Mức hỗ trợ tài chính cụ thể được xác định trên cơ sở 30% tổng giá trị quyết toán dự án đầu tư hoàn thành và không vượt quá 10.000 tỷ đồng - Ảnh minh họa.
Nghị định số 88/2025/NĐ-CP được Chính phủ ngày 13/4/2025 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó có quy định về tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn cũng như mức hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chíp bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam.
TIÊU CHÍ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NGHIÊN CỨU, SẢN XUẤT CHIP BÁN DẪN
Theo Nghị định, tiêu chí, nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chíp bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam, đó là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; đã tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chíp bán dẫn; có vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trên báo cáo tài chính trong năm gần nhất nộp hồ sơ đáp ứng ít nhất 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Trường hợp có từ hai doanh nghiệp Việt Nam trở lên có cùng mức đề xuất về công nghệ, mức công suất, mức đầu tư thì sẽ lựa chọn doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao hơn nêu tại báo cáo tài chính trong năm gần nhất. Trường hợp có từ hai doanh nghiệp Việt Nam trở lên có cùng mức đề xuất về công nghệ thì lựa chọn doanh nghiệp có đề xuất mức công suất cao hơn.
Tiếp đến, nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về mục đích sử dụng, kỹ thuật, công nghệ: (1), mục đích sử dụng: nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chíp bán dẫn chuyên dụng hoàn chỉnh của Việt Nam; (2), công nghệ: Si CMOS có kích thước node từ 65 nm trở xuống hoặc Compound từ 250 nm trở xuống; (3), công suất: tối thiểu 1.000 wafer/tháng; (4), nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31 tháng 12 năm 2030.
Về nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao, theo đó lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam có đề xuất công nghệ cao nhất (kích thước node nhỏ nhất). Trường hợp có từ hai doanh nghiệp Việt Nam trở lên có cùng mức đề xuất về công nghệ thì lựa chọn doanh nghiệp có đề xuất mức công suất cao hơn.
Nếu trường hợp có từ hai doanh nghiệp Việt Nam trở lên có cùng mức đề xuất về công nghệ và mức công suất thì sẽ lựa chọn doanh nghiệp có đề xuất mức đầu tư dự án thấp hơn. Trường hợp có từ hai doanh nghiệp Việt Nam trở lên có cùng mức đề xuất về công nghệ, mức công suất, mức đầu tư thì sẽ lựa chọn doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao hơn nêu tại báo cáo tài chính trong năm gần nhất.
MỨC HỖ TRỢ TỐI ĐA 10.000 TỶ
Về mức hỗ trợ tài chính và kinh phí thực hiện, cụ thể trên cơ sở quyết toán dự án hoàn thành do người quyết định phê duyệt dự án đầu tư và được Kiểm toán Nhà nước kết luận, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ tài chính cụ thể cho doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chúng công nghệ và sản xuất chíp bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam.
Mức hỗ trợ tài chính cụ thể được xác định trên cơ sở 30% tổng giá trị quyết toán dự án đầu tư hoàn thành và không vượt quá 10.000 tỷ đồng trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31 tháng 12 năm 2030.
Giá trị quyết toán dự án đầu tư hoàn thành xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao nếu trên do Kiểm toán nhà nước tiến hành kiểm toán dự án và kết luận kết quả. Doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn hỗ trợ tài chính chịu trách nhiệm chi trả chi phí kiểm toán dự án theo quy định của pháp luật.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chíp bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam từ nguồn chi đầu tư phát triển khác của ngân sách trung ương. Việc lập dự toán, thực hiện và quyết toán kinh phí hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chíp bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Nghị định.
Hàng năm, doanh nghiệp Việt Nam được lựa chọn hỗ trợ tài chính có trách nhiệm lập dự toán gửi Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung trong dự toán chi ngân sách trung ương trình các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Về thủ tục thực hiện thanh toán hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao được lựa chọn hỗ trợ. Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao theo tiến độ giải ngân vốn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án, không quá 02 lần/năm.
Phần hỗ trợ từ ngân sách trung ương bằng 30% giá trị khối lượng thực hiện trong năm. Tổng tiền hỗ trợ lũy kể từ ngân sách trung ương cho doanh nghiệp không quá 30% giá trị quyết toán dự án đầu tư hoàn thành và không quá 10.000 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên chế tạo chíp bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao được thực hiện bằng hình thức giao dự toán kinh phí cho Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thủy Diệu