Trên địa bàn huyện có 74 di tích, trong đó 25 di tích đã được xếp hạng (13 di tích cấp tỉnh, 12 di tích cấp quốc gia); 5 điểm dừng chân thuộc tuyến du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể hát Then, đàn tính, hát quan lang, Lễ hội đền vua Lê, Lễ hội đền Dẻ Đoóng; các truyền thuyết gắn với di tích lịch sử như: “Cẩu chủa cheng vùa” (chín chúa tranh ngôi vua),Báo Luông - Slao Cải… cùng với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa mang đậm những dấu ấn về một vùng đất “cội nguồn cách mạng”, có mối liên hệ mật thiết với lịch sử quốc gia dân tộc, nơi từng là cung điện của các triều đại phong kiến, các phong trào hoạt động của những bậc tiền bối cách mạng Việt Nam. Đây là tiềm năng to lớn trong việc bảo tồn và khai thác những giá trị di tích lịch sử văn hóa đang có để phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tiết mục hát Then, đàn tính tại Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Hòa An lần thứ II năm 2024.
Thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó có nhiệm vụ đột phá “Phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, đưa du lịch, dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc”, cấp ủy, chính quyền huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn. UBND huyện xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ bền vững giai đoạn 2022 - 2025; kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn huyện. Để nâng cao hiệu quả công tác quảng bá du lịch, đồng thời giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, tạo thêm sức hấp dẫn du khách, huyện chú trọng tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa đặc sắc, nhiều trò chơi dân gian truyền thống, tiêu biểu như Lễ hội đền vua Lê làlễ hội mở đầu cho mùa lễ hội đền chùa của tỉnh.
Từ năm 2019, Lễ hội đền vua Lê được nâng cấp thành lễ hội cấp huyện với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú được tổ chức quy mô, bài bản với nhiều nghi thức đúng theo bản chất, ý nghĩa lịch sử, phong tục, tập quán truyền thống của địa phương như: múa lân, rước kiệu ảnh vua Lê, dâng hương, đọc chúc văn báo công, ôn lại những dấu ấn lịch sử hào hùng của đền vua Lê, đánh trống khai hội và chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn. Phần hội với nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống (cờ tướng, lày cỏ, kéo co, đua mảng…); thi trưng bày gian hàng ẩm thực, hàng nông sản, các sản phẩm thủ công truyền thống và trang phục các dân tộc của 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các lễ hội truyền thống cấp xã: Lễ hội đền Dẻ Đoóng (xã Hồng Việt), Lễ hội Lồng Tồng (xã Bạch Đằng), Lễ hội Xuân Án Lại (xã Nguyễn Huệ) được huyện quan tâm chỉ đạo tổ chức theo đúng quy định, thu hút đông đảo du khách thập phương đến trẩy hội.
Năm 2023, huyện tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc với nhiều hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo du khách và nhân dân địa phương tham gia như: thi trình diễn nét đẹp trang phục truyền thống và nghệ thuật dân tộc; tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống, trò chơi dân gian: kéo co, lày cỏ, ném pao vào gùi, tung còn, bịt mắt bắt lợn, chọi chim, sàng gạo; thi dựng, trang trí gian hàng đẹp, trưng bày không gian văn hóa các dân tộc, các sản phẩm nông sản, thủ công truyền thống và đặc sản tiêu biểu của địa phương; thi chế biến các món ăn đặc sản truyền thống của địa phương: đồ xôi giã bánh dày, nấu thắng cố, thi quay lợn, trưng bày xôi ngũ sắc và các món ăn đặc sắc khác; trưng bày tranh, ảnh đẹp về huyện; trưng bày, giới thiệu sách, triển lãm nghệ thuật. Ban Tổ chức xây dựng 4 không gian văn hóa các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh để du khách tham quan tìm hiểu và lưu lại những bức ảnh đẹp. Ngày hội là dịp nghệ nhân, diễn viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, qua đó thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa đồng bào các dân tộc, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống.
Hằng năm, huyện tổ chức các hoạt động, chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xóm Văn Thụ, xã Nam Tuấn; phối hợp với Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân tại các xã, thị trấn; chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, chợ hoa xuân Háng Cáp; bắn pháo hoa đêm giao thừa thu hút hàng nghìn lượt người tham gia, mang đến niềm vui, sự phấn khởi, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương mạnh mẽ hơn, gia tăng lượng khách đến lưu trú, tham quan khi tham gia các sự kiện, hoạt động, thúc đẩy tăng trưởng du lịch, dịch vụ của huyện.
Để quảng bá hình ảnh của huyện đến gần hơn với du khách, hằng năm, huyện tham gia tổ chức “Không gian văn hóa huyện Hòa An” tại Phố đi bộ Kim Đồng. Các làn điệu dân ca, dân nhạc, trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương được tái hiện sinh động, hấp dẫn; các hiện vật lịch sử như đạn đá thần công, gạch gồ xây tường thành, gốm thời nhà Mạc ở thành Na Lữ và tấm dệt thổ cẩm thể hiện truyền thống văn hóa phong phú từ lâu đời, tạo nên một văn hóa Hòa An đầy hương vị ngay lòng thành phố Cao Bằng. Huyện đưa các sản phẩm thủ công tiêu biểu như đàn tính, khèn Mông, nón lá, gùi... và các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng: mật ong, rượu ngô, miến dong, các loại rau, củ, quả sản xuất theo mô hình hữu cơ để tô đậm thêm bức tranh phong phú, đa dạng của địa phương, giúp du khách có những trải nghiệm thú vị về các sản phẩm du lịch độc đáo để thêm hiểu, thêm yêu, tạo động lực cho du khách đến với mảnh đất Hòa An tươi đẹp. Đây là dịp các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân cùng kết nối, hợp tác phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch của huyện nói riêng và tỉnh nói chung, góp phần mở rộng thị trường, kích cầu du lịch trong thời gian tới.
Các hoạt động, sự kiện văn hóa của địa phương được cập nhật nhanh chóng trên trang thông tin điện tử của huyện, phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội facebook, zalo..., thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, du khách. Từ đó, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư đến với huyện, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển theo hướng bền vững.
Nhân dân thi kéo co tại ngày hội văn hóa các dân tộc.
Để tiếp tục giữ gìn, bảo tồn, phát huy, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, đánh thức tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện tiếp tục tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa lớn tạo điểm nhấn; đẩy mạnh tuyên truyền về di tích lịch sử, văn hóa gắn với các điểm công viên địa chất trên địa bàn huyện; phát triển du lịch gắn với bảo vệ và khai thác hiệu quả các điểm di tích trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cũng như các di tích lịch sử, văn hóa khác trên địa bàn huyện, kết nối với các địa điểm du lịch của tỉnh. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư, bảo vệ, tôn tạo di tích; bảo tồn và phát triển các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các nghề truyền thống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển.
Phạm Hà