Hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn

Hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn
4 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Sơn cho biết: Những năm gần đây, huyện Tân Sơn được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề. Trung bình mỗi năm, huyện mở hàng chục lớp đào tạo nghề theo chỉ tiêu pháp lệnh, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thu hút hàng trăm học viên tham gia. Công tác đào tạo nghề được đơn vị chuyên môn, cụ thể là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND các xã trên địa bàn rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của bà con từ đó lập kế hoạch tuyển sinh và đào tạo phù hợp.
Sau khi học lớp đào tạo nghề chế biến gỗ, anh Hà Văn Tài – xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn đã mở xưởng gỗ tại gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương trung bình 8 – 9 triệu đồng/ người/ tháng.
Được biết, huyện Tân Sơn có 17 xã, thị trấn, trên 90 nghìn người sinh sống với 83% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đang đứng đầu toàn tỉnh, bà con chủ yếu làm nông nghiệp, phát triển đồi rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện đã triển khai đồng thời việc đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong đó, nhằm nâng cao tỷ trọng người lao động được đào tạo nghề trong lĩnh vực phi nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ huyện, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận việc làm ở các khu, cụm công nghiệp, tiến tới cân bằng tỷ lệ việc làm trong cả hai lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, Trung tâm đã mở các nhóm nghề đào tạo như: May công nghiệp, hàn điện, sửa chữa máy nông nghiệp và cơ điện nông thôn, sửa chữa lắp đặt mạng cấp thoát nước gia đình; vận hành máy xúc đào, chế biến gỗ.
Học viên tham gia các lớp đào tạo nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức các lớp nuôi và phòng trị bệnh cho vật nuôi, trồng và khai thác rừng trồng, quản lý dịch hại tổng hợp...
Năm 2023, Trung tâm đã tổ chức đào tạo nghề cho 560 học viên. Trong đó, đào tạo theo chỉ tiêu pháp lệnh là 55 học viên; đào tạo theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 265 học viên; đào tạo theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 240 học viên.
Năm 2024, tính đến hết tháng 8, Trung tâm đã tuyển sinh và tiến hành đào tạo 31 lớp sơ cấp nghề cho lao động nông thôn với 539 học viên, hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh sơ cấp nghề cho lao động nông thôn của năm.
Các học viên sau đào tạo trên 80% có việc làm ngay, trong đó, riêng nghề may công nghiệp, có khoảng 90% lao động có việc làm sau đào tạo. Ngoài ra, học viên tham gia các lớp đào tạo nghề còn được hỗ trợ giới thiệu việc làm và vay vốn phát triển sản xuất.
90% học viên tham gia học nghề may công nghiệp có việc làm sau đào tạo.
Sau học nghề, nhiều học viên đã có việc làm ổn định, cho thu nhập cao. Tiêu biểu như: Anh Lê Trung Thủy, học nghề hàn điện, hiện đang mở xưởng hàn điện và gia công cơ khí (Thủy Hương), tạo việc làm cho 3-5 công nhân tại khu Cường Thịnh, xã Thạch Kiệt; anh Hà Văn Dũng, học nghề sửa chữa tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ, hiện mở xưởng sửa chữa (Dũng Mến) tại khu Mịn 1, xã Mỹ Thuận; chị Đinh Thị Minh Thư và Hà Thị Kim Thuyết học nghề trồng chè, hiện đều trồng và chăm sóc hơn 3ha chè tại Khu Láng, Văn Luông; anh Hà Văn Tài, học nghề chế biến gỗ, hiện đang mở xưởng chế biến gỗ tạo việc làm ổn định cho 10 công nhân Khu Đường 1, xã Mỹ Thuận; anh Hà Xuân Mông, học nghề nuôi Dê Thỏ, có trại chăn nuôi Thỏ tại khu Bông 2, xã Long Cốc...
Đồng chí Trần Văn Hạnh – Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tân Sơn cho biết: Những năm qua, công tác đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đối với các nghề nông nghiệp, tiếp tục đặt lớp học ở địa phương có đông dân cư (cụm xã) tạo điều kiện thuận lợi cho người học. Tăng cường thời lượng thực hành, thăm quan các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, tạo liên kết chuỗi để bao tiêu các sản phẩm nông lâm nghiệp, giúp học viên có động lực đầu tư mở rộng sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
Đối với các nghề phi nông nghiệp: Nâng cao việc giáo dục, bồi dưỡng cho học viên “tác phong nghề nghiệp”, tiếp tục đào tạo theo mô hình kết hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo tuyển dụng và sử dụng lao động để khi người lao động vào làm tại các doanh nghiệp, doanh nghiệp không mất công đào tạo lại. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ triển khai thêm nghề thương mại điện tử (kinh doanh online) để bắt kịp theo xu thế và nhu cầu thực tiễn hiện nay.
Vĩnh Hà
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/ho-tro-sinh-ke-chuyen-doi-nghe-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-huyen-tan-son-221811.htm