Các hộ tham gia mô hình chăn nuôi bò thịt được chứng nhận VietGAHP ở xã Nga My (Phú Bình) nhận bàn giao thức ăn hỗn hợp, thuốc thú y…
Cuối tháng 10 vừa qua, gia đình ông Nguyễn Xuân Hồ (ở xóm Khuân Lân, xã Hợp Thành, Phú Lương) rất vui khi được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận VietGAHP cho cơ sở chăn nuôi lợn của mình. Ông cho biết: Mỗi lứa, gia đình tôi nuôi khoảng 100 con lợn, sản lượng đạt trên 20 tấn/năm. Việc được cấp giấy chứng nhận VietGAHP sẽ giúp sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ thuận lợi hơn.
Gia đình ông Hồ là 1 trong 6 hộ chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn huyện Phú Lương mới được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Ông Ma Văn Thái, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, cho biết: Thực hiện chương trình hỗ trợ chứng nhận VietGAHP năm 2024, ngay từ đầu năm, Chi cục đã tiến hành khảo sát và lựa chọn được 6 cơ sở chăn nuôi lợn, gà ở huyện Phú Lương đủ điều kiện tham gia. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của các hộ chăn nuôi trong việc tham gia chương trình này.
Gần 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 158 trang trại chăn nuôi lợn, gà được hỗ trợ chứng nhận VietGAHP, góp phần nâng số trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP trong toàn tỉnh lên 179 đơn vị. Đây chính là nền tảng để Thái Nguyên có thể xây dựng được các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đặc biệt, từ sự hỗ trợ này, nhiều cơ sở chăn nuôi đã đủ điều kiện được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 chuỗi thịt lợn, 3 chuỗi thịt gà và 1 chuỗi giò chả được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Ông Ma Văn Thái cho biết thêm: Việc phát triển chuỗi liên kết đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng hóa các liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến đến kinh doanh phân phối sản phẩm. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo về an toàn thực phẩm, giá bán cao hơn từ 15-20%, doanh số sản xuất, kinh doanh tăng từ 20-50%. Đặc biệt là cải thiện niềm tin của người tiêu dùng, nâng cao giá trị nông sản thực phẩm, tiến tới đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn, có kiểm soát.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng thực tế hiện nay cho thấy, số trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAHP trên địa bàn tỉnh còn ít; các mô hình sản xuất theo chuỗi chưa đồng bộ, quy mô nhỏ. Do đó, hoạt động hỗ trợ cho sản xuất an toàn vẫn rất cần được duy trì thường xuyên.
Bà Lê Thị Quỳnh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh: Thực hiện chính sách hỗ trợ cho sản xuất an toàn là một trong những nhiệm vụ dài hơi của Chi cục. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, việc hỗ trợ các cơ sở tham gia chứng nhận sản xuất an toàn, chứng nhận chất lượng sản phẩm theo các tiêu chuẩn VietGAHP, quốc tế (HACCP, ISO, GlobalGAP, UTZ,…) sẽ gắn với vùng nuôi để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đáp ứng các yêu cầu cho hoạt động xuất khẩu.
Cùng với đó, Chi cục sẽ tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị của các nhóm sản phẩm. Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong đó có thịt lợn, thịt gà và trứng gà; cá nước ngọt; phối hợp với các doanh nghiệp lớn đủ khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực; thúc đẩy doanh nghiệp lớn kết nối với doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương, chính quyền địa phương, tổ chức nông dân triển khai đầu tư vào các chuỗi giá trị theo hình thức TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương)…
Tùng Lâm