Hỗ trợ nông dân bán hàng trên sàn thương mại điện tử

Hỗ trợ nông dân bán hàng trên sàn thương mại điện tử
3 giờ trướcBài gốc
Các đơn vị giới thiệu sản phẩm tại Tuần lễ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các vùng miền và công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.
Hiện, tỷ lệ sản phẩm chủ lực nói riêng và những sản phẩm nông nghiệp nói chung của Thành phố Hồ Chí Minh tham gia vào sàn thương mại điện tử chỉ đạt chưa quá 5%, là một con số rất khiêm tốn, cho thấy nông sản bán hàng trên sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều rào cản.
Tìm “đầu ra” cho nông sản
Hơn 10 năm trồng rau ăn lá theo quy trình rau sạch, ông Phan Tấn Ngoan, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh vẫn thường gặp khó khăn trong khâu bán hàng. Để tiêu thụ nông sản, ông đã tìm nhiều cách như thông qua các cửa hàng, điểm mua nông sản, thương lái… nhưng vẫn không mấy hiệu quả do chưa kết nối được rộng rãi đến người tiêu dùng. Theo ông Ngoan, khó khăn của nông dân là nông sản làm ra không biết bán ở đâu, trong khi người cần mua lại không biết nơi để mua. Trước xu hướng công nghệ 4.0 phát triển mạnh, áp dụng công nghệ thông tin để bán hàng trên sàn thương mại điện tử là phương thức thuận lợi, người nông dân cần phải thay đổi.
Để hỗ trợ nông dân, gần bốn năm nay, Hội Nông dân huyện Bình Chánh nhiều lần tổ chức giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản của nông dân trên địa bàn huyện lên sàn thương mại điện tử. Hội Nông dân huyện phối hợp Hội Doanh nhân trẻ thành phố Cần Thơ và sàn thương mại điện tử Mekongexpo tổ chức tập huấn cho 100 cán bộ, hội viên là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tham gia sàn thương mại điện tử, hướng dẫn cách tham gia và hỗ trợ miễn phí khi tham gia sàn thương mại điện tử Mekongexpo.
Đồng thời, Hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân, doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; tập huấn chuyển đổi số trong hoạt động nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, ứng dụng và quản trị du lịch thông minh. Hội Nông dân huyện cũng hướng dẫn hội viên nông dân đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) để bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Đến nay, có 347 hộ hội viên trên địa bàn huyện giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội.
Theo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, năm 2024, Sở phối hợp hai huyện Bình Chánh, Củ Chi và nền tảng TikTok Shop tổ chức Hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ đề “Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP Thành phố Hồ Chí Minh trên nền tảng số”.
Sự kiện đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích và giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… tiếp cận phương thức tiêu thụ trực tuyến, đồng thời lắng nghe ý kiến về việc tiêu thụ các sản phẩm theo hình thức trực tuyến trên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, tại Hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức ở huyện Củ Chi, ban tổ chức đã tổ chức hoạt động livestream bán hàng trực tuyến trên nền tảng TikTok Shop, với khoảng 6.000 lượt xem trực tiếp.
Kết nối tiêu thụ sản phẩm
Nhằm giúp các đơn vị, doanh nghiệp kết nối hiệu quả trên nền tảng số, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp phối hợp TikTok Shop tổ chức các buổi workshop hướng dẫn kỹ năng livestream và sáng tạo nội dung trên TikTok; tổ chức các khóa tập huấn trang bị kỹ năng kinh doanh và hướng dẫn tạo gian hàng, vận hành bán các sản phẩm trên nền tảng TikTok Shop.
Tại Hội chợ, Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 và Tuần lễ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các vùng miền và công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản năm 2024, ban tổ chức đã tổ chức livestream trên nền tảng TikTok Shop và Shopee. Các phiên livestream giới thiệu gần 170 sản phẩm nông sản của hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp… với khoảng 170.000 lượt xem trực tiếp, có gần 810 đơn hàng, doanh thu 130 triệu đồng.
Ông Phạm Quang Hợi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp cho biết: Thông qua hoạt động nêu trên, các sản phẩm nông sản của thành phố có thêm cơ hội đến được tay của nhiều người tiêu dùng trong cả nước, giúp các đơn vị mở rộng tiềm năng giới thiệu sản phẩm, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài ra, tại Hội chợ, Triển lãm Giống, nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 đã có 30 lượt tương tác, trao đổi thông tin kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản của doanh nghiệp, hợp tác xã với hai sàn thương mại điện tử Alibaba và Tridge để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Kinh doanh số đã mở ra cơ hội lớn cho nông sản, sản phẩm OCOP của Thành phố Hồ Chí Minh, giúp sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả, nâng cao giá trị và nhận thức về đặc sản địa phương. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai nhiều nội dung và giải pháp thiết thực để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Đó là việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu (logo, tem, ấn phẩm, tư vấn đăng ký sở hữu trí tuệ, xây dựng videoclip câu chuyện sản phẩm), cũng như hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm với công tác chứng nhận nông sản an toàn (VietGAP, hữu cơ, HACCP…); tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử để nâng cao kiến thức về thị trường trực tuyến; đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thông qua các các phiên livestream tại các sự kiện và các kênh truyền thông xã hội giúp nông dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường rộng lớn, tăng cường kết nối giữa người bán và người tiêu dùng.
“Với sự hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử cùng các chương trình hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ góp phần tăng khả năng kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông dân và doanh nghiệp thành phố”- ông Phạm Quang Hợi cho biết.
Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ho-tro-nong-dan-ban-hang-tren-san-thuong-mai-dien-tu-post859914.html