Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Phù Yên với thanh niên năm 2024.
Huyện đoàn Phù Yên đã phối hợp với các tổ chức tín dụng triển khai các chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, với các khoản vay ưu đãi. Hằng năm, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, diễn đàn, với chủ đề “Học sinh với nghề nghiệp trong tương lai”; tổ chức “Ngày hội tư vấn việc làm cho thanh niên”, định hướng cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xây dựng ý tưởng khởi nghiệp trên cơ sở khai thác những tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 9 dự án khởi nghiệp của thanh niên và 5 HTX do thanh niên làm chủ.
Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ĐVTN mạnh dạn khởi nghiệp và gợi mở ý tưởng khởi nghiệp cho ĐVTN; khuyến khích đoàn viên ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp giáo dục nghề phổ thông; vận động ĐVTN đăng ký tham gia các khóa đào tạo trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Đến nay, đã tạo điều kiện cho trên 7.000 ĐVTN và học sinh các trường THPT trong huyện được định hướng nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Hỗ trợ ĐVTN hoàn thiện hồ sơ tham gia các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp do Trung ương và tỉnh tổ chức.
ĐVTN huyện Phù Yên trao đổi kinh nghiệm quảng bá nông sản trên nền tảng Tiktok.
Anh Cầm Vĩnh Tri, Bí thư Huyện đoàn Phù Yên, cho biết: Chuyển đổi số là xu hướng đem lại nhiều cơ hội mở rộng đối tác kinh doanh, kết nối, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nông sản của ĐVTN. Do đó, Huyện đoàn đã tạo điều kiện cho đoàn viên tham gia chuỗi hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số trong quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cấp sản phẩm OCOP của thanh niên và thúc đẩy chương trình khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế. Đây là cơ hội để ĐVTN trong huyện được học tập, trao đổi kinh nghiệm quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Từ đó thực hiện hiệu quả phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”.
Năm 2018, anh Đinh Nhâm Thân, bản Thải, xã Mường Thải đã khởi nghiệp với mô hình trồng cây ăn quả có múi. Hiện nay, anh đã trồng được 2 ha cây cam Vinh, cam đường canh, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Thân chia sẻ: Trước đây, sản phẩm cam của gia đình chủ yếu mang ra chợ bán theo cách truyền thống, do đó, chưa thu hút được nhiều khách hàng. Khoảng 2 năm trở lại đây, được tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi số và quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội Tiktok, giúp gia đình kết nối tiêu thụ sản phẩm với nhiều bạn hàng trong và ngoài tỉnh.
Mô hình khởi nghiệp trồng cây ăn quả của ĐVTN xã Mường Thải, huyện Phù Yên.
Còn anh Hà Văn Thú, bản Chiềng, xã Mường Lang, chọn khởi nghiệp từ mô hình nuôi dúi thịt, với quy mô trên 500 con. Anh Thú cho biết: Hiện nay, nhu cầu của thị trường đối với dúi thịt khá cao, mỗi lứa xuất bán trên 200 con. Tôi đã liên kết với một số hộ trong bản, trong xã để nhân rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn khó khăn do thiếu vốn xây dựng chuồng trại và mua giống. Vì vậy, tôi đang đề xuất với Huyện đoàn tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để đầu tư mở rộng sản xuất và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh.
Tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với thanh niên, tổ chức vào tháng 10 vừa qua, các ĐVTN đề nghị huyện triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, nhất là việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tập huấn kỹ năng quản lý HTX... Các ý kiến đã được người đứng đầu chính quyền địa phương tiếp thu và giao cho các phòng, ban chuyên môn của huyện nghiên cứu, triển khai. Điều này đã tiếp thêm động lực cho ĐVTN mạnh dạn khởi nghiệp.
Các mô hình khởi nghiệp của tuổi trẻ Phù Yên đã mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động, giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Bài, ảnh: Khải Hoàn