Hỗ trợ thế nào cho cán bộ công chức, viên chức sau sáp nhập?

Hỗ trợ thế nào cho cán bộ công chức, viên chức sau sáp nhập?
5 giờ trướcBài gốc
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng đoàn hoạt động chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, Chính phủ nên có cơ chế chính sách để triển khai dự án nhà công vụ, phát triển quỹ nhà ở xã hội giúp cán bộ yên tâm công tác, nhanh chóng thích nghi điều kiện làm việc mới.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Quang Vinh.
PV: Thưa bà, hiện nay một số địa phương đã đưa ra chính sách và đang đề xuất hỗ trợ đối với cán bộ công chức đi làm xa nhà khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh với mức hỗ trợ và thời gian hưởng hỗ trợ khác nhau. Bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Hiện việc hỗ trợ cho cán bộ công chức đi làm xa nhà sau sáp nhập do chính sách của từng địa phương. Mỗi địa phương sau sáp nhập có đặc trưng khác nhau, nguồn ngân sách khác nhau, nên việc hỗ trợ bằng ngân sách địa phương do HĐND của địa phương đó quyết định. Vì thế, mức hỗ trợ phụ thuộc vào thu ngân sách, nếu địa phương có ngân sách dồi dào sẽ hỗ trợ nhiều hơn, còn địa phương nào eo hẹp thì hỗ trợ ít hơn. Bên cạnh đó việc hỗ trợ còn phụ thuộc vào tình hình cán bộ đi làm xa. Có địa phương sau sáp nhập, phần lớn công chức đi làm hàng ngày, “sáng đi tối về” với khoảng cách không xa. Ví dụ Bắc Ninh và Bắc Giang cũ. Từ Bắc Ninh cũ đi sang Bắc Giang cũ là nơi đặt trụ sở hành chính chỉ khoảng 20-30km; Hải Dương cũ sang Hải Phòng khoảng 50km; Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình khoảng 30km.
Tuy nhiên cũng có địa phương sau sáp nhập khoảng cách đi lại xa, cán bộ không thể đi về hàng ngày được. Ví dụ Lào Cai với Yên Bái cũ là 150km; Phú Yên cũ với Đắk Lắk có khoảng cách rất xa. Do đó, nhiều cán bộ phải thuê nhà. Chính vì vậy hình thức hỗ trợ đang có sự khác nhau, do có thể hỗ trợ chi phí đi lại, chi phí thuê nhà ở. Nhưng mức hỗ trợ này chỉ là giải pháp tình thế mang tính hỗ trợ ban đầu.
Thực tế không chỉ hỗ trợ về mặt tiền mà một số nơi còn bố trí xe đưa đón và bố trí nơi ở, thưa bà?
Hiện nay các địa phương đang xây dựng các phương án về lâu dài cho cán bộ. Ví dụ nhiều địa phương hiện đã xây dựng phương án cải tạo, xây mới nhà ở công vụ. Nếu giải quyết được vấn đề nhà công vụ thì sẽ giải quyết được chỗ ở cho cán bộ đi làm xa. Có địa phương linh hoạt hơn thì hỗ trợ bằng hình thức xe đưa đón hàng ngày, hàng tuần. Ví dụ TPHCM, Bình Dương cũ, Bà Rịa-Vũng Tàu cũ. Như tôi đã đề cập ở trên, việc hỗ trợ như thế nào còn phụ thuộc vào đặc điểm tình hình của địa phương đó. Từ nguồn kinh phí cho đến đặc điểm tình hình cán bộ đi làm, khoảng cách xa hay gần và hỗ trợ dưới hình thức nào...
Vậy chúng ta có nên đưa ra chính sách hỗ trợ chung để tránh việc cán bộ tâm tư mỗi nơi có mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ khác nhau, thưa bà?
Đây chỉ là giải pháp tình thế trong lúc chưa xoay sở kịp, phần nào giúp cho cán bộ phải đi làm xa đỡ vất vả. Về lâu dài, tôi cho rằng, Chính phủ nên nghiên cứu để có sự hỗ trợ thống nhất trên cả nước. Ví dụ hỗ trợ về nhà ở công vụ cần xem xét để sửa Luật Nhà ở. Hỗ trợ về nhà ở công vụ là cách hỗ trợ tôi cho là thiết thực nhất, đảm bảo công bằng cho cán bộ đi làm xa. Bây giờ địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rất rộng lớn, từ vùng này sang vùng kia, từ đầu tỉnh sang cuối tỉnh, nên phải có hình thức hỗ trợ cho họ.
