Ngày 8-7, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra tình hình vận hành chính quyền hai cấp ở đặc khu Phú Quốc.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc cho biết do đặc thù địa giới hành chính không bị chia cắt khi thành lập đặc khu, nên việc vận hành chính quyền hai cấp trên có nhiều thuận lợi.
Số lượng hồ sơ thủ tục hành chính của đặc khu Phú Quốc tăng khoảng 70%, gần gấp đôi so với trước đây. Ảnh: CẨM TÚ
Cạnh đó, Phú Quốc đã được công nhận đô thị loại I, trình độ dân trí và kinh tế - xã hội đạt mức khá; do đó, sự tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp tương đối thuận lợi. Mặt khác, chính quyền đặc khu cũng đã chủ động chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền… từ trước. Vì vậy, khi triển khai mô hình mới, các thủ tục hành chính được giải quyết suôn sẻ, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn tồn tại, như: đặc khu Phú Quốc hiện chỉ có một trung tâm hành chính công (đặt tại Dương Đông). Trong khi đó, khoảng cách từ Bắc đảo đến Nam đảo hơn 30km, làm một số bộ phận người dân bất tiện. Ngoài ra, chỉ tính riêng trong một tuần sau khi thành lập đặc khu, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính tăng khoảng 70% so với trước đây.
Để giải quyết kịp thời cho bà con, chính quyền đặc khu đã thành lập thêm bảy tổ tiếp nhận hồ sơ tại các trụ sở xã, phường trước đây để phân tải, giảm áp lực cho trung tâm hành chính công. Cạnh đó, chính quyền đặc khu Phú Quốc cũng đã triển khai 19 quầy giải quyết thủ tục, gồm cả quầy công an, bưu điện và bảo hiểm xã hội... và dự kiến mở rộng lên hơn 25 quầy để phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra tình hình vận hành mô hình chính quyền hai cấp ở đặc khu Phú Quốc. Ảnh: CẨM TÚ
“Khối lượng công việc của đặc khu Phú Quốc rất lớn, hiện có tới 321 dự án đầu tư cần giải phóng mặt bằng với khối lượng công việc khổng lồ. Trong khi đó, biên chế của Phú Quốc vẫn giống như các xã, phường khác” - Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc nêu khó khăn đang còn tồn tại và kiến nghị lãnh đạo tỉnh An Giang quan tâm, xem xét điều động, biệt phái thêm lực lượng để giải quyết công việc.
Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc cũng kiến nghị UBND tỉnh An Giang sớm ban hành danh mục ủy quyền để phân cấp, giảm tải khối lượng công việc cho Chủ tịch đặc khu. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ thêm cơ sở vật chất nếu Phú Quốc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền hai cấp.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang biểu dương và ghi nhận đặc khu Phú Quốc đã triển khai nhiều mô hình hay, giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả. Yêu cầu lãnh đạo đặc khu Phú Quốc báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về mô hình hoạt động để tổng hợp, báo cáo Trung ương, Bộ Nội vụ.
Ông hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo đặc khu Phú Quốc. Ảnh: CẨM TÚ
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng nhấn mạnh sau hợp nhất, tỉnh đã đạt một số kết quả quan trọng, trong đó, Phú Quốc đóng vai trò đặc biệt. Đơn cử, thu ngân sách đặc khu Phú Quốc hiện chiếm khoảng 9.000 tỉ đồng trong tổng số khoảng 25.000 tỉ đồng của tỉnh.
Người đứng đầu UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu UBND các đặc khu và các xã, phường chủ động thực hiện nhiệm vụ trong thẩm quyền. Nếu phát sinh vướng mắc thì báo cáo, đề xuất để lãnh đạo tỉnh kịp thời điều chỉnh, có phương án xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng lưu ý lãnh đạo đặc khu Phú Quốc thời gian tới cần quan tâm hơn nữa đến đời sống, sức khỏe của bà con nhân dân. Cạnh đó, quan tâm đến công tác giáo dục, đào tạo nghề, để đáp ứng nhu cầu lao động khi các dự án mới được triển khai trong thời gian tới.
CHÂU ANH