Hồ Tây: 'Viên ngọc xanh' giữa lòng Thủ đô trở thành 'điểm đen' vi phạm trật tự đô thị

Hồ Tây: 'Viên ngọc xanh' giữa lòng Thủ đô trở thành 'điểm đen' vi phạm trật tự đô thị
4 giờ trướcBài gốc
Vào mỗi buổi tối, khu vực vỉa hè trước cổng Chùa Sải (số 147 Trích Sài) lại trở thành tụ điểm ăn uống khi bị nhiều hàng quán chiếm dụng với mục đích kinh doanh.
Vẻ đẹp ngàn năm bị xâm hại
Hồ Tây, một trong những biểu tượng của Hà Nội, đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải liên quan đến vi phạm trật tự đô thị. Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xả rác bừa bãi và vẽ bậy… đã làm mất đi vẻ đẹp vốn có của hồ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân và du khách.
Suốt nhiều năm, để tận dụng tối đa “nguồn tài nguyên đất vàng”, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, trông giữ xe đã diễn ra phổ biến tại khu vực hồ Tây. Các hàng quán mọc lên san sát, chiếm dụng không gian vỉa hè đi lại của người dân. Xe máy, ôtô dừng đỗ tùy tiện, biến những con đường quanh hồ vốn đã nhỏ nay lại càng trở nên chật hẹp và mất mỹ quan.
Ôtô chiếm trọn phần vỉa hè ít ỏi dành cho người đi bộ.
Không chỉ bị lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, rác thải sinh hoạt, kinh doanh hàng quán như: Bao bì ni lông, chai lọ, xiên que... bị vứt bừa bãi xuống hồ và ven hồ, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, làm mất mỹ quan đô thị. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và du khách.
Cùng với đó, việc vẽ bậy nguệch ngoạc trên các bức tường, cột điện, thậm chí cả các công trình kiến trúc xung quanh hồ Tây đã trở thành một vấn nạn nhức nhối. Những hình vẽ thiếu thẩm mỹ, những dòng chữ thô tục không chỉ làm mất đi vẻ đẹp vốn có của hồ mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Hà Nội trong mắt du khách, làm giảm giá trị của hồ Tây.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều yếu tố, bao gồm ý thức của người dân chưa cao, sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, áp lực kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân vi phạm quy định, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mưu sinh.
Rác thải bị vứt bừa bãi trên vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường khiến bốc mùi hôi thối. Cách đó không xa là chiếc bốt điện tràn ngập hình vẽ nguệch ngoạc cùng chi chít những tờ rơi quảng cáo. Khung cảnh hỗn độn không khác một “bãi chiến trường”.
Bức xúc về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai, một người dân sống gần hồ Tây chia sẻ: “Trước đây, tôi thường ra hồ đi bộ vào buổi sáng, không khí trong lành, cảnh vật thật đẹp. Nhưng bây giờ, vỉa hè đã bị chiếm hết, đi lại rất khó khăn. Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết tình trạng này”.
Theo anh Trần Văn Nam, người dân sinh sống tại đường Quảng An cho biết, khu vực này nhiều hàng quán nhưng lại thiếu chỗ đỗ xe trầm trọng. “Khách hàng đến sử dụng dịch vụ mà đi ôtô sẽ đỗ thẳng lên vỉa hè, hoặc đỗ một nửa trên vỉa hè, một nửa dưới lòng đường chiếm hết cả lối đi. Gần như tối nào trước cửa nhà tôi cũng tắc đường vì không gian lòng đường bị thu hẹp, đến xe máy còn chẳng đủ chỗ mà đi”, anh Trần Văn Nam nói.
Bày tỏ về những nỗi niềm khi chứng kiến nơi có nhiều di tích lịch sử đã gắn liền với bao thế hệ người dân Thủ đô đang dần trở nên nhem nhuốc, ông Nguyễn Văn Đạt (80 tuổi), người dân sống tại khu vực Trích Sài cho hay, nhiều thế hệ gia đình ông đã sinh sống cạnh hồ Tây. Trước kia, hồ Tây gần như vắng bóng hàng quán kinh doanh, không khí xung quanh hồ cũng thoáng đãng và trong sạch. “Từ khi đường Võ Chí Công mở rộng, việc đi đến hồ càng dễ dàng hơn. Đó là lúc mà hồ Tây chính thức trở thành nơi đông đúc quán xá, bị chiếm dụng như bây giờ’’, ông Nguyễn Văn Đạt chia sẻ.
Lần đầu tiên đến Việt Nam, anh Jimmy (du khách nguời Đức) cho biết, buổi tối anh có ý định cùng bạn bè đến hồ Tây hóng gió và ngắm cảnh, nhưng thấy khung cảnh lộn xộn, đông đúc, luôn phải đi bộ xuống dưới lòng đường chật hẹp nên anh lại phải đi về.
Nhiều cuộc ra quân như “bắt cóc bỏ đĩa”
Về vấn đề này, ngày 20/11, Ban Chỉ đạo 197 quận Tây Hồ đã tổ chức ra quân tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận. Đây là lần thứ 2 trong năm 2024, Ban Chỉ đạo 197 quận Tây Hồ tổ chức ra quân xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận, Ban Chỉ đạo 197 quận đã xây dựng và triển khai Kế hoạch 355/KH-BCĐ ngày 15/11/2024 với nhiều giải pháp quyết liệt, đây cũng là đợt ra quân lớn, nhằm lập lại trật tự đô thị, trả lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng Đại hội Đảng các cấp.
Phó Chủ tịch UBND phường Yên Phụ Nguyễn Hồng Diệp thông tin thêm, nhiều lần, khi lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, chủ hàng và khách "rút" rất nhanh, lực lượng chức năng phải thu dọn hiện vật là những chiếc ghế và rác...
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, dù đã có nhiều đợt ra quân xử lý, tình hình vi phạm trật tự đô thị tại hồ Tây vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo trật tự đô thị là không thể phủ nhận, tuy nhiên, hiệu quả thực tế còn nhiều hạn chế. Việc xử lý vi phạm trật tự đô thị vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, buôn bán hàng rong vẫn diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị và cuộc sống của người dân. Tình trạng tái diễn các hành vi vi phạm cho thấy cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn để giải quyết tận gốc vấn đề.
Hà Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/ho-tay-vien-ngoc-xanh-giua-long-thu-do-tro-thanh-diem-den-vi-pham-trat-tu-do-thi-390839.html