Ảnh minh họa.
Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Tiếp đó, từ ngày 01/01/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
PHÁT THẢI PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ LÀ NGUỒN GÂY Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ CHỦ YẾU Ở HÀ NỘI
Chủ trương này xuất phát từ một yêu cầu hết sức cấp bách và cấp thiết là tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua, đặc biệt là vào mùa đông, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Tổ chức Y tế Thế giới từng công bố một con số hết sức đáng quan tâm là tại Việt Nam, ít nhất 70.000 người tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí, gấp đôi số người tử vong ở Việt Nam trong suốt đại dịch Covid-19. Tính trung bình cứ mỗi 7,5 phút lại có một người Việt Nam tử vong vì một căn bệnh do tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
Các chuyên gia nhấn mạnh việc thúc đẩy chuyển đổi xe xăng sang xe điện là một chủ trương nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí từ một trong những nguồn phát thải lớn nhất là phương tiện giao thông. Tuy nhiên, đây là một chủ trương có tác động rất sâu rộng đến người dân Thủ đô, trước mắt là những người sống và làm việc trong khu vực Vành đai 1. Rất nhiều vấn đề được người dân quan tâm như chính sách hỗ trợ chuyển đổi như nào, hệ thống trạm sạc được xây dựng ra sao, giao thông công cộng được hoàn thiện như thế nào…
Tại một tọa đàm vừa diễn ra, thông tin về thực trạng phương tiện giao thông và số lượng xe máy hiện nay trên địa bàn thủ đô, ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trên địa bàn Hà Nội hiện có 6,9 triệu xe máy và xấp xỉ gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động, trong đó 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ. Mô tô, xe máy chiếm 95% lượng phương tiện xe cơ giới.
Các nghiên cứu thống kê đã chỉ rõ rằng xe máy là nguồn phát thải chính tại đô thị. Cụ thể, xe máy gây ra 94% lượng hydrocarbon (HC), 87% khí CO, 57% NOx và 33% bụi mịn PM10 từ giao thông.
“Đây là con số đáng lo ngại. Kết quả phân tích trên cho thấy nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu ở Hà Nội là phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ, theo thống kê chiếm 58-74% tùy từng thời điểm”, ông Long nói.
Theo tính toán của Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải, lượng phát thải từ xe máy là rất lớn, với khoảng 470.000 tấn CO/năm và 38.000 tấn HC/năm, tương đương lần lượt với tổng trọng lượng của khoảng 31.000 và 2.500 chiếc xe buýt lớn.
Việc tiếp tục sử dụng hàng triệu xe máy cũ không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường của Hà Nội mà còn làm suy giảm chất lượng không khí, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, chưa kể vấn đề về tai nạn giao thông.
Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội đẩy mạnh chính sách vùng phát thải thấp và chuyển đổi phương tiện giao thông xanh trong thời gian tới. Các chuyên gia cũng nhận định, việc thay thế xe cũ bằng xe điện hoặc xe đạt chuẩn có thể giúp giảm 35-40% lượng khí CO và HC, đồng thời cải thiện chất lượng không khí và tiết kiệm năng lượng.
Liên quan chủ đề này, trong tọa đàm diễn ra cuối tuần qua, Trung tâm Thử nghiệm khí thải xe cơ giới đường bộ, Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu rõ: Trong khi việc kiểm soát khí thải xe ô tô tham gia giao thông ở nước ta đã được thực hiện kể từ năm 2006, theo Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg ngày 10/10/2005 thì toàn bộ hơn 70 triệu xe máy đang lưu thông tại Việt Nam lại chưa thực hiện việc kiểm soát khí thải, mặc dù quy chuẩn khí thải xe máy đã áp dụng với xe máy mới ra thị trường.
Để giải quyết thực trạng vừa nêu, việc chuyển đổi xe máy chạy xăng sang sử dụng xe điện sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải, góp phần cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội và bảo vệ môi trường.
LÀM GÌ ĐỂ THỰC HIỆN MỤC TIÊU KHÔNG CÓ XE MÁY XĂNG LƯU THÔNG TRONG VÀNH ĐAI 1 TỪ 1/7/2026?
