Hở hàm ếch điều trị như thế nào?

Hở hàm ếch điều trị như thế nào?
19 giờ trướcBài gốc
1. Vì sao hở hàm ếch cần điều trị sớm?
Hở hàm ếch là khuyết điểm trong phát triển vòm miệng dẫn đến hình thành khe hở giữa khoang mũi và vòm miệng. Đây là dị tật sọ mặt phổ biến nhất (một vấn đề liên quan đến hộp sọ và khuôn mặt) mà trẻ sơ sinh có thể mắc phải khi sinh ra.
Những ảnh hưởng của hở hàm ếch rất nghiêm trọng. Hở hàm ếch thường đi kèm với sứt môi không chỉ làm biến dạng khuôn mặt của trẻ mà còn gây rối loạn các chức năng cơ bản như: Hô hấp, nhai cắn, phát âm, các bệnh lý về tai mũi họng...
Do đó trong trường hợp trẻ bị dị tật hở hàm ếch, cha mẹ cần cố gắng điều trị sớm cho trẻ. Các can thiệp điều trị sớm sẽ giúp tái tạo lại cấu trúc khuôn mặt, đảm bảo chức năng cơ bản cho trẻ.
Điều trị hở hàm ếch đòi hỏi sự tham gia điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau như: Phẫu thuật, chỉnh nha, tai mũi họng, phát âm, tâm lý học… Khi trẻ được can thiệp điều trị toàn diện sẽ làm giảm đi số lần phẫu thuật, giảm đau đớn cho trẻ và tăng hiệu quả điều trị.
Sứt môi - hở hàm ếch là một dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến cấu trúc của khuôn mặt và vòm miệng.
2. Các biện pháp điều trị hở hàm ếch
Phẫu thuật
Trẻ sơ sinh bị hở hàm ếch sẽ cần phẫu thuật chỉnh sửa. Mục đích của phẫu thuật là để đóng kín khe hở giữa mũi và vòm miệng, giúp tạo được vùng tiếng vang phù hợp của lời nói, ngăn thức ăn và nước uống tràn lên mũi gây sặc. Thông thường, phẫu thuật hở hàm ếch thường được thực hiện lần lượt như sau:
Từ 3 đến 6 tháng đầu: Phẫu thuật sửa môi.
Từ 6-12 tháng tuổi: Phẫu thuật sửa hở hàm ếch.
Từ 2 tuổi đến tuổi thiếu niên: Có thể cần thực hiện một hoặc nhiều thủ thuật theo dõi sau khi môi và/hoặc vòm miệng đã lành. Đôi khi, những trẻ bị hở hàm ếch có thể cần phải phẫu thuật bổ sung để hỗ trợ khả năng phát âm.
Trẻ em bị khe hở liên quan đến nướu có thể cần phải phẫu thuật ghép xương ổ răng khi được 7-12 tuổi để đảm bảo răng vĩnh viễn mọc đúng cách.
Khi lớn lên, thanh thiếu niên và người lớn bị hở hàm ếch có thể lựa chọn phẫu thuật nhiều hơn khi khuôn mặt ngừng phát triển. Những phẫu thuật này có thể bao gồm:
- Phẫu thuật mũi để thay đổi hình dạng và/hoặc chức năng của mũi.
- Phẫu thuật chỉnh sửa môi để thay đổi hình dạng của môi sau khi sửa chữa khe hở môi.
- Phẫu thuật cắt xương (hoặc phẫu thuật chỉnh hình hàm), trong đó xương hàm được căn chỉnh lại để thay đổi hình dạng cũng như các răng khớp với nhau.
- Phẫu thuật phục hồi răng, như cấy ghép hoặc dán sứ, để cải thiện vẻ ngoài của răng bị mất hoặc răng bị biến dạng.
Trị liệu ngôn ngữ
Vòm miệng mềm (phần ở phía sau họng) là một phần của cơ chế ngăn cách miệng với mũi khi bạn nói. Hở vòm miệng có thể khiến giọng nói nghe như giọng mũi hoặc khiến một số âm thanh không rõ ràng, đặc biệt là các phụ âm như t, b và d.
Khoảng một nửa số trẻ em bị hở hàm ếch sẽ cần một số hình thức trị liệu ngôn ngữ và phát âm để giúp các em nói rõ ràng. Mục tiêu là trẻ em có khả năng nói rõ ràng, dễ hiểu khi lên 5 tuổi để có thể tự tin đi học.
Chỉnh nha và chăm sóc răng miệng
Những trẻ sinh ra bị hở hàm ếch có thể có nguy cơ sâu răng cao hơn do vị trí hoặc hình dạng của một số răng. Cha mẹ cần chăm sóc thêm để duy trì sức khỏe răng miệng tốt ở trẻ.
Nếu khe hở liên quan đến nướu, có thể sẽ cần một số phương pháp điều trị chỉnh nha, thường bao gồm việc đeo niềng răng hoặc hàm duy trì.
Trẻ sơ sinh bị sứt môi - hở hàm ếch sẽ cần phẫu thuật chỉnh sửa.
3. Biến chứng tiềm ẩn của phẫu thuật
Bất kỳ phẫu thuật nào cũng có khả năng gây biến chứng. Phẫu thuật sửa chữa hở hàm ếch cũng không ngoại lệ. Các vấn đề tiềm ẩn chính sau phẫu thuật bao gồm:
Khó thở do sưng ở miệng.
Chảy máu.
Nhiễm trùng.
Sẹo...
Nhiều trẻ sẽ được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt ngay sau phẫu thuật để theo dõi chặt chẽ hơn, trong trường hợp chảy máu hoặc khó thở. Mô sẹo có thể mất vài tháng để hình thành. Một khi đã xuất hiện, mô sẹo có thể ngăn các cơ vòm miệng hoạt động bình thường hoặc có thể khiến vòm miệng trở nên quá ngắn để đóng đường dẫn từ miệng đến mũi.
Sau khi vòm miệng được sửa chữa, hầu hết trẻ em sẽ ngay lập tức dễ nuốt thức ăn và chất lỏng hơn. Nhưng ở khoảng 1 trong số 5 trẻ em, một phần của vết thương sẽ bị nứt, khiến một lỗ mới hình thành giữa mũi và miệng.
Nếu nhỏ, lỗ này có thể chỉ thỉnh thoảng rò rỉ chất lỏng. Nếu lớn, nó có thể gây ra các vấn đề đáng kể về ăn uống và quan trọng nhất là có thể ảnh hưởng đến cách trẻ nói. Lỗ này được gọi là "rò" và có thể cần phẫu thuật thêm để sửa chữa.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Bàn chân bẹt: Dị tật phổ biến nhưng ít người quan tâm.
BS. Trần Công
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ho-ham-ech-dieu-tri-nhu-the-nao-169241017110007834.htm