua nắp gang khiến chúng nứt vỡ và biến mất dần theo thời gian.
Cũng không thể không nhắc đến yếu tố quản lý. Một số công trình hạ tầng chưa được bàn giao hoặc chưa có đơn vị chịu trách nhiệm bảo trì cụ thể, dẫn đến tình trạng hỏng hóc hoặc mất cắp kéo dài mà không được xử lý. Dù người dân nhiều lần phản ánh, những chiếc hố ga vẫn trơ trọi, nguy hiểm vẫn treo lơ lửng trên đầu bất cứ ai không may đi qua.
Nguy cơ hiện hữu nhìn từ một chiếc nắp bị mất
Hố ga mất nắp không chỉ là chuyện mất mỹ quan hay hỏng hóc cơ học đơn thuần. Chúng thực sự là những cái “bẫy” đe dọa đến an toàn của người dân mỗi ngày. Người đi xe máy vào ban đêm, người đi bộ không để ý, trẻ em chơi gần vỉa hè – tất cả đều có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.
Không chỉ dừng lại ở yếu tố con người, những hố ga bị mất nắp còn khiến hệ thống thoát nước đô thị hoạt động kém hiệu quả. Khi không có nắp và chắn lọc, rác thải, đất đá dễ dàng tràn vào lòng cống, gây tắc nghẽn cục bộ. Hệ quả là vào những ngày mưa lớn, nhiều tuyến đường bị ngập nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt và lưu thông, thậm chí kéo theo cả tình trạng ô nhiễm do rác trôi nổi từ hệ thống thoát nước bẩn.
Dù giá trị vật chất của một chiếc nắp hố ga không lớn, nhưng hành vi trộm cắp lại bị xử lý nghiêm theo pháp luật vì tiềm ẩn rủi ro cao cho xã hội. Theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tội Trộm cắp tài sản" được quy định tại Điều 173. Theo đó, kẻ trộm tài sản công cộng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Tại Hà Nội, một đối tượng từng bị TAND quận Hai Bà Trưng (cũ) tuyên phạt 10 tháng tù giam vì hành vi trộm hai nắp cống thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Không chỉ người trực tiếp trộm cắp, các cơ sở thu mua phế liệu không rõ nguồn gốc cũng cần bị xử lý nghiêm. Chính sự tiếp tay này đã tạo ra thị trường tiêu thụ, khiến hành vi trộm cắp nắp cống trở thành “nghề” có thu nhập mà không ít người sẵn sàng bất chấp pháp luật.
Ở một chiều ngược lại, nếu việc mất nắp dẫn đến tai nạn nghiêm trọng, những đơn vị thi công, cơ quan quản lý hạ tầng thiếu trách nhiệm cũng có thể bị xem xét trách nhiệm hành chính, thậm chí hình sự nếu bị xác định là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Những giải pháp đang và cần được triển khai
Một trong những giải pháp được đánh giá hiệu quả là thay thế nắp gang bằng vật liệu composite hoặc bê tông nặng, không có giá trị phế liệu. Tại huyện Thanh Trì (cũ), việc chuyển đổi này đã giúp chấm dứt hoàn toàn tình trạng mất cắp nắp hố ga.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chủ động gia cố các hố ga bằng cách đặt tấm đan bê tông tạm, lắp camera giám sát tại các tuyến đường hay bố trí rào chắn, biển cảnh báo trong lúc chờ sửa chữa. Các tổ chức như Ban An toàn giao thông TP Hà Nội cũng liên tục yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống hố ga để khắc phục kịp thời những vị trí hư hỏng.
Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc, cần siết chặt hơn nữa quản lý hoạt động thu mua phế liệu – nơi tiêu thụ trực tiếp tài sản bị trộm cắp. Cần có cơ chế buộc các điểm thu mua kê khai rõ nguồn gốc phế liệu đầu vào, thậm chí, cấm hoàn toàn việc mua bán các thiết bị công trình công cộng như nắp gang, nắp cống.
Ngoài ra, việc hoàn thiện công tác bàn giao và duy tu công trình cũng cần được xem là ưu tiên. Các công trình giao thông phải lắp đặt đầy đủ nắp hố ga trước khi đưa vào sử dụng, đồng thời, quy định rõ trách nhiệm quản lý để không xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Cuối cùng, không thể thiếu vai trò của người dân trong việc giám sát và thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền. Tuyên truyền để cộng đồng hiểu rằng, một chiếc nắp hố ga không chỉ là miếng sắt vô tri, mà là tấm khiên bảo vệ mạng sống của chính họ và người thân, sẽ là giải pháp mang tính nền tảng để chống lại vấn nạn này.
Minh Nhật
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ho-ga-mat-nap-cau-chuyen-cu-hau-qua-moi-424269.html