Chúng ta đang nỗ lực xây dựng phương án trả lương theo vị trí việc làm. Tôi cho rằng, cải cách tiền lương cũng là động lực quan trọng, tiền lương của cán bộ công chức được cải thiện theo hướng tăng lên thì vấn đề về chi phí đi lại cũng không phải là điều đáng lo nữa.
Nhà ở công vụ cho cán bộ sau sáp nhập là một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Ảnh: M.H.
Khi sửa Hiến pháp, sáp nhập tỉnh, thành phố, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đã từng có ý kiến về vấn đề kết nối giao thông. Theo bà vấn đề này cần giải quyết thế nào trong thời gian tới?
Chính phủ cần sớm khảo sát, hoặc trình Quốc hội thông qua việc khảo sát lại hạ tầng giao thông. Hầu hết hiện nay việc kết nối hạ tầng giao thông giữa các trung tâm hành chính tỉnh cũ còn chưa thực sự thuận tiện cho công chức đi làm. Ví dụ giữa Hà Nội với Hải Phòng khoảng cách không xa, nhưng giao thông tương đối phức tạp khi trung tâm hành chính mới không thuận tiện ở chỗ, đa phần phải di chuyển bằng đường 5 cũ. Đường 5 cũ giờ đã bị quá tải, công chức đi làm buổi sáng phải chen chúc, cả công nhân, cả xe container, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đe dọa đến tính mạng người đi làm. Do đó cần sớm khảo sát các tuyến đường hạ tầng giao thông mới, kết nối giữa các trung tâm với nhau để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công chức đi làm, quãng đường đi làm của công chức cần phải được rút ngắn đáng kể.
Trong những ngày đầu tiên thực hiện sáp nhập tỉnh, các phương tiện truyền thông đại chúng đã phản ánh nhiều về việc các địa phương bố trí phương tiện giao thông đưa đón cán bộ công chức hiệu quả rất thấp. Như chuyến tàu Đông Hà - Đồng Hới chỉ có 2 công chức. Còn nhiều xe đưa đón từ Bình Dương cũ lên TPHCM, hay từ Bà Rịa- Vũng Tàu cũ lên TPHCM cũng rất vắng. Vì thế, bây giờ cần khảo sát lại nhu cầu của cán bộ công chức. Ai đi vào giờ nào để có phương tiện giao thông công cộng hỗ trợ là tốt nhất, hỗ trợ không chỉ về chuyến xe, chuyến tàu mà còn xem xét cả vấn đề kết nối giao thông. Vì từ nhà cán bộ công chức đi ra bến tàu, điểm tập kết xe thì họ đi bằng cách nào? Có chỗ để gửi xe cá nhân không? Từ điểm trả như ga tàu đi đến nơi làm việc có thuận tiện và có phương tiện để kết nối hay không? Tôi ví dụ từ Hải Dương cũ có nhiều công chức rất muốn đi tàu, nhưng chuyến Hà Nội – Hải Phòng thì tàu chạy lại không phục vụ được công chức đi làm đúng giờ. Còn nếu muốn tổ chức chuyến tàu riêng thì ngành đường sắt thông báo phải có ít nhất 500 hành khách. Nhu cầu thực tế người đi làm thì nhiều hơn và có thể đến 1.000 người, nhưng từ ga tàu đến nơi làm việc cỡ 5km mà không có phương tiện trung chuyển, vậy xuống tàu thì sẽ đi bằng gì đến nơi làm việc? Rất khó thực hiện được chuyến tàu riêng do số lượng người đăng ký đi rất ít. Vì vậy theo tôi cần sớm khảo sát hạ tầng giao thông trên cả nước để có hình thức hỗ trợ phù hợp. Khi nhà ở công vụ, hạ tầng giao thông được hoàn thiện, cán bộ công chức sẽ bớt vất vả khi đi làm và sẽ toàn tâm toàn ý cho công việc.
Trân trọng cảm ơn bà!
H.Vũ (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ho-tro-the-nao-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-sau-sap-nhap-10310315.html