Khu vực hộ kinh doanh chiếm một cấu phần quan trọng trong nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Ảnh: Đức Thanh
Hộ kinh doanh rất sợ bị phạt
Không gọi đúng tên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng không nhớ chính xác số văn bản muốn chia sẻ, nhưng ý kiến mà bà Lê Thanh Nguyệt (chủ hộ kinh doanh cho thuê nhà), hay bà Nguyễn Thị Khánh Ly (hộ kinh doanh phụ tùng ô tô Phạm Gia tại Hà Nội) mang đến Hội thảo Tham vấn kết quả khảo sát hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế (do VCCI tổ chức cuối tuần trước) chính là bức tranh hiện hữu và sống động nhất về hộ kinh doanh vào thời điểm này.
Bà Ly chia sẻ, bà đang cảm thấy lo lắng, vì khi chính sách thay đổi, chỉ sợ làm sai. “Lâu nay, chúng tôi không quan tâm đến doanh thu, đầu ra, đầu vào, vì thuế khoán đã có mức rồi. Nhưng bây giờ, theo quy định mới, phải tính toán rất nhiều. Chúng tôi đang dành 3 nhân sự để chuyên làm hóa đơn, chứng từ; cũng làm theo hướng dẫn của cơ quan thuế là cái gì có chứng từ thì kê, nhưng làm việc với doanh nghiệp thì có hóa đơn, còn với các hộ kinh doanh vẫn áp dụng thuế khoán (do chưa đến thời điểm phải thực hiện), thì xử lý thế nào? Việc xử lý hàng tồn kho thiếu hóa đơn đầu vào ra sao? Kế toán cũng sợ sai, sợ bị phạt, nên chúng tôi phải cam kết: cứ làm hết sức, sai thì chủ sẽ chịu”, bà Ly giãi bày.
Còn bà Nguyệt, có căn nhà cho thuê, thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, cũng không biết chắc mình có thuộc diện nộp thuế hay không, sử dụng mã số thuế đồng thời là số căn cước công dân như thế nào…, dù đã đi hỏi nhiều lần.
“Tôi biết thông tin về hội thảo này trên mạng, nên tìm đến đăng ký tham dự. Tôi chỉ đề nghị, giá mà có văn bản nào hướng dẫn riêng hộ kinh doanh thì tốt quá, chứ khi chúng tôi hỏi, nhận được nhiều văn bản, cũng không biết mình sẽ phải đọc ở đâu, thực hiện cái gì”, bà Nguyệt thẳng thắn.
Bên cạnh đó, còn không ít nỗi lo đang chi phối tâm lý của hộ kinh doanh vào thời điểm này. Đặc biệt, khi phân tích kết quả khảo sát gần 1.400 hộ kinh doanh, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Ban Pháp chế (VCCI) ghi nhận tâm lý chung của các hộ kinh doanh là không biết bắt đầu từ đâu.
“Chúng tôi tổng hợp được nhiều mối lo của các hộ kinh doanh, như lo tăng chi phí, giảm lãi; lo thuế quá cao, lo khó khăn khi xuất hóa đơn, lo khách hàng không cung cấp thông tin, lo thủ tục hành chính phức tạp hơn so với trước kia, lo phải thêm chi phí thuê người quản lý, lo không rành về công nghệ, lo mất thời gian tìm hiểu, quản lý..., nên sợ làm sai và rất sợ bị phạt”, ông Thạch bóc tách từ kết quả điều tra.
Mối lo từ thói quen kinh doanh xưa cũ
Kết quả khảo sát gần 1.400 hộ kinh doanh về việc thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế mà VCCI vừa công bố chưa hẳn là bức tranh toàn diện về hiện trạng này.
Một mặt, thời gian thực hiện khảo sát chỉ trong khoảng 3 tuần cuối tháng 6/2025, đối tượng chủ yếu là các hộ kinh doanh thương mại; nhưng mặt khác, đây là thời điểm các hộ kinh doanh đang chịu tác động của nhiều cơ chế, chính sách mới, nhất là cao điểm chống hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không nguồn gốc, nên dễ có sự nhầm lẫn khi đánh giá tác động.
Tuy nhiên, trao đổi về kết quả, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho rằng, khảo sát mang đến thực chứng về hộ kinh doanh, mà rất có thể, các cơ quan hoạch định chính sách nên lưu tâm trong thiết kế và thực thi các quy định liên quan đến nhóm đối tượng này.
“Khảo sát cho thấy, có tới 94% hộ kinh doanh biết tới Nghị định số 70/2025/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ). Với các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách, chắc chắn, đây là tin tích cực, đảm bảo cho việc thực thi hiệu quả. Không nhiều văn bản đến được đối tượng điều chỉnh nhanh và rộng như vậy”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ kinh doanh hiểu rõ cần làm gì để tuân thủ lại không cao, chỉ khoảng 11%. Đáng nói là, khoảng 68% hộ kinh doanh tham gia khảo sát không rõ cần làm gì và 21% không hiểu. Trong số này, số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trả lời chưa hiểu cao nhất, chiếm 34%. Đây cũng là các hộ chiếm tỷ lệ cao trong nhóm chưa rõ, cùng với hộ kinh doanh tạp hóa...
Vấn đề là, có tới 57% hộ kinh doanh biết đến Nghị định số 70/2025/NĐ-CP từ mạng xã hội, 39% do thông tin truyền miệng.
