Hỗ trợ người khuyết tật chủ động kiếm việc làm

Hỗ trợ người khuyết tật chủ động kiếm việc làm
2 giờ trướcBài gốc
Người khuyết tật tìm hiểu thông tin việc làm tại “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ II năm 2024”.
Nhiều năm qua, nhằm góp phần hỗ trợ cho người khuyết tật tìm được những công việc phù hợp, thực hiện chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức định kỳ các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật.
Những trở ngại khi tìm việc làm
Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%. Số liệu này cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Số người khuyết tật còn trong độ tuổi lao động là 61%, trong đó 40% còn khả năng lao động. Tuy nhiên, chỉ có 31,7% người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm so với 83,8% người không khuyết tật.
Ngoài ra, trình độ học vấn của người khuyết tật còn hạn chế, có hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ từ tốt nghiệp THCS trở lên chỉ chiếm khoảng 19,5%. Bên cạnh đó, 93% người khuyết tật từ 16 tuổi trở lên không có chuyên môn, số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%. Trong những năm qua, vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật hòa nhập xã hội được Đảng, Nhà nước và Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện đã đạt được những kết quả tốt. Song, giải quyết vấn đề việc làm bền vững cho người khuyết tật vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Anh Nguyễn Quốc Hoàn (25 tuổi, quê Bắc Ninh) là một người khuyết tật vận động chia sẻ, khi còn nhỏ đã gặp tai nạn nên một bên chân bị teo, đi lại khó khăn. Trước đây, anh Hoàn làm công nhân tại một xưởng sản xuất giấy, song việc di chuyển đòi hỏi tốc độ và sức khỏe nên không theo kịp tiến độ công việc, vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn, anh Hoàn đành xin nghỉ việc.
“Thực tế, tôi hiểu các nhà tuyển dụng cũng e ngại khi nhận những người khuyết tật như chúng tôi vào làm việc vì nhiều vấn đề bất tiện. Cũng có những doanh nghiệp muốn tạo điều kiện cho người khuyết tật song lại chưa biết lao động khuyết tật có thể làm công việc gì phù hợp, bố trí cho chúng tôi làm cùng những nhân sự bình thường khác thì người khuyết tật khó có thể theo kịp mọi người”, anh Quốc Hoàn bày tỏ những khó khăn của cộng đồng người khuyết tật.
Ảnh minh họa ITN.
Nhiều cơ hội cho nhu cầu chính đáng
Thiết thực hưởng ứng Ngày quốc tế Người khuyết tật (3/12), thực hiện chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội Người khuyết tật TP Hà Nội đã tổ chức “Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ II năm 2024”.
Theo Ban tổ chức, hiện nay, Hà Nội có khoảng hơn 110.000 người khuyết tật, trong đó hơn 7.700 người có khả năng lao động. Nhiều người khuyết tật với bản tính cần cù, khéo léo, có nghị lực vượt khó luôn mong muốn tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định để tự chăm lo cho cuộc sống và đóng góp cho cộng đồng xã hội.
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhấn mạnh: “Phiên giao dịch việc làm kết hợp tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ II năm 2024 được tổ chức đồng bộ trên hệ thống Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Đây là một phần quan trọng trong Kế hoạch số 15/KH-UBND của UBND TP Hà Nội nhằm hỗ trợ, phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là người khuyết tật trên địa bàn”.
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Phiên giao dịch là cơ hội cho người lao động khuyết tật tiếp cận với thị trường việc làm, giúp họ tự tin, chủ động tìm kiếm việc làm, học nghề để có thể tham gia vào thị trường lao động. Có 37 đơn vị tuyển dụng tham gia phiên giao dịch này, trong đó có 14 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Tuấn - Quản lý Công ty TNHH giặt là Sẻ Chia cho biết, tại phiên giao dịch, ông nhận thấy có một số bạn phù hợp với công việc giặt là. Hiện nay, công ty có 14 người khuyết tật làm việc với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, những người lao động ở xa còn được hỗ trợ chỗ ở để ổn định, tập trung làm việc.
Theo số liệu từ phiên giao dịch việc làm cho thấy, có 1.286 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông là 796 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 61,9%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật là 289 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 22,5%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên là 201 chỉ tiêu.
Những lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng kí tham gia phiên giao dịch việc làm cho thấy việc khan hiếm lao động đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Thực trạng này tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là người lao động khuyết tật tiếp cận với thị trường lao động, tìm kiếm được việc làm phù hợp với bản thân.
Có 208 chỉ tiêu tuyển dụng với mức thu nhập từ trên 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng, chiếm tỷ lệ 16,2% tổng số chỉ tiêu. Đây là mức thu nhập dành cho các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Mức thu nhập từ trên 7 triệu đồng đến 10 triệu/tháng có 491 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 38,2% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng đối với các vị trí việc làm ổn định như: Nhân viên kỹ thuật có tay nghề, kế toán… Mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng có 582 chỉ tiêu, chiếm 45,3% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.
Hà Trang
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/ho-tro-nguoi-khuyet-tat-chu-dong-kiem-viec-lam-post710039.html