Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân

Hỗ trợ kỹ năng livestream bán nông sản cho nông dân
5 giờ trướcBài gốc
Các học viên thực hành livestream tại Hội nghị tập huấn về thương mại điện tử do Sở Công Thương phối hợp tổ chức.
Sơn La có nhiều loại cây ăn quả với sản lượng lớn, như: nhãn, xoài, mận, thanh long, sơn tra... Việc livestream bán hàng trên các mạng xã hội trong thời gian gần đây đang là một trong những giải pháp hữu hiệu cho đầu ra của nông sản, nâng cao doanh số, tối ưu lợi nhuận của nông dân. Sở Công Thương đã và phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn thương mại điện tử, mời người tiêu dùng có sức ảnh hưởng (KOC) và người có sức ảnh hưởng, người nổi tiếng (KOLs) tới để trao đổi kiến thức, kỹ năng tham gia, tạo gian hàng, xây dựng các video ngắn để quảng bá và bán sản phẩm. Đồng thời, trực tiếp hướng dẫn các HTX, hộ kinh doanh, hay chính người nông dân các kỹ năng livestream, chỉnh sửa, hậu kỳ video, lồng tiếng, phụ đề, để thu hút người xem, quảng bá, bán hàng trên kênh mạng xã hội.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, Sở đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức 9 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm nông sản trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, zalo, facebook) trên địa bàn các huyện Yên Châu, Mộc Châu và Thành phố. Qua đó, giúp nhiều HTX, nông dân tiếp cận được công nghệ, chủ động tổ chức livestream tại vườn, bán nông sản khá hiệu quả. Nhiều nông dân không chỉ biết bán sản phẩm, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin của khách hàng với nông sản địa phương.
Sở Công Thương phối hợp tổ chức tập huấn livestream trên mạng xã hội cho HTX, nông dân huyện Mộc Châu.
Tiếp thu kiến thức sau khi tham gia tập huấn, HTX Kiên Cường, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đã tổ chức livestream bán mận và lê Tai Nung ngay tại vườn. Chị Đinh Thị Mây, Giám đốc HTX, nói: Khi tài khoản mạng xã hội TikTok của HTX quay phát trực tiếp lên mạng, hình ảnh vườn quả chín mọng, nhiều khách hàng rất thích thú. Đặc biệt, với sản phẩm lê Tai Nung, ban đầu nhiều khách hàng nghĩ là quả lê của Trung Quốc, song khi HTX quay phát những hình ảnh trực tiếp ngay tại vườn hơn 10 ha, nhiều khách hàng đã đặt mua. Nhờ đó, mận và lê Tai Nung không chỉ của HTX mà còn của nhiều hộ dân ở trong vùng được khách hàng nhiều nơi biết đến, năm nay, HTX bán được hơn 20 tấn quả. Thời điểm này, HTX đang tổ chức livestream bán cam trên mạng xã hội để khách hàng biết và đặt.
Còn chị Hoàng Thị Hoa, chủ hộ kinh doanh hoa quả sấy dẻo Cường Hoa, ở tiểu khu 30, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu đã tổ chức livestream trên facebook, các sản phẩm hoa quả sấy dẻo được nhiều người biết đến, đặt mua, doanh thu cao hơn. Chị Hoàng Thị Hoa, chia sẻ: Khi mới làm còn bỡ ngỡ, nhưng dần cũng quen, sản phẩm được bán trực tiếp tới người tiêu dùng, truy xuất được nguồn gốc. Cơ sở bán hàng chịu trách nhiệm sản phẩm của mình. Tôi vẫn đang tiếp tục học cách làm video, chụp ảnh sản phẩm đẹp hơn, để sản phẩm hoa quả sấy dẻo được nhiều người biết đến và tăng doanh số bán hàng.
Hướng dẫn livestream bán hàng cho các hộ, HTX tại vườn mận xã Chiềng Đen, Thành phố.
Việc bán sản phẩm thông qua hình thức livestream của nông dân ở một số địa phương đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay đa số thành viên, cán bộ quản lý HTX và nhiều nông dân do trình độ công nghệ thông tin hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong thao tác, thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình livestream; cách thức dẫn dắt, giới thiệu sản phẩm chưa hấp dẫn.
Sở Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở các lớp tập huấn, trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hỗ trợ nông dân, thành viên HTX các kỹ thuật livestream, giúp người nông dân sử dụng thành thạo các ứng dụng, nền tảng trên điện thoại, nắm được kỹ thuật livestream, đóng gói, giao dịch online... để họ trở thành những nhà sáng tạo nội dung, thúc đẩy doanh số bán hàng và giải quyết đầu ra cho nông sản.
Bài, ảnh: Thủy Ngân
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/kinh-te/ho-tro-ky-nang-livestream-ban-nong-san-cho-nong-dan-ShrUN0ZNg.html