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều giải pháp để kiểm soát, hạn chế các nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng. Đáng chú ý, tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường vừa được ban hành.
Ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính- Đầu tư Sở Xây dựng Hà Nội cho biết Vành đai 1 là vành đai đầu tiên, vành đai lõi đô thị trung tâm của Hà Nội bao gồm Thủ đô Hà Nội cũ và Thủ đô Hà Nội mới.
Người dân định cư trong Vành đai 1, theo số liệu thống kê ban đầu, khoảng 600.000 người với khoảng 450.000 phương tiện xe máy các loại đang di chuyển, sinh hoạt.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, nhấn mạnh Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ mang tính cấp bách, kịp thời, tổng thể và rất toàn diện. Theo ông Quân, Chỉ thị 20 mang tính cấp bách bởi trong thời gian qua, hệ thống quan trắc và các công cụ đánh giá đã được áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và AI đã được cập nhật thường xuyên và chính xác đến từng khu vực.
Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội do các phương tiện giao thông dùng nhiên liệu hóa thạch chiếm trên 50%. Điều này ảnh hưởng đến mức độ nguy hại của không khí. Đây là vấn đề “nóng” ở Hà Nội và Chỉ thị 20 của Thủ tướng yêu cầu giải quyết vấn đề này.
Chỉ thị 20 mang tính toàn diện bởi không chỉ nói đến môi trường nói chung mà còn yêu cầu xử lý chất thải rắn tại đô thị, xử lý ô nhiễm của các lưu vực sông. Chỉ thị 20 đã đưa ra những chủ trương, những nhóm giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, mục tiêu cuối cùng là mang lại bầu không khí trong lành cho người dân.
Chỉ thị 20 sẽ củng cố cho sự quyết tâm của chính quyền thủ đô và để Hà Nội triển khai một cách bài bản, có hiệu quả hơn trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
Ông Quân cho biết tiếp thu Chỉ thị 20, Hà Nội ngay lập tức có văn bản giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cùng với các sở ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể đặt ra các tiêu chí, giải pháp, lộ trình, các chính sách phù hợp.
Dự thảo kế hoạch này đã cơ bản đầy đủ và đang xin ý kiến tham gia của các sở ngành liên quan, dự kiến sở sẽ trình Thành phố trước ngày 25/7/2025.
Trong quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và các lãnh đạo thành phố rất quan tâm, chỉ đạo sát sao để nghiên cứu các chính sách phù hợp. Hà Nội mong muốn có sự hài hòa giữa quyền lợi, giữa trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
“Chúng tôi tin rằng với những chính sách của Nhà nước… sẽ tạo động lực và sức đẩy để Thành phố hoàn thành yêu cầu của Thủ tướng giao là từ ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1”, ông Quân cho biết.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, ông Long nhấn mạnh mục tiêu giải quyết ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông là những vấn đề thành phố rất quan tâm. HĐND thành phố đã ban hành các nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các quyết định để chuyển đổi phương tiện xanh và Hà Nội cũng đã có đề án để chuyển đổi xanh liên quan đến vận tải công cộng.
Đến thời điểm này, thành phố sẽ tập trung chuyển đổi xanh đối với phương tiện giao thông cá nhân của người dân. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và có tác động lớn, liên quan đến nhiều thành phần, đặc biệt là người có thu nhập thấp.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước tham mưu cho UBND Thành phố, “chúng tôi đang nghiên cứu một cơ chế chính sách để triển khai thực hiện theo Điều 28 của Luật Thủ đô, trong đó có hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh. Với chính sách này sẽ tập trung vào các cơ chế hỗ trợ qua nhiều hình thức: trực tiếp bằng tiền hay gián tiếp thông qua chính sách phí, lệ phí.”, ông Long cho hay.
Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện xanh. Với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, phương tiện công cộng sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất vay để doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi, hoặc chính sách liên quan đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông xanh, nhằm giải quyết vấn đề lo ngại về trạm sạc…
Thời gian tới, Hà Nội sẽ có giải pháp về vận tải công cộng để phục vụ nhu cầu của người dân để người dân hạn chế sử dụng xe máy; đồng thời việc kết nối các phương tiện và loại hình vận tải cũng đang được tính toán.
Tùng Dương