“Mặc dù các cơ quan thuế, thông tin báo chí, truyền hình vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất, nhưng thực tế cho thấy, thói quen của một số không nhỏ hộ kinh doanh trong tiếp cận thông tin, trong hoạt động kinh doanh không dễ thay đổi, nhưng lại dễ chịu tổn thương”, ông Tuấn nói.
Có thể kể tới những thói quen như ghi chép thủ công, không muốn hoặc không thể công khai, minh bạch do cách quản lý theo trí nhớ…
“Ở các hộ kinh doanh tạp hóa, khi thấy gần hết hàng thì mới gọi, chứ không có thói quen lập kế hoạch nhập hàng để kê khai thông tin. Khách hàng của họ cũng vậy, thấy cần là gọi một cuộc điện thoại. Người đưa hàng có thể dùng một xe vận chuyển hàng tới cả chục điểm trong vùng, thả hàng rồi quay về, mà không cần ghi nhận gì cả, vì đã quen mối. Bây giờ, đưa vào nề nếp, phải ghi chép, xuất hóa đơn cho từng đơn khiến nhiều người rất ngại, nhất là những người lớn tuổi”, bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thừa nhận thực trạng.
Xác định thay đổi chính sách thuế với hộ kinh doanh là cần thiết và buộc phải làm để tạo nên văn minh thương mại, công bằng trong kinh doanh, song bà Quyên cũng đồng tình với đề xuất của VCCI trong việc tăng cường và thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các hộ kinh doanh theo cách “cầm tay chỉ việc”, không chỉ từ các cơ quan thuế, mà còn từ chính quyền địa phương cấp cơ sở.
“Làm thế nào để các hộ kinh doanh không e ngại, không lo sợ, để họ làm quen và thích ứng với quy định mới là điều các hộ cần vào lúc này”, bà Quyên đề xuất với VCCI, để góp vào báo cáo kiến nghị.
Khu vực đang cần được hỗ trợ đặc biệt
Cũng phải nói rõ, trong gần 1.400 hộ kinh doanh tham gia khảo sát, 56% hộ kinh doanh đang hoạt động ở khu vực nông thôn, 44% hoạt động ở đô thị; 93% là các cửa hàng tạp hóa, bán lẻ tiêu dùng, siêu thị mi ni, cơ sở dịch vụ ăn uống… Đặc biệt, chỉ khoảng 23% trong số này có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên trong năm 2024 - đối tượng đang phải thực hiện quy định áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế.
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các hộ kinh doanh đều quan tâm đến Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, bởi lộ trình sẽ phải thực hiện trong vòng 2 năm tới. Đây là lý do VCCI đặt các câu hỏi liên quan đến việc làm sao để thực hiện tốt nghĩa vụ này cho các hộ kinh doanh.
“Mục tiêu của cuộc khảo sát không chỉ là phản ánh việc thực hiện Nghị định số 70/2025/NĐ-CP, mà hướng tới mục tiêu tổng quan hơn, đó là cung cấp cho cơ quan hoạch định chính sách góc nhìn từ các hộ kinh doanh”, ông Tuấn chia sẻ tại Hội thảo.
Ông Tuấn cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ thấu đáo, dựa trên cả đặc tính, thói quen, nhu cầu của hộ kinh doanh, nhóm này dễ bị tác động tiêu cực bởi những thay đổi chính sách. Đây là lý do trong 7 nhóm kiến nghị, VCCI đặc biệt nhấn mạnh giải pháp hỗ trợ để hộ kinh doanh hiểu rõ nghĩa vụ, cách thức thực hiện và thời gian để chuẩn bị.
Đặc biệt, VCCI đề xuất xem xét sử dụng mạng xã hội một cách có chiến lược để truyền tải thông tin tích cực, giải đáp vướng mắc cho các hộ kinh doanh.
Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH
Lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của hộ kinh doanh là rất cần thiết
- Ông Trần Quốc Khánh, Thường trực Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ
Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến hộ kinh doanh, khu vực giữ cho nền kinh tế năng động. Hộ kinh doanh như là nước, len lỏi tới mọi địa bàn xa xôi nhất, đi vào ngóc ngách của nền kinh tế. Họ còn là nơi bảo tồn văn hóa truyền thống. Không có hộ kinh doanh, làm gì có ai lập doanh nghiệp bán bún ốc…
Vì vậy, trong quá trình triển khai chính sách, việc lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các hộ kinh doanh là rất cần thiết, để chính sách đi vào cuộc sống trên tinh thần giáo dục, hỗ trợ, cảm thông, kiến tạo... Nếu hướng dẫn kỹ càng, tôi chắc rằng, các hộ kinh doanh sẽ tự nguyện tuân thủ, vì họ muốn làm đúng để không bị phạt.
Cần có đường dây nóng, hoạt động 24/7
- TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Mục tiêu của chính sách mới về thuế với hộ kinh doanh là đảm bảo sự công khai, minh bạch và bình đẳng trong kinh doanh. Đây là việc cần thiết phải làm. Nhưng để thực hiện, cần hỗ trợ hộ kinh doanh, kể cả hỗ trợ bằng tiền, ví dụ, hỗ trợ chi phí mua máy tính tiền có thể kết nối với cơ quan thuế, hỗ trợ bằng hướng dẫn viên, trực tiếp đến đào tạo.
Đặc biệt, cần có đường dây nóng, hoạt động 24/7 với sổ tay hỏi đáp, để hộ kinh doanh vướng gì, có thể hỏi và được giải đáp ngay. Mong muốn của tôi là vướng mắc gì cũng phải gỡ càng nhanh càng tốt.
Khánh An