Hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững

Hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững
2 giờ trướcBài gốc
Thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững, tỉnh triển khai và lồng ghép với nhiều chủ trương, định hướng, chính sách, tạo sự đồng thuận trong xã hội, từng bước thay đổi nhận thức từ tập quán sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, giúp giảm giá thành, đảm bảo năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, gắn với chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ bền vững.
Nhiều mặt hàng nông sản chế biến của tỉnh được giới thiệu tại Hội chợ Công thương vùng đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Tháp năm 2024 (Ảnh: Mỹ Nhân)
Phát triển thế mạnh sản xuất nông nghiệp
Năm 2024, ngành nông nghiệp của tỉnh chủ động phối hợp đơn vị liên quan tham mưu triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững lồng ghép vào giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Từ sự chủ động đó, tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, tiêu thụ được bảo đảm góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 50.704 tỷ đồng, tương ứng giá trị tăng thêm đạt 21.967 tỷ đồng, tăng 3,05% so với năm 2023.
Thời gian qua, tỉnh hỗ trợ nông dân tiếp tục phát triển theo hướng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, chú trọng công tác xác lập mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc và duy trì diện tích gieo trồng lúa tương đương so với cùng kỳ, chuyển dịch cơ cấu giống sang lúa chất lượng cao. Mặt khác, chuyển dịch cơ cấu gieo trồng hoa màu và hoa kiểng sang đối tượng cho giá trị cao; tập trung cải tạo vườn cây ăn trái già cỗi, chuyển dịch quy mô sản xuất sang đối tượng cây ăn trái kinh tế cao. Hỗ trợ nông dân chăn nuôi phát triển theo hướng cải thiện hiệu quả chăn nuôi nông hộ, tổng đàn được duy trì và phát triển ổn định. Lĩnh vực thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ phát triển ổn định, chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm có thế mạnh gắn phát triển sản phẩm OCOP địa phương phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hướng đến phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tỉnh hình thành và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu. Thông qua các mô hình, góp phần giảm chi phí, tăng thêm thu nhập cho nông dân trên đơn vị diện tích, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng của tỉnh. Đồng Tháp còn đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, toàn tỉnh có 20 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tăng 10 HTX so với năm 2023 và 35 HTX nông nghiệp được thành lập từ 35 mô hình Hội quán. Ngoài ra, có 862 tổ hợp tác (THT) giảm 71 THT nông nghiệp so với năm 2023 và 40 trang trại.
Với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự quản của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 151 Hội quán với 7.483 thành viên. Các Hội quán hoạt động đa dạng các loại hình như: sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm, kinh doanh đa ngành nghề, du lịch và sản xuất bột... Theo thống kê, đến ngày 30/6/2024, trên địa bàn tỉnh có 108 HTX nông nghiệp có mã vùng trồng; có 37/108 HTX nông nghiệp có mã vùng trồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp; có 10/339 THT có mã vùng trồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp; có 1/18 Hội quán có mã vùng trồng liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc.
Nông dân TP Sa Đéc chăm sóc hoa phục vụ thị trường Tết
Hướng tới phát triển nông nghiệp theo chiều sâu
Tạo đòn bẩy cho nông nghiệp phát triển, tỉnh quan tâm áp dụng khoa học công nghệ (KHCN), cơ giới hóa, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Trong giai đoạn 2021 - 2024 (tính đến tháng 7/2024), triển khai thực hiện 67 nhiệm vụ KHCN. Trong đó, có 26 nhiệm vụ góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các nhiệm KHCN tập trung vào việc hoàn thiện các quy trình sản xuất, quản lý một số dịch hại trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, chế biến sản phẩm nông sản, cơ giới trong sản xuất và phát triển thị trường... tác động tích cực đến tốc độ phát triển nông nghiệp của tỉnh, nâng cao chất lượng sản phẩm 5 ngành hàng chủ lực và một số ngành hàng tiềm năng của tỉnh.
Bên cạnh đó, xác lập thành công 1 chỉ dẫn địa lý, 28 nhãn hiệu chứng nhận, 4 nhãn hiệu tập thể phục vụ sản xuất kinh doanh, quảng bá hình ảnh địa phương và 8 nhãn hiệu chứng nhận khác mang địa danh phục vụ du lịch, xây dựng hình ảnh địa phương. Đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ trong việc thiết kế, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, ISO 22000, HACCP, VietGAP, chuyển giao công nghệ... với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 2,1 tỷ đồng cho 235 tổ chức/hộ kinh doanh.
Với sự thay đổi tư duy sản xuất, hiện nay, người nông dân ngày càng quan tâm thực hiện thiết lập, quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trên tinh thần đó, đến nay, tỷ lệ diện tích vùng trồng tập trung được cấp mã số theo quy định đạt kế hoạch đề ra (ngành hàng lúa gạo 52,7%, tương đương 102.927,6ha; xoài 57,2%, tương đương 8.438,8ha; cá tra 99%, tương đương 1.630ha). Đến nay, cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý được số hóa, đạt trên 90%; có khoảng 30% nông dân biết ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, mua bán trực tuyến.
Trên tinh thần khai thác tiềm năng nông nghiệp theo chiều sâu, Đồng Tháp phát triển công nghiệp chế biến nông sản và phát triển thị trường. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh tổ chức 9 hoạt động kết nối doanh nghiệp phát triển thị trường trong và ngoài nước, thông qua các sự kiện: tham gia hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, triển lãm, phiên chợ... Qua đó, đã có 96 biên bản ghi nhớ được ký kết giữa doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất - kinh doanh của tỉnh với các doanh nghiệp, nhà phân phối.
Về thương mại điện tử, đăng ký Bộ Công thương hỗ trợ 5 Đề án phát triển thương mại điện tử; có 99 doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia kinh doanh trực tuyến trên trang thương mại của HTX đặc sản Đồng Tháp (www.htxdacsandongthap.com), có liên kết với các sàn thương mại điện tử uy tín. Thời gian qua, công tác triển khai việc hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa được đầu tư, qua đó phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, thủy sản của Đồng Tháp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hoạt động phát triển nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp được tỉnh chú trọng. Nguồn vốn tín dụng những năm qua tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên ngành hàng trọng điểm của tỉnh như: lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra đều có mức tăng trưởng khá; dư nợ cho vay hầu hết các ngành hàng chủ lực đều tăng so với năm trước (tăng cao nhất là ngành hàng lúa gạo và hoa kiểng). Công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư được tăng tốc thực hiện, xem đây là một trong những động lực cho phục hồi kinh tế.
Giai đoạn 2021 - 2023, có 63 dự án được cấp thẩm quyền chấp thuận về chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư khoảng 13.931 tỷ đồng; trong đó, có 20 dự án thuộc lĩnh vực chế biến nông sản, ứng dụng công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký 3.142,87 tỷ đồng.
Y DU
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/nong-nghiep/ho-tro-nong-dan-phat-trien-nong-nghiep-kinh-te-nong-thon-ben-vung-126349.aspx