Dự án định canh, định cư bản Suối Thịnh, bản vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, Sơn La bố trí, sắp xếp cho 20 hộ dân thuộc vùng thiên tai, ảnh hưởng lũ ống, lũ quét và sạt lở. Với tổng mức đầu tư 7 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: san ủi nền nhà, đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt; mỗi hộ dân sẽ được nhận 1 nền với diện tích khoảng 260m2...
Dự án định canh, định cư cho 20 hộ dân bản Suối Thịnh, vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, Sơn La
Triển khai từ cuối năm 2022, đến nay, các hạng mục của dự án cơ bản đã hoàn thiện, tuy nhiên, khu tái định cư vẫn chưa có hộ dân nào chuyển đến sinh sống. Ông Mùa A Khư, bản Suối Thịnh, Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La bày tỏ: Chúng tôi đã bốc thăm nền rồi nhưng vẫn chưa được hỗ trợ tiền để di chuyển và làm nhà cửa, nếu không hỗ trợ thì năm nay không di chuyển được... Cần khoảng 40 - 50 triệu mới di chuyển và dựng nhà mới được.
Các hạng mục đường giao thông, điện, nước sinh hoạt đã hoàn thiện, sẵn sàng phục vụ người dân
Theo phản ánh của người dân, dù rất muốn sớm chuyển đến nơi ở mới, nhưng nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế còn khó khăn, bà con không có kinh phí, vẫn chờ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Mùa A Nếnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Suối Thịnh, xã Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Chúng tôi nắm qua các cuộc họp dân là bà con mong muốn có kinh phí hợp lý hỗ trợ di chuyển. Cũng có thể vận động bà con tự di chuyển được nhưng sẽ lâu, không kịp tiến độ...
Nhiều hộ dân vẫn chưa có điều kiện để di chuyển tới nơi ở mới
Được biết, đây là một trong 5 dự án tái định cư nhằm ổn định đời sống cho bà con bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở mà huyện Phù Yên, Sơn La đang triển khai. Tuy nhiên, tùy từng dự án, từng nguồn vốn, kinh phí hỗ trợ di chuyển được triển khai khác nhau. Như với dự án định canh, định cư bản Suối Thịnh, được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì không có ngân sách cho việc hỗ trợ di chuyển.
Ông Đinh Văn Lượng - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Phù Yên, Sơn La - thông tin: 3 điểm tái định cư đang tiến hành di chuyển, còn điểm Suối Thịnh cũng đã hoàn thành các hạng mục, tuy nhiên, các hộ chưa thực hiện di chuyển. Do trong quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật dự án không có hỗ trợ di chuyển, bà con tự tháo dỡ, dựng nhà. Cho đến nay, dù đã tuyên truyền nhưng các hộ chưa di chuyển, do bà con chưa có tiền di chuyển đến nơi ở mới.
Các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống
Thực tế này cho thấy, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, rất cần có sự quan tâm hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ chi phí di chuyển để bà con sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, nhất là địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, các hộ thuộc diện tái định cư còn là hộ nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Để tháo gỡ, địa phương cũng đã có các văn bản gửi UBND tỉnh và kêu gọi xã hội hóa cho công tác này.
Các khu tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân vùng ảnh hưởng thiên tai
Ông Đặng Quang Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La - cho biết: Trong thời gian tới, huyện Phù Yên sẽ tiếp tục vận động tuyên truyền, đối với trường hợp thiếu kinh phí thì đã có tờ trình gửi các cấp, các ngành xem xét; đồng thời, tiếp tục vận động, cố gắng tạo mọi nguồn lực, hỗ trợ một phần để cho các hộ dân di chuyển trong điều kiện chính sách không có.
Để đồng bào vùng ảnh hưởng thiên tai thực sự được “an cư”, các địa phương miền núi Sơn La cũng đề nghị tiếp tục có những chính sách hỗ trợ lâu dài và đồng bộ, từ hỗ trợ chi phí di chuyển, làm nhà ở, đến hỗ trợ sinh kế, giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề... tại điểm định cư mới. Có như vậy, bà con mới yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn.