Hồ Cầu Cốc nằm trên địa bàn phường Tây Mỗ (TP Hà Nội) có diện tích khoảng 25.322m2 với chức năng chính là tiêu thoát nước và được UBND TP Hà Nội phân công UBND phường Tây Mỗ có trách nhiệm quản lý.
Theo Quyết định số 2423/QĐ-UBND của TP Hà Nội, điều chỉnh và bổ sung danh mục 3.501 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn Thành phố. Tại phường Tây Mỗ có 8 ao, hồ được đưa vào diện bảo vệ, gồm ao Gạo, hồ Mả Bia, hồ Ngòi Chó, ao đình Miêu Nha, ao đình Phú Thứ và trong đó có hồ Cầu Cốc.
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, không ít công trình xây dựng có dấu hiệu sai phép đã ngang nhiên mọc lên, lấn chiếm diện tích hồ.
Ngày 18/7, theo ghi nhận của Gia đình và Xã hội tại khu vực hồ Cầu Cốc, đoạn giáp với phố Cầu Cốc, hàng loạt công trình kiên cố đã được xây dựng san sát ven hồ. Được sử dụng với nhiều mục đích như kinh doanh nhà hàng ăn uống, rửa xe ô tô, nhà xưởng...
Qua quan sát, có thể thấy nhiều công trình đã được xây dựng hoàn thiện với tường gạch kiên cố, lợp mái tôn. Đặc biệt, một ngôi nhà đã cho xây chòi lớn nhô hẳn ra mặt hồ, phía bên trong được dựng khung sắt, mái che kiên cố.
Nằm kế bên là hàng loạt các công trình khác được xây dựng bằng tường gạch, lợp mái tôn hoặc quây tôn tạm bợ thi nhau "đua" ra mặt hồ.
Một cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa xe ô tô, dọn dẹp nội thất nằm kế bên hồ Cầu Cốc.
Hàng loạt công trình xây dựng có đấu hiệu sai phép lấn chiếm diện tích hồ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thoát nước, điều hòa không khí và cảnh quan đô thị. Không những vậy, những công trình này còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ nếu không may có sự cố.
Rác thải, vật liệu xây dựng được xả thẳng xuống hồ khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân.
Đáng nói, chính quyền địa phương dù đã kiểm tra, phát hiện và ban hành thông báo yêu cầu các chủ đầu tư tự tháo dỡ các công trình vi phạm, nhưng đến nay, những công trình này vẫn đang tồn tại, chưa có dấu hiệu thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông đã yêu cầu UBND phường Tây Mỗ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ thực trạng hồ Cầu Cốc bị lấn chiếm; xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo đúng quy định pháp luật; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố trước ngày 25/7.
Trước đó, ngày 8/7/2025, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 3966/UBND-ĐT yêu cầu các cấp chính quyền cơ sở thực hiện nghiêm công tác quản lý trật tự xây dựng, chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố nếu để xảy ra vi phạm.
Đồng thời, thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp cùng công an, UBND cấp xã tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các sai phạm, kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý.
Theo đó, việc cưỡng chế các công trình vi phạm không chỉ nhằm khôi phục hiện trạng sử dụng đất đúng mục đích mà còn là bước đi quyết liệt nhằm thiết lập lại trật tự xây dựng, đảm bảo quy hoạch và môi trường sống bền vững cho người dân Thủ đô.
Video hồ Cầu Cốc rộng hàng ngàn m2 ngang nhiên bị lấn chiếm, xây dựng trái phép:
Hồ Cầu Cốc rộng hàng ngàn m2 ngang nhiên bị lấn chiếm, xây dựng trái phép.